Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất 3 cử chỉ để sống trong Thánh lễ từ phép lạ hóa bánh ra nhiều trong Tin Mừng

Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với những người hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô trong giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024 (Ảnh: truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với những người hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô trong giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024 (Ảnh: truyền thông Vatican)

Hôm Chúa nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý đến ba cử chỉ từ câu chuyện Kinh Thánh về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều mà ngài cho rằng được phản ánh nơi Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly và nơi các tín hữu trong mỗi Thánh lễ.

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng việc “trao dâng, tạ ơn và chia sẻ” là những điểm nổi bật của phép lạ được thuật lại trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, đồng thời chia sẻ suy tư của mình về Bài Tin Mừng Chúa nhật trước khi đọc Kinh Truyền tin vào buổi trưa với những người tụ tập dưới ánh nắng gay gắt tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Nhiệt độ vào buổi cầu nguyện buổi trưa đã lên tới 95 độ F khi nhiều người trong đám đông trú nắng dưới những chiếc ô đầy màu sắc.

“Tin Mừng kể cho chúng ta về một cậu bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá”, Đức Thánh Cha lưu ý, đồng thời nói rằng cử chỉ cho đi của cậu bé, cũng như của chúng ta, là sự thừa nhận rằng “chúng ta có điều gì đó tốt đẹp để cho đi, và chúng ta nói ‘xin vâng’, ngay cả khi những gì chúng ta có quá ít so với những gì cần thiết”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng người Công giáo được mời gọi cho đi những gì chúng ta có và đang có, ngay cả khi việc cho đi đó có vẻ quá tầm thường và nghèo nàn.

Sự trao dâng này được thể hiện trong mỗi Thánh lễ, khi Linh mục dâng bánh và rượu, “và mỗi người dâng chính mình, dâng cuộc sống của mình”, Đức Thánh Cha nói. Sự trao dâng này trở thành Sự Hiện Diện Đích Thực của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

“Đó là một cử chỉ có vẻ nhỏ bé khi chúng ta nghĩ đến những nhu cầu to lớn của nhân loại”, Đức Thánh Cha thừa nhận, “… nhưng Thiên Chúa đã biến nó thành vật liệu cho phép lạ vĩ đại nhất xảy ra: phép lạ mà chính Ngài — chính Ngài! — hiện diện giữa chúng ta, để cứu độ thế giới”.

“Chúng ta có thể tự hỏi mình: ‘Tôi có thực sự tin rằng, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tôi có điều gì đó độc đáo để trao tặng cho anh chị em mình không?’”, Đức Thánh Cha gợi ý.

Sự trao dâng của chúng ta gắn liền mật thiết với cử chỉ tiếp theo, đó là tâm tình tạ ơn, Đức Thánh Cha lập luận.

Đức Thánh Cha gợi ý những lời chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa Cha: “Mọi sự con có đều là ân ban của Chúa, và để tạ ơn Chúa, con chỉ có thể trả lại cho Chúa những gì Chúa đã ban cho con trước, cùng với Chúa Giêsu, và thêm với những gì con có thể”.

“Mỗi người đều có thể thêm vào bất cứ điều nhỏ bé nào đó”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, đồng thời mời gọi các tín hữu suy ngẫm: “Tôi có thể dâng gì cho Chúa? Một con người hèn mọn có thể dâng gì cho Chúa? Tình yêu hèn mọn. Và thân thưa với Ngài: ‘Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, nhưng con nghèo hèn, tình yêu của con nhỏ bé, nhưng con dâng cho Chúa. Xin Chúa đón nhận’”.

Những món quà này sau đó sẽ dẫn đến việc chia sẻ, Đức Thánh Cha giải thích.

mt28072024115711-00004 mt28072024120251-00007

Kết quả của lễ dâng của mọi người

“Trong Thánh lễ đó là phần Hiệp lễ, khi chúng ta cùng nhau tiến đến bàn thờ để lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô: kết quả của lễ dâng của mọi người được Thiên Chúa biến đổi thành lương thực cho tất cả mọi người. Đó là một khoảnh khắc tuyệt đẹp, khoảnh khắc khi chúng ta Rước lễ, dạy chúng ta sống mọi cử chỉ yêu thương như một món quà ân sủng, cho cả người trao ban và người nhận lãnh”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria để sống mọi cử hành Thánh lễ với thái độ đức tin này, “để nhận ra và cảm nếm những ‘phép lạ’ của ân sủng Thiên Chúa mỗi ngày”.

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với những người dân chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất ở Ethiopia.

Lở đất xảy ra ở vùng núi xa xôi Gofa ở miền nam Ethiopia vào đêm Chúa nhật đến sáng thứ Hai, do mưa lớn trong khu vực. Hơn 200 người đã được xác nhận là đã thiệt mạng, Liên Hợp Quốc dự đoán rằng số người chết có thể lên tới gần 500 người.

Sau đó, Đức Thánh Cha nói về vấn đề đói nghèo đang tiếp diễn trên thế giới, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối “hành động đáng xấu hổ” của việc “lãng phí tài nguyên để tiếp tay cho các cuộc chiến tranh lớn nhỏ”.

“Trong khi có rất nhiều người trên thế giới đang phải chịu đựng thiên tai và nạn đói kém, chúng ta vẫn tiếp tục chế tạo và bán vũ khí”, Đức Thánh Cha than phiền. Điều này “trái ngược với tinh thần huynh đệ của Thế vận hội Olympic vừa mới khai mạc. Chúng ta đừng quên, anh chị em thân mến: Chiến tranh là một sự thất bại!”.

“Ta sẽ không bỏ rơi con”

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng Chúa nhật ngày 28 tháng 7 là Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ IV mà ngài khởi xướng vào năm 2020. Chủ đề của năm nay được lấy từ Thánh Vịnh 71: “Xin đừng bỏ rơi con khi tuổi già xế bóng”.

Ngày này mời gọi chúng ta lắng nghe tiếng nói của những người lớn tuổi: “Xin đừng bỏ rơi tôi!”, và chúng ta sẽ đáp lại: “Con sẽ không bỏ rơi ông/bà!”, Đức Thánh Cha nói.

“Hãy nói ‘không’ với nỗi cô đơn của người già! Tương lai của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào cách ông bà và các cháu học cách chung sống với nhau. Chúng ta đừng quên người già!”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời mời gọi các tín hữu dành một tràng pháo tay gửi đến tất cả các bậc ông bà và người cao tuổi.

Đức Thánh Cha kết thúc buổi gặp gỡ hàng tuần với các tín đồ bằng lời chúc bữa trưa ngon miệng theo truyền thống và yêu cầu: “Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi”.

Đức Thánh Cha kết thúc buổi tiếp kiến chung hàng tuần với các tín hữu bằng lời chúc bữa trưa ngon miệng theo thông lệ và yêu cầu: “Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết