Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi giới trẻ trở thành ‘câu trả lời của Thiên Chúa’ cho một thế giới vô vọng

Đức Thánh Cha Phanxicô mỉm cười khi trò chuyện với những người hành hương tại buổi cầu nguyện vào ngày 5 tháng 8 năm 2023, tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, Bồ Đào Nha (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô mỉm cười khi trò chuyện với những người hành hương tại buổi cầu nguyện vào ngày 5 tháng 8 năm 2023, tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, Bồ Đào Nha (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi giới trẻ hãy trở thành ánh sáng hy vọng trong một thế giới đang phải chịu đựng chiến tranh, bạo lực, đau khổ và tuyệt vọng.

“Khi chúng ta nghĩ đến những bi kịch của con người, đặc biệt là sự đau khổ của những người vô tội, chúng ta cũng có thể lặp lại một số Thánh Vịnh và hỏi Thiên Chúa: ‘Tại sao?’. Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta cũng có thể là một phần trong câu trả lời của Thiên Chúa cho vấn đề này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một thông điệp gửi tới thanh thiếu niên và giới trẻ được công bố vào ngày 14 tháng 11.

“Được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh và giống như Ngài”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “chúng ta có thể trở thành dấu chỉ tình yêu của Ngài, điều mang lại niềm vui và hy vọng ngay cả trong những tình huống có vẻ như vô vọng”.

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô về chủ đề “Hãy vui mừng trong Niềm hy vọng” đã được công bố trước Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới của Giáo phận, sẽ được cử hành vào ngày 26 tháng 11, Lễ mừng kính trọng thể Chúa Kitô Vua Vũ Trụ.

Giáo hội Công giáo đã cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới hàng năm tại các Giáo phận địa phương kể từ khi sự kiện này được Thánh Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 1985.

Đại hội Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc vào năm 2027. Các bạn trẻ cũng được mời tham dự Năm Thánh của Giới Trẻ tại Rôma trong Năm Thánh 2025.

Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chúng ta đang sống trong một thời điểm mà đối với nhiều người, trong đó có giới trẻ, “niềm hy vọng dường như vắng bóng”.

“Thật đáng buồn, nhiều người cùng thời với các con đang phải trải qua cảnh chiến tranh, xung đột bạo lực, bắt nạt và các hình thức khó khăn khác đang bị kìm hãm bởi sự tuyệt vọng, sợ hãi và chán nản phiền muộn”, Đức Thánh Cha nói. “Họ cảm thấy như đang ở trong một nhà tù tối tăm, nơi ánh sáng mặt trời không thể chiếu vào”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra tỷ lệ tự tử cao ở thanh thiếu niên và thanh niên ở một số quốc gia là dấu hiệu rõ ràng về mức độ trầm cảm trên thế giới.

“Trong những hoàn cảnh như vậy, làm sao chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm vui và hy vọng mà Thánh Phaolô nói đến?”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Có nguy cơ là thay vào đó chúng ta sẽ rơi vào tình trạng tuyệt vọng, nghĩ rằng làm điều tốt là vô ích, vì điều đó sẽ không được ai đánh giá cao hoặc thừa nhận. Chúng ta có thể tự nhủ như Gióp: ‘Vậy thì niềm hy vọng của tôi ở đâu? Ai sẽ thấy niềm hy vọng của tôi?’ (Gióp 17:15)”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng niềm vui “không phải là sản phẩm của những nỗ lực, kế hoạch hay kỹ năng của con người chúng ta, mà là năng lượng sinh ra từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Niềm vui Kitô giáo đến từ chính Thiên Chúa, từ sự hiểu biết của chúng ta về tình yêu của Ngài dành cho chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chỉ ra điều mà Đức Bênêđictô XVI đã nói với Giáo triều Rôma vào năm 2011, khi suy ngẫm về kinh nghiệm của ngài tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Madrid.

Đức Bênêđictô XVI nói: “Niềm vui đến từ đâu? Làm thế nào nó được giải thích? Chắc chắn có nhiều yếu tố tác động ở đây. Nhưng… điều cốt yếu là sự chắc chắn dựa trên đức tin: Tôi được yêu mến. Tôi có một nhiệm vụ trong lịch sử. Tôi được đón nhận, tôi được yêu thương”.

Sau khi chúng ta đã thắp lên ngọn lửa hy vọng trong chúng ta, nó phải được nuôi dưỡng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Có thể có những lúc nó có nguy cơ bị dập tắt bởi những lo lắng, sợ hãi và áp lực của cuộc sống hàng ngày. Ngọn lửa cần oxy để tiếp tục cháy, để phát triển thành ngọn lửa hy vọng lớn lao”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha đã đưa ra hai lời khuyên để giữ cho niềm hy vọng tồn tại: dành thời gian hàng ngày để cầu nguyện và quyết định sống trong hy vọng.

“Khi các con cảm thấy bị bủa vây bởi những đám mây của sự sợ hãi, nghi ngờ, lo lắng và các con không còn nhìn thấy mặt trời nữa, hãy đi theo con đường cầu nguyện”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời nhắc lại những lời của Đức Bênêđíctô XVI trong Thông điệp Spe Salvi: “Vì ‘khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Thiên Chúa vẫn lắng nghe tôi’”.

“Chúng ta hãy dành chút thời gian mỗi ngày để nghỉ ngơi trong Chúa, nhất là khi chúng ta cảm thấy choáng ngợp trước những vấn đề của mình: ‘Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến, (Tv 62:6)’”.

“Lời mời gọi hãy vui mừng trong niềm hy vọng của Thánh Phaolô”, Đức Thánh Cha nói, “kêu gọi những lựa chọn cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Cha mời gọi tất cả các con hãy chọn một lối sống đặt nền tảng trên niềm hy vọng”.

Đức Thánh Cha chỉ ra ví dụ về phương tiện truyền thông xã hội, nơi “dường như luôn dễ dàng chia sẻ những điều tiêu cực hơn những điều truyền cảm hứng cho niềm hy vọng”.

“Vì thế gợi ý cụ thể của cha là thế này: Mỗi ngày, hãy cố gắng chia sẻ một lời hy vọng với người khác. Hãy cố gắng gieo mầm hy vọng vào cuộc sống của bạn bè và mọi người xung quanh các con”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết