Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến chiến tranh ở Trung Đông, vấn nạn lạm dụng tình dục và phá thai trên chuyến bay từ Bỉ trở về Rôma

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời câu hỏi của một nhà báo trên chuyến bay trở về Rôma vào ngày 29 tháng 9 năm 2024, sau khi thăm Luxembourg và Bỉ trong chuyến Tông du quốc tế thứ 46 của mình (Ảnh: CNS/ Lola Gomez)

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời câu hỏi của một nhà báo trên chuyến bay trở về Rôma vào ngày 29 tháng 9 năm 2024, sau khi thăm Luxembourg và Bỉ trong chuyến Tông du quốc tế thứ 46 của mình (Ảnh: CNS/ Lola Gomez)

Trong một cuộc họp báo ngắn trên chuyến bay từ Bỉ trở về Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời các câu hỏi, bao gồm một câu hỏi về các vụ giết người có chủ đích của Israel ở Lebanon và Gaza, và những câu hỏi khác liên quan đến cuộc gặp gỡ của ngài với các nạn nhân bị lạm dụng ở Brussels, vai trò của phụ nữ trong xã hội và lý do tại sao ngài nghĩ rằng Vua Baudouin của Bỉ nên được tuyên thánh.

Một nhà báo truyền hình người Mỹ đã đặt câu hỏi đầu tiên.

Sáng nay (ngày 29 tháng 9) chúng tôi nhận được thông tin rằng 900 kg bom đã được sử dụng để ám sát có chủ đích Nasrallah. Có hơn một ngàn người phải di tản, nhiều người đã chết. Ngài có nghĩ rằng Israel có lẽ đã đi quá xa với Lebanon và Gaza không? Và làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Có thông điệp nào cho những người ở đó không?

Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu trả lời rằng: “Mỗi ngày tôi đều gọi cho Giáo xứ ở Gaza, nơi có hơn 600 người, và họ kể cho tôi nghe về những sự việc đã xảy ra, cũng như sự tàn ác diễn ra ở đó”.

“Phòng thủ phải luôn tương xứng với tấn công”, Đức Thánh Cha nói. “Khi có điều gì đó không cân xứng, chúng ta thấy một xu hướng thống trị vượt ra khỏi đạo đức. Khi một quốc gia có lực lượng hùng hậu thực hiện những điều này – bất kể quốc gia nào – thực hiện những điều này theo cách thái quá như vậy, thì đó là những hành động vô đạo đức”.

Mặc dù câu hỏi tập trung vào Israel, Đức Thánh Cha đã khéo léo tránh nêu tên quốc gia này và nói rằng “bất kỳ quốc gia nào”, nhưng câu trả lời của ngài rất rõ ràng và không loại trừ Israel.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng đạo đức tồn tại trong chiến tranh, ngay cả khi bản thân cuộc chiến là vô đạo đức. Các quy tắc của chiến tranh là dấu hiệu của một mức độ đạo đức nào đó.

“Nhưng khi điều này không xảy ra”, Đức Thánh Cha nói, ý muốn nói khi các quy tắc chiến tranh bị bỏ qua, “chúng ta thấy—như chúng ta nói bằng tiếng Argentina— ‘cảm giác thù nghịch’”. Cụm từ “bad blood” trong bối cảnh này có nghĩa là “những ý định xấu”.

Vào tối hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ kéo dài hai giờ đồng hồ tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh với 17 nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ ở Bỉ. Trên chuyến bay, một nhà báo nói tiếng Flemish cho biết các nạn nhân thường nói về “tiếng kêu tuyệt vọng, thiếu sự minh bạch, những cánh cửa đóng kín trong các phiên tòa, sự im lặng đối với họ, sự chậm chạp của tiến trình này và vấn đề bồi thường về kinh tế”.

“Có vẻ như mọi thứ chỉ thay đổi đối với họ khi họ nói chuyện với ngài”, nhà báo nói, nhắc lại rằng các nạn nhân đã “đưa ra một loạt những yêu cầu”. Ông đã hỏi Đức Thánh Cha hai câu hỏi: “Ngài định tiến hành những yêu cầu này như thế nào?”, và câu hỏi thứ hai: “Sẽ không tốt hơn sao nếu thành lập một bộ phận tại Vatican cho mục đích này, một cơ quan độc lập, như một số Giám mục đề xuất, để đối mặt tốt hơn với tai họa này và lấy lại lòng tin của các tín hữu?”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi thứ hai trước tiên bằng cách nói rằng: “Có một cấu trúc ở Vatican và Chủ tịch là một Giám mục người Colombia. Có một ủy ban về các vụ lạm dụng do Đức Hồng y [Séan Patrick] O’Malley thành lập. Ủy ban này hoạt động, và họ tiếp nhận mọi thứ ở Vatican và thảo luận về chúng”. Ngoài ra, Đức Thánh Cha nói, “Tôi cũng tiếp nhận các nạn nhân bị lạm dụng ở Vatican”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi cuộc gặp gỡ của ngài với các nạn nhân tại Tòa Sứ thần Tòa Thần ở Brussels là một bổn phận. Một số người, Đức Thánh Cha nói, đồng thời lưu ý rằng theo số liệu thống kê, “40-46% các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình, trong khu xóm và chỉ có 3% trong Giáo hội”. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng điều đó không quan trọng đối với ngài, bởi vì “trong Giáo hội, chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ những người đã bị lạm dụng và chăm sóc họ”.

“Một số người cần được giúp đỡ về mặt tâm lý, và chúng ta phải giúp họ theo cách này. Những người khác nói về sự cần thiết phải bồi thường cho họ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đòng thời lưu ý rằng “đó là luật dân sự”. Ngài cũng lưu ý rằng ở Bỉ, khoản bồi thường vào khoảng 50.000 euro và đồng thời nhận xét rằng “con số này quá thấp”. Nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “các nạn nhân cần được bồi thường và kẻ lạm dụng phải bị trừng phạt”.

“Lạm dụng không phải là một tội ác xảy ra hôm nay và có lẽ ngày mai không còn nữa”, Đức Thánh Cha nói thêm. “Đó là một khuynh hướng, một căn bệnh tâm thần, và chúng ta cần phải điều trị và theo dõi họ theo cách đó. Người ta không thể để kẻ lạm dụng tự do sống một cuộc sống bình thường với trách nhiệm trong Giáo xứ hoặc trong học đường”.

Đức Thánh Cha cho biết một số Giám mục có những Linh mục từng lạm dụng, đã trải qua thử thách và bị kết án, đã giao cho họ một số công việc như trong thư viện, nhưng không được tiếp xúc với trẻ em ở trường học hoặc Giáo xứ. Đức Thánh Cha cho biết ngài đã nói với các Giám mục Bỉ rằng “đừng sợ hãi và hãy tiến lên”, nhưng ngài nhấn mạnh như đã từng nói trong bài giảng trong Thánh lễ hôm Chúa nhật, và trong các cuộc trò chuyện khác ở Bỉ, “Sự hổ thẹn là để bao che. Đây chính là sự xấu hổ”.

Một nhà báo người Ý nhắc lại rằng hôm 28 tháng 9, sau cuộc gặp gỡ tại Đại học Louvain, một thông cáo đã được công bố với nội dung rằng: “Trường đại học lên án lập trường bảo thủ của Đức Giáo hoàng Phanxicô về vai trò của phụ nữ trong xã hội”.

Nhà báo này cho biết việc chỉ nói về phụ nữ theo nghĩa về vai trò làm mẹ, sinh sản và chăm sóc là có phần hạn chế, và điều này cũng có phần phân biệt đối xử, vì đây là vai trò cũng thuộc về nam giới. Bà cũng lưu ý rằng cả hai trường đại học Leuven và Louvain đều nêu vấn đề về các thừa tác vụ có chức thánh trong Giáo hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô trước hết bình luận về thông cáo của trường đại học Louvain được công bố khi sự kiện này sắp kết thúc. “Thông cáo này được công bố khi tôi vẫn đang phát biểu”, Đức Thánh Cha nói. “Nó được viết trước, và điều này không có đạo đức”.

Đối với phụ nữ, Đức Thánh Cha nói, “Tôi luôn nói về phẩm giá của phụ nữ. Và tôi đã nói một điều mà tôi không thể nói về đàn ông: Giáo hội là một người phụ nữ. Và đó là Hiền thê của Chúa Giêsu. Việc nam tính hóa Giáo hội, nam tính hóa phụ nữ không mang tính nhân văn, không mang tinh thần Kitô giáo. Phụ nữ có sức mạnh riêng của mình. Trên thực tế, phụ nữ—và tôi luôn nói điều này—quan trọng hơn đàn ông, bởi vì Giáo hội là một người phụ nữ, Giáo hội là Hiền thê của Chúa Giêsu”.

Sau đó, Đức Thánh Cha nhận xét, “Tôi thấy có một não trạng trì trệ không muốn nghe nói đến vấn đề này”.

Như để củng cố quan điểm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định điều ngài vẫn luôn nói: “Phụ nữ bình đẳng với nam giới”.

Lặp lại nhiều tuyên bố trước đây của mình về các nguyên lý thần học: Nguyên tắc Maria và Nguyên tắc Phêrô, định nghĩa các vai trò khác nhau của nam giới và nữ giới trong Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng ca ngợi “sự huyền bí của phụ nữ quan trọng hơn” các Thừa tác vụ có chức thánh như Linh mục hoặc Phó tế.

“Bản chất mẫu tử của Giáo hội là bản chất mẫu tử của người phụ nữ”, Đức Thánh Cha nói. “Thừa tác vụ Phêrô là một Thừa tác vụ ít nhiều được trao để đồng hành với các tín hữu, nhưng luôn nằm trong bản chất mẫu tử của Giáo hội. Nhiều nhà thần học đã nghiên cứu điều này, và nói rằng đó là điều gì đó thực sự, tôi không nói là hiện đại, nhưng cũng không phải là lỗi thời”.

Trong một câu hỏi khác gửi tới Đức Thánh Cha Phanxicô, người đang ngồi trên xe lăn ở lối đi giữa của máy bay, một phóng viên truyền hình Bỉ nói với ngài rằng những lời ngài nói về phần mộ của Vua Baudouin đã gây ra một số sự ngạc nhiên ở Bỉ và bị coi là sự can thiệp vào đời sống dân chủ của Bỉ. Phóng viên này lưu ý rằng quá trình tuyên phong Chân Phước cho nhà vua dường như có liên quan đến lập trường của ngài về vấn đề phá thai, và hỏi Đức Thánh Cha: “Làm thế nào chúng ta có thể dung hòa quyền được sống và việc bảo vệ sự sống với quyền của phụ nữ được sống mà không phải chịu đau khổ?”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nhà vua rất can trường, vì khi đối mặt với luật của sự chết, ông đã không ký, và ông đã từ chức [trong một ngày]. Điều đó đòi hỏi lòng can đảm, phải không? Người ta cần lòng can đảm. Người ta cần một chính trị gia mặc quần (như họ nói ở đất nước tôi)”, có nghĩa là, “một chính trị gia có lòng can đảm”.

“Đây là một tình huống đặc biệt và nhà vua đã đưa ra một thông điệp [bằng cách làm như vậy]. Ông ấy đã làm như vậy vì ông ấy là một vị thánh. Ông ấy là một người thánh thiện. Và quá trình tuyên phong Chân Phước cho Vua Baudouin sẽ tiếp tục, vì chúng ta có bằng chứng về điều này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Sau đó, trả lời phần còn lại của câu hỏi, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Phụ nữ có quyền được sống, quyền được sống của họ và quyền được sống của con cái của họ. Chúng ta đừng quên điều này. Phá thai là hành vi giết người. Khoa học nói rằng trong vòng một tháng kể từ khi thụ thai, tất cả các cơ quan đã hình thành. Một người giết một con người. Những bác sĩ tham gia vào việc này —xin lỗi vì cách diễn đạt— là những kẻ giết người. Điều này không thể tranh cãi. Một người giết một mạng người. Và phụ nữ có quyền bảo vệ sự sống”.

Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại những điều ngài đã nói trên chuyến bay trở về từ Singapore vào ngày 13 tháng 9, trong những bình luận của ngài về cuộc bầu cử của Hoa Kỳ. Kế đến, Đức Thánh Cha nói thêm—mặc dù ngài không được hỏi về điều đó, “Các biện pháp tránh thai là một vấn đề khác, một thứ khác. Chúng ta đừng nhầm lẫn các vấn đề này, tôi chỉ nói về phá thai. Chúng ta không thể tranh luận về điều đó. Xin thứ lỗi, nhưng đây là sự thật”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết