Dưới đây là những biểu đồ cho thấy cách Đức Thánh Cha Phanxicô đã định hình nhóm Hồng y sẽ có nhiệm vụ bầu chọn tân Giáo hoàng trong tương lai.
Vào ngày 9 tháng 7 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố 21 tân Hồng y, trong đó có 18 Hồng y cử tri, sẽ được tấn phong tại Công nghị vào ngày 30 tháng 9. Đây sẽ là Công nghị thứ IX do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập kể từ sau khi đắc cử Giáo hoàng vào năm 2013.
Bằng cách thường xuyên bổ nhiệm các hồng y mới, Đức Phanxicô đã tái xác định thành phần của các Hồng y cử tri trong Hồng Y Đoàn, chỉ bao gồm những người dưới 80 tuổi và do đó có thể bầu chọn vị Giáo hoàng tương lai. Việc bổ nhiệm các Hồng y tất nhiên là nhiệm vụ thuộc về bất kỳ vị Giáo hoàng nào, và một Giáo hoàng phục vụ càng lâu thì càng có nhiều Hồng y được bổ nhiệm bởi Công nghị bầu chọn người kế nhiệm ngài, khi các Hồng y trước đó đã quá tuổi.
Đến trước ngày 30 tháng 9 tới, 99 trong số 137 Hồng y cử tri sẽ được chọn bởi vị Giáo hoàng người Argentina, nghĩa là gần 3/4.
Một khía cạnh quan trọng nổi lên từ Công nghị này đó là sự hiện diện của châu Âu đã được củng cố, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nổi tiếng với việc chọn các Hồng y đến từ “cáckhu vực ngoại vi” – chẳng hạn như vị đầu tiên của Haiti, và vị đầu tiên đại diện cho Mông Cổ.
Danh sách 18 tân Hồng y được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố từ cửa sổ Điện Tông Tòa bao gồm 8 Hồng y cử tri châu Âu, nghĩa là gần một nửa. Vị Giáo hoàng người Argentina đã chọn 2 tân Hồng y người Pháp, 2 tân Hồng y người Tây Ban Nha, 1 tân Hồng y người Bồ Đào Nha, một tân Hồng y người Thụy Sĩ, một tân Hồng y người Ba Lan và chỉ 1 tân Hồng y người Ý. Với tư cách là Thượng phụ nghi lễ Latinh tại Giêrusalem, Đức tân Hồng y Pierbattista Pizzaballa, không được coi là đại diện cho Ý, và do đó là Châu Âu, mà là đại diện cho Trung Đông.
Phải thừa nhận rằng nhóm mới này về cơ bản không thay đổi tỷ lệ trong Hồng Y Đoàn, vì 18 tân Hồng y chỉ đại diện cho 13% của toàn bộ Hồng Y Đoàn. Tuy nhiên, ngoài việc củng cố sự hiện diện của các Hồng y người châu Âu – vốn đã ngừng giảm tỷ lệ – tỷ lệ các Hồng y người châu Á đã được duy trì ở mức khoảng 16%.
Với nhiều Công nghị khác nhau đã diễn ra kể từ sau khi Đức Phanxicô đắc cử Giáo hoàng vào năm 2013, các Hồng y đại diện của châu Á đã tăng lên rất nhiều, vì nó chỉ đại diện cho 7,9% Hồng Y Đoàn trong Mật nghị Hồng y bầu chọn Đức Phanxicô.
Trong 10 năm Triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi đáng kể bộ mặt của Hồng Y Đoàn. Trong khi châu Á đã tăng hơn gấp đôi sự hiện diện của mình, thì lục địa châu Phi cũng đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về số lượng Hồng y, tăng từ 11 vào năm 2013 lên 19 với Công nghị mới nhất này.
Trong gần 8 năm Triều đại Giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI đã tấn phong 90 Hồng y. Trong Triều đại Giáo hoàng lâu dài của Thánh Gioan Phaolô II (26 năm), ngài đã tấn phong 231 Hồng y. Triều đại Giáo hoàng của vị Giáo hoàng người Ba Lan kéo dài thứ ba trong lịch sử sau Triều đại của Đức Piô IX (hơn 31 năm) và của Thánh Phêrô (từ 34 đến 37 năm).
Minh Tuệ (theo Aleteia)