Hôm Thứ năm 3/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu với đại diện các tôn giáo rằng các hành động khủng bố và bạo lực phải được mạnh mẽ lên án, trong khi tình yêu thương và lòng thương xót – tâm điểm của một tôn giáo đích thực – phải được thúc đẩy.
“Đáng buồn thay, không một ngày nào trôi qua mà chúng ta không nghe thấy những tin tức về những hành vi bạo lực, những cuộc xung đột, bắt cóc, những vụ tấn công khủng bố, giết người và phá hoại”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết. Đồng thời, Ngài cũng nhấn mạnh rằng “quả là một điều khủng khiếp khi biện minh cho những tội ác man rợ như vậy nhân danh tôn giáo hay nhân danh chính Thiên Chúa”.
“Những thái độ trái với đạo lý này đáng bị lên án vì nó làm ô danh Thiên Chúa cũng như làm nhơ nhuốc những nhiệm vụ thuộc về tôn giáo của nhân loại”.
Thay vào đó, Đức Thánh Cha đề nghị “những đường lối không mục đích của những quan điểm bất đồng cũng như lối tư duy khép kín” phải bị từ khước, và thay vào đó là con đường của một “sự gặp gỡ hòa bình” giữa các tín hữu.
Là một hoạt động trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một nhóm khoảng 200 thành viên đến từ các tôn giáo khác nhau tại Vatican hôm 3/11 vừa qua. Đại diện các tôn giáo bao gồm Kitô giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và một số tổ chức khác bao gồm các thiện nguyện viên hiện đang cộng tác trong các lĩnh vực liên quan đến các tổ chức từ thiện và lòng thương xót.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha đã lên án những cuộc tấn công chống lại tự do tôn giáo, Ngài cho biết Lòng thương xót không thể được công bố chỉ bằng lời nói mà thôi, nhưng nó phải được thể hiện bằng hành động, và hơn hết, “bằng những cách thế thể hiện Lòng thương xót thực đối với sự sống được biểu hiện cụ thể qua tình yêu không vụ lợi, bằng việc phục vụ giàu tình huynh đệ và sự sẻ chia chân thành”.
“Giáo Hội đang ngày càng mong mỏi để có thể áp dụng lối sống này”, Đức Thánh Cha cho biết. “Tương tự như vậy, các tôn giáo cũng đều được mời gọi thể hiện lối sống ấy, để có thể trở thành – đặc biệt là trong thời đại chúng ta – những sứ giả của hòa bình và xây dựng sự hiệp nhất”.
Cảnh báo trước những ngộ nhận của thuyết hỗn hợp tôn giáo, trong đó kết hợp nhiều tôn giáo khác nhau, Đức Thánh Cha kêu gọi sự hiệp nhất thông qua việc đối thoại và gặp gỡ như là một cách thế hữu hiệu nhằm chống lại sự chia rẽ và bài trừ trên toàn thế giới.
“Đây chính là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa và trở thành một nhiệm vụ cấp bách, đáp ứng không chỉ đối với những nhu cầu hiện tại nhưng trên tất cả là lời mời gọi yêu thương vốn là linh hồn một tôn giáo đích thực”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
Nhấn mạnh Lòng thương xót chính là “tinh thần đích thực” của một tôn giáo, Đức Thánh Cha cho biết mỗi người chúng ta phải “trở nên gần gũi với tất cả những ai đang phải sống trong những tình huống cần đến sự quan tâm của chúng ta, chẳng hạn như những người đau yếu bệnh tật, những người khuyết tật, những người là nạn nhân của cảnh nghèo đói, bất công và hậu quả của những cuộc xung đột và những người di dân”.
“Đây chính là lời mời gọi nảy sinh từ cốt lõi của mọi truyền thống tôn giáo chân chính”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc trích đoạn sách Tiên tri Isaia: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. (Is 49, 15). Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta thường hay quên và tự xa lìa Thiên Chúa, xa lìa những người thân cận cũng như quá khứ của mình.
“Đây chính là những màn kịch của ma quỷ khiến cho tự do của chúng ta có thể bị nhận chìm khi bị cám dỗ bởi sự ác, luôn hiện diện và chờ đợi để tấn công và ghì chặt chúng ta xuống”.
‘Tuy nhiên, đây chính là nơi mà chúng ta cũng có thể nhận ra những diện mạo tuyệt vời nhất của tình yêu đầy thương xót’, Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Tình yêu ấy vốn không bỏ quên mỗi người chúng ta, nhưng luôn luôn gần gũi như một người mẹ hiền gần gũi những đứa con của mình. Đây chính là Lòng thương xót mà chúng ta vẫn hằng khao khát, Đức Thánh Cha cho biết.
Đức Thánh Cha giải nghĩa cách thức – trong số những nghi thức có ý nghĩa nhất trong Năm Thánh Lòng thương xót đang diễn ra ngang qua Cửa Thánh – để người Công giáo “được hoàn toàn hòa giải” nhờ Lòng thương xót của Thiên Chúa.
Nhưng để được như vậy, mỗi người chúng ta phải tha thứ cho những người khác, bởi vì chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa là để chia sẻ ơn tha thứ ấy cho tha nhân. “Tha thứ chắc chắn là món quà vĩ đại nhất chúng ta có thể đem đến cho người khác, bởi vì đó chính là điều cao trọng nhất mà chúng ta được lãnh nhận từ Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha giải thích. Hơn nữa, “đó chính là điều khiến chúng ta dễ dàng trở nên giống Thiên Chúa nhất”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn hiện diện hãy loại bỏ những bất đồng cũng như thái độ cố chấp, đồng thời Ngài cũng bày tỏ niềm ao ước rằng các tôn giáo đừng bao giờ để cho những điều đáng buồn như vậy xảy ra nữa, “vì cách hành xử của một số tín hữu của một số tôn giáo” đã truyền tải những “thông điệp méo mó nhân danh Lòng thương xót”.
“Nguyện xin cho sự gặp gỡ hòa bình của các tín hữu cũng như tự do tôn giáo đích thực được lan tỏa khắp nơi”, Đức Thánh Cha nói. “Nơi đây, trách nhiệm của mỗi người chúng ta trước mặt Thiên Chúa, trước nhân loại và tương lai là hết sức lớn lao; nó mời gọi một sự nỗ lực không ngừng, mà không có bất kì sự che giấu nào”.
Minh Tuệ chuyển ngữ