
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ người thân của những người Palestine sống ở Gaza vào thứ Tư, ngày 22 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Hôm thứ Tư, tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp đón một cách riêng biệt và riêng tư một phái đoàn bao gồm người thân của các con tin Israel bị những kẻ khủng bố Hamas bắt giữ, và một phái đoàn khác gồm người thân của những người Palestine sống ở Gaza.
Các phái đoàn bao gồm 12 người Israel và 10 người Palestine đã gặp gỡ Đức Thánh Cha. Trong các cuộc gặp gỡ, mỗi cuộc gặp gỡ kéo dài 20 phút, một số người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tàn phá Thánh Địa đã có cơ hội kể câu chuyện của họ với Đức Thánh Cha và bày tỏ với ngài mong muốn hòa bình của họ.
Đọc tin tức của CNA về cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với gia đình các con tin Israel tại đây.
“Đây là hành vi khủng bố”
Sau các cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham gia buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican. Khi kết thúc bài chia sẻ Giáo lý, Đức Thánh Cha đã đề cập đến các cuộc gặp gỡ này và tuyên bố “đây không còn là chiến tranh nữa, đây là hành vi khủng bố”.
Đức Thánh Cha kêu gọi “liên lỉ cầu nguyện cho tất cả những người đang đau khổ vì chiến tranh ở rất nhiều nơi trên thế giới”, đặc biệt là cho Ukraine, Israel và Palestine.
Đức Thánh Cha nói rằng ngài “đã nghe thấy cả hai đều đau khổ như thế nào: chiến tranh gây ra điều này, nhưng ở đây chúng ta đã vượt ra khỏi chiến tranh, đây không phải là tiến hành chiến tranh, đây là hành vi khủng bố. Chúng ta hãy hướng đến hòa bình, cầu nguyện cho hòa bình, cầu nguyện thật nhiều cho hòa bình”.
“Nguyện xin Thiên Chúa giơ tay can thiệp, nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta giải quyết các vấn đề và đừng tiến về phía trước với những sự sôi sục mà rồi cuối cùng sẽ giết hại mọi người. Chúng ta cầu nguyện cho người dân Palestine, chúng ta cầu nguyện cho người dân Israel, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình mau hiển trị”, Đức Thánh Cha cầu nguyện.
Vatican phủ nhận việc Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến vấn đề “diệt chủng”
Sau buổi tiếp kiến, cả hai phái đoàn đã tổ chức các cuộc họp báo khác nhau để trò chuyện với giới truyền thông về cuộc gặp gỡ của họ với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Các thành viên của nhóm Palestine đã nói về việc bom đạn của Israel đã cướp đi sinh mạng của nhiều người thân của họ như thế nào.
Họ lưu ý rằng Đức Thánh Cha đã gọi những sự việc đang xảy ra ở Gaza là một “cuộc diệt chủng” và ngài đã chỉ ra rằng “không thể đáp trả chủ nghĩa khủng bố bằng hành động khủng bố”.
Tuy nhiên, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni, đã phủ nhận việc Đức Thánh Cha đã nói đến “sự diệt chủng”, và tuyên bố rằng ngài đã sử dụng “những thuật ngữ mà ngài đã thể hiện” trong buổi tiếp kiến và những lời nói trong mọi trường hợp đều thể hiện tình hình khủng khiếp mà Gaza đang trải qua”.
Khi được các nhà báo đặt câu hỏi, Shireen Halil, một phụ nữ Palestine và một Kitô hữu đến từ Bethlehem, nhắc lại rằng họ đã gặp gỡ Đức Thánh Cha để “cầu xin hòa bình và công lý” chứ không phải để “thao túng những lời nói của Đức Giáo hoàng”.
Chị Halil lưu ý rằng khi bắt đầu buổi tiếp kiến, họ cảm thấy “ngạc nhiên” trước lượng thông tin mà Đức Thánh Cha biết về cuộc xung đột.
Mohammed Halalo, sống ở Bỉ, cho biết chỉ vài ngày trước, một quả bom từ cuộc không kích của Israel đã rơi xuống tòa nhà nơi người thân của anh sinh sống. “Cả gia đình tôi đã thiệt mạng trong tích tắc”, anh than thở.
“Chúng tôi đã thỉnh cầu Đức Thánh Cha đến thăm Gaza”
Yousef Alkhoury, một người Palestine, đã bày tỏ nỗi lo sợ rằng “chúng ta sẽ quen với máu” của chiến tranh và nói rằng họ đã thỉnh cầu Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Gaza.
Anh Halalo cho biết rằng Đức Thánh Cha đã trả lời rằng đó là “một ý kiến hay” và ngài “đã hứa” sẽ tham khảo ý kiến qua các kênh ngoại giao để nghiên cứu về thời điểm an toàn để khởi hành. “Chúng tôi tin rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha có thể mang lại hòa bình cho khu vực”, Halalo nói.
Trước câu hỏi của một trong những nhà báo về nhận thức của họ đối với Hamas, phái đoàn Palestine không muốn đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về vấn đề này.
“Họ đã cướp đi gia đình của tôi”
Thân nhân của những người bị khủng bố Hamas bắt cóc ở Gaza cũng đã có thời gian trình bày kết luận của mình sau chuyến viếng thăm Đức Thánh Cha. Trong số 12 người, có 8 người đã có thể trò chuyện riêng với Đức Thánh Cha.
Trong cuộc họp báo, Moshe Leimberg cho biết rằng vợ của anh và con gái 17 tuổi đã bị Hamas bắt làm con tin vào ngày 7 tháng 10.
“Chúng tôi đã không nhìn thấy hoặc nghe thấy bất cứ điều gì kể từ đó. Đã 47 ngày rồi. Và tôi chỉ có một mình. Mỗi ngày tôi thức dậy… và đợi một hoặc hai phút để nghe những âm thanh quen thuộc mà tôi đã quen nghe, và chẳng có gì cả. Gia đình tôi đã bị cướp đi khỏi vòng tay của tôi, cuộc sống của tôi không còn như trước nữa và sẽ không bao giờ như vậy nữa”.
Một thành viên của phái đoàn Israel không đồng thuận với thuật ngữ “chủ nghĩa khủng bố” được Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng để mô tả cuộc chiến và đồng thời nhấn mạnh rằng đó là một “sự tương đương sai lầm”, vì nó đánh đồng chủ nghĩa khủng bố của Hamas với các hoạt động phòng thủ của Israel.
Thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được
Cuộc gặp gỡ đã diễn ra ngay sau khi Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trong 4 ngày.
Trong thời gian này, Hamas đã đồng ý trả tự do cho ít nhất 50 con tin bị bắt cóc để đổi lấy việc trả tự do cho 150 phụ nữ Palestine chưa đủ tuổi vị thành niên bị giam cầm trong các nhà tù của Israel.
Hơn 40 ngày kể từ khi chiến tranh bắt đầu, gần 13.300 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza, trong đó có khoảng 5.600 trẻ em. Ở Israel, số người chết ước tính là 1.200 người.
Minh Tuệ (theo CNA)