Đức Thánh Cha Phanxicô điều hướng một cách tinh tế về vấn đề phụ nữ, Giáo hội và Thượng Hội đồng Hiệp hành năm 2024

Các đại biểu bỏ phiếu thông qua báo cáo tổng hợp tại phiên bế mạc Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào ngày 28 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Các đại biểu bỏ phiếu thông qua báo cáo tổng hợp tại phiên bế mạc Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào ngày 28 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Cuộc tranh luận về sự tham gia của phụ nữ trong Giáo hội Công giáo — bao gồm cả ý tưởng liệu phụ nữ một ngày nào đó có thể trở thành Phó tế hay không — không nằm trong chương trình nghị sự của phiên họp tháng này của Thượng Hội đồng Hiệp hành, nhưng các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng về chủ đề này vẫn tiếp tục, một số cuộc thảo luận theo lời mời gọi rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vào ngày 2 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khai mạc phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng Hiệp hành, phần cuối cùng của giai đoạn “phân định” của Tiến trình Hiệp hành bắt đầu vào năm 2021.

Mặc dù việc cho phép phụ nữ tham gia các Thừa tác vụ như Phó tế là một trong những chủ đề lớn tại hội nghị Thượng Hội đồng kéo dài một tháng vào năm ngoái, nhưng ban tổ chức cho biết vấn đề này hiện nằm trong tay các chuyên gia sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập một ủy ban tại cơ quan Giáo lý của Vatican để nghiên cứu vấn đề này theo yêu cầu của các đại biểu Thượng Hội đồng năm 2023.

Ủy ban tại Bộ Giáo lý Đức tin (DDF) sẽ cập nhật về công việc của mình trong cuộc họp tháng này với kế hoạch công bố tài liệu vào giữa năm 2025.

Trong khi các đại biểu và các tham dự viên khác tại cuộc họp Thượng Hội đồng sẽ tập trung vào cách thức trở thành một Giáo hội truyền giáo, thì cuộc thảo luận về phụ nữ cũng diễn ra ở những địa điểm khác: tại ủy ban nghiên cứu, tại các cuộc họp Thượng Hội đồng địa phương, trong các sự kiện trực tuyến và với Đức Thánh Cha cùng các Hồng y cố vấn của ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô và các đại biểu tại Thượng Hội đồng về Hiệp hành tại phiên bế mạc hội nghị vào ngày 28 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô và các đại biểu tại Thượng Hội đồng về Hiệp hành tại phiên bế mạc hội nghị vào ngày 28 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khả năng cho phép phụ nữ Công giáo trở thành Phó tế vĩnh viễn là một vấn đề thường trực trong triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Mặc dù Đức Thánh Cha đã nhiều lần bày tỏ mong muốn nghiên cứu vấn đề này, đặc biệt là nhân vật nữ Phó tế trong lịch sử thời Giáo hội sơ khai, ngài cũng đã đưa ra câu trả lời chắc chắn rằng “các Phó tế có chức thánh” không phải là khả năng dành cho phụ nữ.

“Phụ nữ có thể phục vụ rất tốt với vai trò là phụ nữ, không phải trong vai trò Thừa tác viên trong lĩnh vực này, trong các chức thánh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với người dẫn chương trình Norah O’Donnell của CBS News trong lần xuất hiện trên chương trình “60 Minutes” vào tháng 5.

Gần đây hơn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về những vai trò khác nhau của nam giới và phụ nữ trong Giáo hội trong bài phát biểu trước các sinh viên tại Đại học Công giáo Louvain (UCLouvain) ở Bỉ vào ngày 28 tháng 9 trong chuyến Tông du bao gồm một ngày ở Luxembourg.

“Những gì đặc trưng cho phụ nữ, những gì thực sự nữ tính, không được quy định bởi sự đồng thuận hay ý thức hệ, cũng như phẩm giá được đảm bảo không phải bởi những luật lệ được viết trên giấy mà bởi một luật lệ ban đầu được ghi khắc trong trái tim chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “thật kinh khủng khi một người phụ nữ muốn trở thành đàn ông”.

Trong thông cáo báo chí được đưa ra ngay sau cuộc gặp gỡ, cộng đồng trường đại học đã chỉ trích những phát biểu của Đức Thánh Cha về phụ nữ là phát biểu “liên quan đến thuyết định mệnh và giản lược”.

Tự bảo vệ mình trong cuộc họp báo trên chuyến bay Giáo hoàng trở về Rôma vào vào ngày hôm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại nền tảng thần học trong nhiều tuyên bố hiện tại và trước đây của ngài về phẩm giá của phụ nữ và vai trò khác biệt của họ so với nam giới trong Giáo hội — điều gọi là “nguyên tắc Maria Phêrô” được được phát triển lần đầu tiên bởi thần học gia nổi tiếng người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthazar và được viện dẫn trong giáo huấn của bốn triều đại Giáo hoàng gần đây nhất của Giáo hội.

Nguyên tắc này dựa trên chiều kích về Đức Maria và Thánh Phêrô như những biểu tượng minh họa cho vai trò khác nhau nhưng bổ sung cho nhau của phụ nữ và nam giới trong Giáo hội.

“Một Giáo hội chỉ có nguyên tắc Phêrô sẽ là một Giáo hội mà người ta nghĩ rằng bị thu hẹp lại chỉ còn là chiều kích thừa tác, không còn gì khác. Nhưng Giáo hội vượt xa khỏi chiều kích thừa tác đó. Đó là toàn thể dân Chúa. Giáo hội là một người phụ nữ. Giáo hội là một Hiền thê. Do đó, phẩm giá của phụ nữ được phản ánh theo cách này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí America năm 2022.

Phẩm giá của phụ nữ, Đức Thánh Cha tiếp tục trong cuộc phỏng vấn đó, phản ánh bản chất phu thê của Giáo hội, điều mà ngài gọi là “nguyên tắc Maria”.

“Phương pháp không chỉ là Thừa tác vụ có chức thánh. Giáo hội là một người phụ nữ. Giáo hội là Hiền thê. Chúng ta chưa phát triển một nền thần học về phụ nữ phản ánh điều này”, Đức Thánh Cha nói.

Một cuộc đối thoại cởi mở

Vào tháng 12 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời các giáo sư thần học đến để trò chuyện với ngài và Hội đồng Hồng y cố vấn của ngài về sự tham gia của phụ nữ trong Giáo hội. Đầu năm nay, những bài phát biểu này đã được xuất bản trong một loạt sách, một trong số đó có nhan đề: “Phụ nữ và các Thừa tác vụ trong Giáo hội Hiệp hành: Cuộc đối thoại cởi mở”.

Trong phần lời tựa cho cuốn sách tiếng Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng một khía cạnh quan trọng của tính Hiệp hành là phải có những cuộc đối thoại cởi mở.

“Tiến trình Hiệp hành, như một tiến trình phân định, bắt đầu từ thực tế và kinh nghiệm, trong cuộc đối thoại cởi mở và lòng trung thành sáng tạo với truyền thống tuyệt vời đã đi trước chúng ta và đồng hành cùng với chúng ta”, Đức Thánh Cha nói trong phần lời tựa vào ngày 25 tháng 3.

Các bài phát biểu trong các cuộc họp của các nhà thần học với Đức Thánh Cha Phanxicô và nhóm Hồng y vào tháng 12 năm 2023 và tháng 2 năm 2024 phần lớn chỉ trích cách đối xử hiện tại với phụ nữ trong Giáo hội và các lập luận thần học của một số Giáo hoàng gần đây về chức Linh mục và chức Phó tế chỉ dành cho nam giới.

Trong bài viết của mình, thần học gia và giáo sư người Ý, Nữ tu Linda Pocher, thành viên của Dòng Nữ tu Salêdiêng Don Bosco, cho rằng một số lập luận thường thấy về chức Linh mục chỉ dành cho nam giới không mạnh mẽ như thường thấy.

“Tôi không có ý nói rằng chúng ta nên xóa bỏ hoàn toàn sự dành riêng cho nam giới đối với Thừa tác vụ có chức thánh. Ý tôi là cơ sở lý luận đằng sau sự dành riêng đó không thuyết phục, và điều quan trọng là phải nhận ra và nhận thức được điều đó”, Nữ tu Pocher viết trong cuốn “Phụ nữ và các Thừa tác vụ trong Giáo hội Hiệp hành: Cuộc đối thoại cởi mở”.

Trong lời chứng của mình, thần học gia người Ý và là một phụ nữ tận hiến thuộc Dòng Ordo Virginum (“Dòng Trinh Nữ Thánh Hiến”), bà Giuliva Di Berardino, lập luận rằng Giáo hội Công giáo đang thiếu một Thừa tác vụ dành cho phụ nữ “công khai và chính thức”.

“Vấn đề mà chúng ta phải thừa nhận là thế giới Công giáo thiếu tính đặc thù của một Thừa tác vụ dành cho phụ nữ vốn có thể mở rộng thiên chức làm mẹ thiêng liêng của mỗi người phụ nữ, món quà đặc biệt của họ, đối với chiều kích phổ quát của Giáo hội”, thần học gia Giuliva Di Berardino cho biết.

Trong một cuốn sách tiếng Ý khác ra đời sau những cuộc gặp gỡ với các Hồng y, 3 thần học gia — 2 phụ nữ và 1 Linh mục — đã xem xét “nguyên tắc Maria – Phêrô” của thần học gia Hans Urs von Balthazar và đặt câu hỏi liệu những cách giải thích khác về Kinh Thánh và về Đức Trinh Nữ Maria có thể ủng hộ một Thừa tác vụ dành cho phụ nữ hay không.

Trong phần lời tựa của cuốn sách này có tựa đề “Giảm bớt nam tính hóa trong Giáo hội?”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng “chúng ta đã nhận ra, đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Thượng Hội đồng, rằng chúng ta chưa đủ lắng nghe tiếng nói của phụ nữ trong Giáo hội và Giáo hội vẫn còn nhiều điều phải học hỏi từ họ”.

Đức Thánh Cha cho biết điểm khởi đầu là sự suy tư của thần học gia Hans Urs von Balthasar về các nguyên tắc Maria và Phêrô trong Giáo hội, “một sự suy tư đã truyền cảm hứng cho Huấn quyền của các Giáo hoàng gần đây trong nỗ lực hiểu và đánh giá cao sự hiện diện khác nhau của nam giới và nữ giới trong Giáo hội”.

“Tuy nhiên, điểm cuối cùng nằm trong bàn tay của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đây là điều tôi mong muốn tại thời điểm này trong Tiến trình Hiệp hành: chúng ta không mệt mỏi khi cùng nhau bước đi, vì chỉ khi chúng ta bước đi, chúng ta mới là chính mình, là thân thể sống động của Đấng Phục sinh đang chuyển động, đang ra đi, đang gặp gỡ anh chị em của chúng ta, không sợ hãi, trên các ngả đường phố của thế giới”, Đức Thánh Cha nói.

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, hành trình của Thượng Hội đồng về Hiệp hành chính là đích đến, và hành trình đó chính là lắng nghe thực tế sống động của anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô và đồng hành với họ.

Như triết gia và thần học gia Lucia Vantini đã nói trong bài trình bày của bà trước Hội đồng Hồng y Cố vấn năm ngoái: “Vấn đề về các Thừa tác vụ hiện không còn nằm trong chương trình nghị sự, nhưng giờ đây nó lấp lửng đây đó và áp lực của nó được cảm nhận: Giống như một bóng ma, nó lởn vởn trong các phòng họp của chúng ta, làm gián đoạn suy tư và ngăn cản sự thẳng thắn giữa chúng ta”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết