Vào tối hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại “cử chỉ đối thoại và hòa bình mang tính lịch sử và có ý nghĩa” được thực hiện bởi Tổng thống Israel và Tổng thống Palestine cách đây 10 năm tại Vườn Vatican.
Một buổi cầu nguyện liên tôn đã được tổ chức tại Vườn Vatican vào ngày 7 tháng 6 để đánh dấu kỷ niệm 10 năm “buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa” vào ngày gày 8 tháng 6 năm 2014 mà trong đó Tổng thống Israel lúc bấy giờ là Shimon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã trao nhau ái ôm.
“Tôi mang tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì ngày hôm đó, đồng thời tôi trân trọng ký ức về cái ôm đầy cảm xúc mà hai vị Tổng thống đã trao nhau”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói vào ngày 7 tháng Sáu trước sự chứng kiến của 23 Hồng y, các Đại sứ được bổ nhiệm tại Tòa Thánh, và đại diện của các cộng đồng Do Thái và Hồi giáo ở Rôma.
“Hôm nay, việc tưởng nhớ sự kiện đó là điều quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh của những điều không may đang xảy ra ở Palestine và Israel”, Đức Thánh Cha nói. “Hàng ngày tôi đều cầu nguyện để cuộc chiến này cuối cùng sẽ kết thúc”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến tham dự buổi cầu nguyện trên một chiếc xe điện và ở lại trong khoảng 30 phút. Các Đại sứ của Palestine, Israel, Ukraine và Nga nằm trong số những người có mặt cùng với Giáo sĩ Alberto Funaro và ông Abdellah Redouane, Tổng thư ký của Trung tâm Văn hóa Hồi giáo Ý – Đền thờ Hồi giáo ở Rôma.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha nói rằng ngài nghĩ đến “tất cả những người đang đau khổ ở Israel và Palestine: các Kitô hữu, các tín hữu Do Thái, người Hồi giáo”.
“Tôi nghĩ đến sự cấp bách biết bao khi từ đống đổ nát của Gaza cuối cùng có quyết định ngừng vũ khí và do đó, tôi yêu cầu có một lệnh ngừng bắn; tôi nghĩ đến các thành viên gia đình và các con tin người Israel và cầu mong họ được trả tự do càng sớm càng tốt; tôi nghĩ đến người dân Palestine và cầu xin họ được bảo vệ cũng như nhận được mọi viện trợ nhân đạo mà họ cần; tôi nghĩ đến nhiều người phải di tản vì chiến tranh và tôi yêu cầu nhà cửa của họ sớm được xây dựng lại để họ có thể trở về trong hòa bình”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cũng đang nghĩ đến tất cả những người Palestine và Israel có tinh thần thiện chí, những người, giữa nước mắt và đau khổ, đang chờ đợi trong hy vọng hòa bình.
“Tất cả chúng ta phải nỗ lực làm việc và phấn đấu để đạt được một nền hòa bình lâu dài, nơi Nhà nước Palestine và Nhà nước Israel có thể chung sống cạnh nhau, phá bỏ những bức tường thù địch và hận thù; và tất cả chúng ta phải trân trọng Giêrusalem, để nó trở thành thành phố của sự gặp gỡ huynh đệ giữa các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo, được bảo vệ bởi một quy chế đặc biệt được quốc tế đảm bảo”, Đức Thánh Cha thúc giục.
Buổi cầu nguyện cho hòa bình năm 2014 tại Vườn Vatican diễn ra hai tuần sau chuyến hành hương của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Thánh Địa từ ngày 24 đến 26 tháng 5. Nhân dịp đó, ngài đã mời các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đến Vatican “để cầu xin Thiên Chúa ban ơn hòa bình”. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew I cũng đã hiện diện trong buổi cầu nguyện năm 2014, trong đó bao gồm cử chỉ tượng trưng là trồng một cây ô liu.
Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chống lại ý thức hệ cho rằng “chiến tranh có thể giải quyết vấn đề và dẫn đến hòa bình”.
“Luôn luôn có sự tranh giành quyền lực giữa các nhóm xã hội khác nhau, những lợi ích kinh tế đảng phái và các hành động cân bằng chính trị quốc tế nhằm đạt được hòa bình rõ ràng trong khi trốn tránh những vấn đề thực sự”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý “dấu vết của sự thù địch ngày càng gia tăng” giữa Israel và Palestine, khiến thế giới phải chứng kiến cái chết của rất nhiều người vô tội.
“Tất cả những đau khổ này, sự tàn khốc của chiến tranh, bạo lực mà nó gây ra và sự thù hận mà nó gieo rắc ngay cả trong các thế hệ tương lai sẽ thuyết phục chúng ta rằng ‘mọi cuộc chiến tranh đều khiến thế giới trở nên tồi tệ hơn so với trước đây. Chiến tranh là một sự thất bại của chính trị và nhân loại, một sự đầu hàng đáng xấu hổ, một sự thất bại trước thế lực của cái ác’”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, trích dẫn Thông điệp Fratelli Tutti năm 2020 của mình.
“Chúng ta hiện diện ở đây hôm nay để kêu cầu hòa bình. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa như một món quà của lòng thương xót của Ngài. Vì hòa bình không chỉ được thực hiện trên những thỏa thuận trên giấy tờ hoặc trên bàn đàm phán về con người và chính trị. Nó xuất phát từ những trái tim được biến đổi, nó nảy sinh khi mỗi người chúng ta được tình yêu của Thiên Chúa đánh động và chạm tới”, Đức Thánh Cha nói.
“Không thể có hòa bình trừ khi trước tiên chúng ta để chính Thiên Chúa khiến trái tim của chúng ta tiêu tan hết mọi nghi ngờ, khiến nó trở nên hiếu khách, hiền từ và nhân hậu”.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài phát biểu của mình bằng cùng một lời cầu nguyện cho hòa bình mà ngài đã cầu nguyện tại cuộc gặp gỡ vào năm 2014.
“Giờ đây, lạy Chúa, xin hãy đến cứu giúp chúng con! Xin hãy ban cho chúng con hòa bình, xin dạy chúng con hòa bình; xin hướng dẫn bước đi của chúng con trên con đường hòa bình. Xin hãy mở mắt và mở rộng quả tim của chúng con và ban cho chúng con lòng can đảm để nói: ‘Đừng bao giờ gây chiến tranh nữa!’”, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện.
Minh Tuệ (theo CNA)