
Đức Thánh Cha Phanxicô mỉm cười trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 27 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: Daniel Ibanez/CNA)
Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một tài liệu mới về môi trường mà ngài đã mô tả là “phần thứ hai” của Thông điệp Laudato Si’ năm 2015 và đồng thời cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu nhân loại tiếp tục phớt lờ mối đe dọa của vấn đề biến đổi khí hậu.
Tông Huấn có tựa đề “Laudate Deum” (Ca ngợi Thiên Chúa) nhằm giải quyết điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô trong tài liệu gọi là “vấn đề xã hội toàn cầu” của vấn đề biến đổi khí hậu. Đức Thánh Cha cho biết rằng trong 8 năm kể từ khi Thông điệp Laudato Si’ được công bố, “các phản ứng của chúng ta vẫn chưa đầy đủ” nhằm giải quyết các mối bận tâm sinh thái đang diễn ra.
“Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức chính mà xã hội và cộng đồng toàn cầu phải đối mặt”, Đức Thánh Cha viết trong tài liệu, đồng thời cho rằng “những người dễ bị tổn thương nhất” trên thế giới sẽ phải gánh chịu những tác động của nó, và ấn đề khí hậu “không còn là vấn đề thứ yếu hay ý thức hệ nữa”.
Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng những tác động của vấn đề biến đổi khí hậu “đang ở đây và ngày càng rõ ràng”, đồng thời cảnh báo về các đợt nắng nóng ngày càng gia tăng và khả năng tan chảy của các chỏm băng ở vùng cực, điều mà ngài cho rằng sẽ dẫn đến “những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho tất cả mọi người”.
“Không ai có thể phớt lờ thực tế là trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan, những đợt nắng nóng bất thường, hạn hán thường xuyên và những tiếng kêu phản đối khác trên khắp trái đất chỉ là một vài biểu hiện rõ ràng của một căn bệnh thầm lặng ảnh hưởng đến tất cả mọi người”, Đức Thánh Cha nói.
Cảnh báo về ‘sự phản kháng’ đối với khoa học khí hậu
Môi trường luận từ lâu đã là chủ đề yêu thích của Đức Thánh Cha Phanxicô. Laudato Si’ đã được báo trước tại thời điểm công bố như một tài liệu mang tính cách mạng của Đức Thánh Cha vì nhấn mạnh đến trách nhiệm sinh thái của Giáo hội Công giáo.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ vào lúc đó, Đức Giám mục Joseph Kurtz, đã gọi thông điệp này là “điều lệnh hành động của chúng ta”. Tài liệu này đã phát động Phong trào Laudato Si’, tự nhận mình là “một loạt các tổ chức Công giáo và các thành viên cơ sở từ khắp nơi trên thế giới” đang tiến bước “trên hành trình hoán cải môi sinh”.
Trong tài liệu trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng Giáo hội “không có ý định giải quyết các vấn đề khoa học hoặc thay thế chính trị”, nhưng trong Tông Huấn tuần này, Đức Thánh Cha đã có một đường lối mạnh mẽ hơn, chỉ trích những người “đã chọn cách chế nhạo sự thật” về khoa học về khí hậu và tuyên bố thẳng thừng rằng “không còn có thể nghi ngờ về nguồn gốc của vấn đề biến đổi khí hậu do con người – ‘nhân loại’ – gây ra”.
“Không thể che giấu mối tương quan giữa các hiện tượng khí hậu toàn cầu này và sự gia tăng nhanh chóng lượng phát thải khí nhà kính, đặc biệt kể từ giữa thế kỷ 20”, Đức Thánh Cha viết. “Đại đa số các nhà khoa học chuyên về khí hậu ủng hộ mối tương quan này và chỉ một tỷ lệ rất nhỏ trong số họ tìm cách phủ nhận bằng chứng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết trong tài liệu rằng điều mà ngài mô tả là “mô hình kỹ trị” đã “phá hủy” mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với môi trường mà con người đôi khi được hưởng. Đức Thánh Cha lập luận rằng “sức mạnh của nhân loại và sự tiến bộ mà chúng ta đang tạo ra đang quay lưng lại với chúng ta”.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng các nỗ lực giảm thiểu vấn đề khí hậu trong những năm qua đã gặp phải cả “những tiến bộ lẫn thất bại”, mặc dù Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng tới có thể “cho phép tăng tốc một cách quyết định quá trình chuyển đổi năng lượng, với các cam kết hiệu quả tuân theo sự giám sát liên tục”.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lập luận rằng các thỏa thuận ngoại giao toàn cầu lâu đời đã không đáp ứng được những thách thức của tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
“Thật đáng tiếc khi các cuộc khủng hoảng toàn cầu đang bị lãng phí khi chúng có thể là cơ hội mang lại những thay đổi có lợi”, Đức Thánh viết. Thế giới, Đức Thánh Cha lập luận, nên hướng tới “việc triển khai một quy trình đưa ra quyết định mới” để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Đức Thánh Cha đã chỉ ra điều mà ngài mô tả là “những động lực tinh thần” của hành động chống biến đổi khí hậu, đồng thời lưu ý rằng Sách Sáng Thế ghi lại rằng, khi ngài tạo dựng vũ trụ, “Thiên Chúa đã nhìn thấy mọi thứ ngài đã tạo dựng, và thực sự, nó hết sức tốt đẹp”.
“Ca ngợi Thiên Chúa” là tựa đề của Tông Huấn này”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết ở phần kết của thông điệp. “Vì khi con người tuyên bố chiếm lấy vị thế của Thiên Chúa, họ trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình”.
Từ năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tích cực cảnh báo về sự tàn phá tiềm tàng do vấn đề biến đổi khí hậu gây ra. Vào năm 2021, Đức Thánh Cha đã khởi động kế hoạch hành động “Laudato Si’ kéo dài 7 năm của Giáo hội Công giáo mà ngài mô tả là sự tham gia của Giáo hội trong “một cách tiếp cận sinh thái mới có thể thay đổi cách chúng ta sống trong thế giới”.
Cuối năm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi cộng đồng toàn cầu “đạt được lượng khí thải carbon bằng 0 càng sớm càng tốt” để ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ có khả năng tàn phá.
Ngày công bố ‘Laudate Deum’ – ngày 4 tháng 10 – Lễ Thánh Phanxicô Assisi, người mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn làm Tông Hiệu khi bắt đầu Triều đại Giáo hoàng của ngài vào năm 2013. Đây cũng là ngày bắt đầu hội nghị kéo dài một tháng đầu tiên tại Rôma của Thượng Hội đồng về Hiệp hành đang diễn ra.
Minh Tuệ (theo CNA)