Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhà chức trách Ba Lan: "ký ức tốt" và "ký ức xấu"

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 28-07-2016 | 00:00:03

“Trong cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân, cũng như trong mọi xã hội, có hai loại ký ức: tốt và xấu, tích cực và tiêu cực”. Đó là chủ đề trung tâm của bài phát biểu đầu tiên của Đức Giáo Hoàng tại đất nước Ba Lan.

Đức Thánh Cha nói: “Không thể có đối thoại nếu mỗi người không bắt đầu từ bản sắc riêng của mình”, theo đó “sự hợp tác hiệu quả trong lãnh vực quốc tế và sự tôn trọng hỗ tương sẽ chín muồi nhờ ý thức và sự tôn trọng căn tính của mình và của người khác.”

Sau đó, đi vào chi tiết của chủ đề đã chọn, Đức Thánh Cha phát biểu: “Ký ức tốt là ký ức mà Kinh Thánh cho chúng ta thấy trong kinh Magnificat, bài ca Đức Maria ca ngợi Đức Chúa và công trình cứu độ của Người”. Ký ức “tiêu cực”, trái lại, là ký ức “giữ cái nhìn của tâm trí và của trái tim, một cách đầy ám ảnh, cố định trên điều ác, trước hết trên điều ác mà người khác đã làm.” “Nhìn vào lịch sử gần đây của quý vị, tôi cảm ơn Chúa vì quý vị đã có thể vận dụng ký ức tốt”, Đức Phanxicô nói với những người Ba Lan: ví dụ, việc kỷ niệm 50 năm của sự tha thứ “hai bên đưa ra và nhận được” giữa các Đức Giám mục Ba Lan và các Đức Giám mục Đức, sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là một “sáng kiến” rất hay, “bắt đầu với sự tham gia của các cộng đồng giáo hội”, nhưng “cũng gây ra một quá trình xã hội, chính trị, văn hóa và tôn giáo không thể phục hồi, thay đổi lịch sử quan hệ giữa nhân dân hai nước.”

Đức Phanxicô cũng đề cập đến các Tuyên bố chung giữa Giáo hội Công Giáo tại Ba Lan và Giáo hội Chính thống Moscow: “Một hành động đã bắt đầu một quá trình tái lập quan hệ và tình huynh đệ không chỉ giữa hai giáo hội, mà còn giữa nhân dân hai nước.” Đức Thánh Cha nói: “Quốc gia Ba Lan cao quý đã cho thấy làm thế nào chúng ta có thể phát triển ký ức tốt, và để cho mờ nhạt đi ký ức xấu”, bởi vì Thiên Chúa “hướng dẫn vận mệnh của các dân tộc, mở ra những cánh cửa đã bị đóng kín, biến những khó khăn thành cơ hội và tạo ra các kịch bản mới ngay ở nơi nó có vẻ là không thể có được”, như lịch sử của Ba Lan đã minh chứng.

Đức Thánh Cha kết luận: Các “thách đố của thời điểm này đòi hỏi sự can đảm sống theo sự thật và một cam kết đạo đức liên tục, ngõ hầu các quá trình ra quyết định cũng như các mối quan hệ của con người sẽ luôn luôn tôn trọng phẩm giá con người. Mọi hoạt động đều nhắm đến điều đó: ngay cả kinh tế, các mối quan hệ với môi trường và cách quản lý hiện tượng di cư vốn rất phức tạp”.

Tân Thanh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết