Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiết lộ sự tồn tại của một ủy ban chung Trung Quốc-Vatican về việc bổ nhiệm các Giám mục trong cuộc họp báo trên chuyến bay hôm thứ Hai – đưa ra lời giải thích rõ ràng nhất cho đến nay về những gì có thể có trong thỏa thuận bí mật giữa Vatican-Trung Quốc.
Phát biểu trong chuyến bay kéo dài 10 giờ từ Mông Cổ trở về Rôma vào ngày 4 tháng 9, Đức Thánh Cha nói rằng có một ủy ban chung giữa chính phủ Trung Quốc và Tòa Thánh về việc bổ nhiệm các Giám mục Công giáo ở Trung Quốc do Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Vatican chủ trì.
“Có một ủy ban làm việc để bổ nhiệm các Giám mục – chính phủ Trung Quốc và Vatican – và đã có cuộc đối thoại được một thời gian”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà báo trên chuyến bay Giáo hoàng.
Đức Thánh Cha mô tả mối quan hệ của Vatican với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “rất tôn trọng”.
“Tôi thiết nghĩ chúng ta cần tiến xa hơn về khía cạnh tôn giáo để hiểu nhau hơn. Người Trung Quốc không được nghĩ rằng Giáo hội không chấp nhận văn hóa và các giá trị của họ và Giáo hội phụ thuộc vào một thế lực ngoại bang”, Đức Thánh Cha cho biết thêm.
Ủy ban “thân thiện” do Đức Hồng Y Parolin chủ trì đang hoạt động hữu hiệu, Đức Thánh Cha nói.
“Họ đang làm rất tốt. Các mối quan hệ là như thế này, hãy nói rằng chúng đang được tiến hành. Và tôi rất tôn trọng người Trung Quốc”.
Những bình luận của Đức Thánh Cha trên chuyến bay Giáo hoàng cho một cái nhìn thoáng qua về những gì có thể có trong thỏa thuận tạm thời bí mật của Tòa Thánh với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các Giám mục, nội dung của thỏa thuận này đã không được công khai kể từ khi được ký kết lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2018.
Trước đó, Quốc Vụ Khanh Vatican chỉ tiết lộ rằng thỏa thuận tạm thời liên quan đến “các quyết định đồng thuận” về việc bổ nhiệm các Giám mục Trung Quốc và Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận khi đơn phương bổ nhiệm các Giám mục Công giáo ở Thượng Hải và “Giáo phận Giang Tây”, một Giáo phận lớn do chính phủ Trung Quốc thành lập nhưng không được Vatican công nhận.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói với các nhà báo rằng Vatican và Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc trao đổi nước ngoài với các Linh mục Công giáo và trí thức đang giảng dạy tại một trường đại học ở Trung Quốc, mô tả đây là một ví dụ về “sự cởi mở” về phía người Trung Quốc.
Mối quan hệ ngoại giao của Vatican với Trung Quốc là chủ đề được chú ý trong chuyến viếng thăm kéo dài 4 ngày của Đức Thánh Cha tới Mông Cổ, quốc gia có chung đường biên giới gần 3.000 dặm với Trung Quốc.
Người Công giáo Trung Quốc, bao gồm cả những người tự nhận là “các tín hữu Công giáo hầm trú”, đã tham dự Thánh lễ đầu tiên của Đức Giáo hoàng ở Mông Cổ và các sự kiện khác với việc một số người chọn cách che giấu danh tính bằng cách sử dụng khẩu trang và kính râm tại lễ đón chính thức vì sợ có thể bị chính phủ trả thù. Những người khác nhiệt tình vẫy cờ Trung Quốc tại các sự kiện của Giáo hoàng khi Đức Thánh Cha Phanxicô đi ngang qua.
Trong cuộc họp báo kéo dài 40 phút trên chuyến bay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi về Thượng Hội đồng sắp tới, cập nhật của Thông điệp môi trường Laudato Si’ của ngài, và làm rõ thêm những bình luận gần đây của ngài về chủ nghĩa đế quốc Nga.
Đức Thánh Cha cũng trả lời câu hỏi về khả năng của một chuyến Tông du đến Việt Nam, nói rằng ngài “rất tích cực về mối quan hệ với Việt Nam”, bất chấp những vấn đề trong quá khứ trong cuộc đối thoại “chậm chạp” của Tòa Thánh với chính phủ xã hội chủ nghĩa của nước này, đồng thời cũng cho biết thêm rằng ngài nghĩ rằng mọi vấn đề trong tương lai đều có thể khắc phục được.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói bông đùa: “Nếu tôi không đến Việt Nam, tôi chắc chắn rằng [Đức Giáo hoàng tương lai] Đức Gioan XXIV sẽ đi!”.
Vị Giáo hoàng 86 tuổi cho biết thêm: “Thành thật mà nói, việc đi lại đối với tôi không còn dễ dàng như lúc ban đầu”. Đức Thánh Cha cũng cho biết thêm rằng ngài có một số hạn chế về thể chất khi đi lại, điều này có thể khiến việc đi đứng trở nên khó khăn hơn, nhưng ngài đang xem xét khả năng đến thăm một quốc gia nhỏ ở Châu Âu.
Việt Nam là quê hương của khoảng 8 triệu người Công giáo nhưng chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh hoặc chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng. Vatican đã tham gia vào các cuộc thảo luận song phương chính thức với Việt Nam từ năm 2009 và đầu năm nay, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tới Vatican, chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho phép Đại diện thường trực của Đức Giáo hoàng tại Việt Nam.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài tin rằng Việt Nam “xứng đáng” có chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng vào một ngày nào đó và đó là “một vùng đất xứng đáng được tiến về phía trước”.
Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha đến Mông Cổ là chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên đối với Giáo hội Công giáo vì chưa có vị Giáo hoàng nào từng đến quốc gia châu Á rộng lớn không giáp biển này nằm giữa Nga và Trung Quốc.
Trong bốn ngày ở thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ, tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn với các Phật tử hoặc các tôn giáo phương Đông khác, và chủ tế Thánh lễ đầu tiên với dân số Công giáo nhỏ bé của đất nước chỉ có 1.450 người Công giáo.
Trong cuộc họp báo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Mông Cổ là vùng đất “sống giữa hai cường quốc là Nga và Trung Quốc”, đồng thời ca ngợi việc nước này theo đuổi cuộc đối thoại đang diễn ra, bao gồm cả với “các quốc gia láng giềng thứ ba”.
Đức Thánh Cha có một lịch trình bận rộn trong tháng tới trước khi diễn ra Thượng Hội đồng về Hiệp hành toàn cầu vào tháng 10.
Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ thực hiện một chuyến viếng thăm quốc tế khác đến Marseilles, Pháp để tham gia cuộc họp của các Giám mục Công giáo đến từ khu vực Địa Trung Hải, công bố bản cập nhật của Thông điệp môi trường Laudato Si’ của ngài, chủ trì một buổi cầu nguyện đại kết và tấn phong 21 tân Hồng y tại một Công nghị vào cuối tháng Chín.
Minh Tuệ (theo CNA)