Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nạn nhân nạn buôn người và cổ võ Nhóm Santa Marta

OSSROM135234_Articolo

Hôm nay, thứ năm 27/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các tham dự viên tại một hội nghị quốc tế được tổ chức tại Vatican về việc phòng chống nạn buôn người. Nhóm Santa Marta – đơn vị tổ chức hội nghị diễn ra trong hai ngày này – được thành lập vào năm 2014 với việc cam kết hợp tác chặt chẽ hơn về những sáng kiến phòng chống nạn buôn người giữa Giáo Hội Công Giáo cùng với các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới.

Tại buổi họp báo bế mạc hội nghị, Đức Hồng Y Vincent Nichols Địa phận Westminster – một trong những thành viên sáng lập của nhóm – cùng với hai nạn nhân còn sống sót của nạn buôn người đã phát biểu về những tiến bộ đã được thực hiện trong vài năm qua.

Trong phần phát biểu chia sẻ với nhóm các Giám mục và tu sĩ cùng với các quan chức cảnh sát và an ninh, Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả nạn buôn người là “một trong những thách thức lớn đối với thời đại chúng ta”, đồng thời,  Đức Thánh Cha cũng ca ngợi các tham dự viên vì sự đóng góp quan trọng mà họ đang thực hiện nhằm chấm dứt tai họa của chế độ nô lệ thời hiện đại .

Con số các nạn nhân – Đức Thánh Cha lưu ý – cứ tăng lên mỗi năm. Có một nhu cầu cấp thiết đó là vừa hỗ trợ cho các nạn nhân của nạn buôn người, mà còn phải giải quyết những vấn đề phức tạp dẫn đến việc họ bị lợi dụng và bóc lột.

Đức Hồng Y Nichols phát biểu với các kí giả rằng nhóm đã trình bày với Đức Thánh Cha Phanxicô báo cáo về những phát triển tích cực tại 30 quốc gia hiện nay có sự hiện diện của Nhóm Santa Marta …

“Có lẽ hơn hết, điều mà báo cáo này cho thấy đó là chế độ nô lệ và  nạn buôn người đã không bị che đậy như trước kia. Có một sự nhận thức ngày càng gia tăng rằng điều này – theo cách nói của Đức Thánh Cha Phanxicô – đó là một vết thương hở nơi thân xác của nhân loại, và những tiếng nói ấy trước kia như bị che giấu hoàn toàn nhưng nay đã được mọi người nghe”.

Trong số những tiếng nói ấy là chị Princess Inyang – một nạn nhân hiện còn sống sót người Nigeria, đã bị bán vào Ý năm 1999 và bị buộc làm gái mại dâm, cho đến khi cô đã có thể trốn thoát, với sự giúp đỡ của một linh mục đang làm việc tại một thành phố phía bắc của Asti. Chị đã chia sẻ câu chuyện của mình tại Hội nghị đồng thời kêu gọi trục xuất những tay buôn người. Chị cũng đề nghị tổ chức nhiều khóa huấn luyện và đào tạo kỹ năng cho các bé gái vốn rất dễ bị tổn thương và có nguy cơ trở thành nạn nhân tại quê hương của chị…

“Phụ nữ là những người dễ bị tổn thương bởi sự nghèo đói đang hoành hành tại Nigeria, nền tảng của chế độ đa thê trong gia đình, tình trạng thất nghiệp, và hiện nay chúng ta biết rằng những tay buôn người đã tìm đến những khu vực nông thôn để có thể lợi dụng những cô gái trẻ vốn đang mắc kẹt trong những vấn đề nghiêm trọng của họ”.

Một nạn nhân khác hiện còn sống sót – một người cũng đang nỗ lực giúp đỡ cho những người khác tránh những tay buôn người – đó là Al Bangura , một cựu cầu thủ Premier League, xuất thân từ cộng hòa Sierra Leone. Một cầu thủ bóng đá với sự nghiệp chói lọi từ rất sớm, đã bị lừa đến Anh với lời hứa về một sự nghiệp đầy mơ ước. Anh đã phải cố gắng để có thể thoát khỏi những tay buôn người và hiện anh đã trở đại sứ cho một tổ chức từ thiện của Anh gọi là ‘Thể thao vì Tự do’.

“Với tất cả những gì tôi đã trải qua, tôi muốn thoát ra khỏi đó để chia sẻ câu chuyện của tôi để giáo dục các trẻ em và nói chuyện với các bậc cha mẹ đang tuyệt vọng đối với con em mình… chúng tôi cũng làm việc với Premiership … để đảm bảo trẻ em sẽ đi đúng hướng và chắc chắn rằng chúng ta có thể chấm dứt chế độ nô lệ này”.

Từ châu Phi đến châu Mỹ Latin, từ châu Á đến châu Âu, Hoa Kì và Trung Đông, Hội nghị đã được nghe nhiều câu chuyện đáng khích lệ về sự thành công trong việc chống lại nạn buôn người trong các hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động hoặc buôn bán nội tạng người. Nhưng vì đôi khi họ cũng phải đối diện với những thất vọng, nên báo cáo của họ cũng nhấn mạnh một quyết tâm mới để có thể cùng nhau cộng tác hiệu quả hơn nhằm chấm dứt những gì mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả như là “tội ác chống lại loài người”.

Minh Tuệ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết