Đức Thánh Cha Phanxicô công bố công cuộc cải tổ Giáo triều Rôma

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican, ngày 23 tháng 2 năm 2022 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican, ngày 23 tháng 2 năm 2022 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

VATICAN (CNS) – 9 năm sau khi nhậm chức Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông Hiến cải cách Giáo triều Rôma, một kế hoạch mà ngài đã khởi sự với Hồng y đoàn quốc tế của mình ngay sau khi nhậm chức vào năm 2013.

Tông Hiến “Praedicate Evangelium” (Anh em hãy Rao giảng Tin Mừng), chỉ được xuất bản bằng tiếng Ý bởi Vatican vào ngày 19 tháng 3, sẽ có hiệu lực vào ngày 5 tháng 6, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.

Sáp nhập một số Thánh Bộ và Hội đồng Giáo hoàng và nâng cao vị thế của những cơ quan khác — đặc biệt là Văn phòng Từ thiện Giáo hoàng — Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài hy vọng Tông Hiến sẽ đảm bảo rằng các văn phòng của Vatican hoàn thành sứ mạng của họ trong việc giúp thúc đẩy Giáo hội với tư cách là một cộng đoàn các môn đệ truyền giáo, chia sẻ Phúc Âm và quan tâm đến tất cả những người cần được giúp đỡ.

Một phần của nỗ lực đó, Đức Thánh Cha viết, đòi hỏi phải cần phải có thêm nhiều anh chị em giáo dân vào các vị trí lãnh đạo trong Giáo triều.

“Tông Hiến mới này đề xuất hài hòa tốt hơn việc thực thi sứ vụ hiện tại của Giáo triều với công cuộc truyền bá Phúc Âm hóa mà Giáo hội, đặc biệt là trong Mùa Chay này, đang sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của bản chất truyền giáo của Giáo hội, trong Tông Hiến mới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã định rõ rằng ngài là Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm; Đức Thánh Cha sẽ được một “Tổng Trưởng phụ tá” trợ giúp cho “những vấn đề cơ bản liên quan đến việc truyền bá Phúc Âm hóa trên thế giới” và một “Tổng Trưởng phụ tá” về “việc truyền bá Phúc Âm hóa và những Giáo hội cụ thể mới”, những vấn đề trước đây được hỗ trợ bởi Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho Các dân tộc.

Theo cách thức tương tự, cho đến năm 1968, các Giáo hoàng là Tổng Trưởng của cơ quan đã trở thành Bộ Giáo lý Đức tin.

“Pastor Bonus” bắt đầu mô tả trách nhiệm của Bộ Giáo lý Đức tin: “Nhiệm vụ thích hợp của Bộ Giáo lý Đức tin đó là thúc đây và bảo vệ Giáo lý về đức tin và luân lý trong toàn thể Giáo hội Công giáo; vì vậy, Bộ này có thẩm quyền trong những việc liên quan đến vấn đề này theo bất kỳ cách thức nào”.

Tông Hiến mới bắt đầu mô tả bằng cách nói rằng “Nhiệm vụ của Bộ Giáo lý Đức tin là trợ giúp Đức Giáo hoàng và các Giám mục trong việc loan báo Tin Mừng trên toàn thế giới, thúc đẩy và bảo vệ tính toàn vẹn của Giáo lý Công giáo về đức tin và luân lý, dựa trên kho tàng đức tin cũng như việc tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc hơn về Giáo lý khi đối mặt với những vấn đề mới”.

Tông Hiến mới xóa bỏ sự phân biệt trước đây giữa “các Bộ” (congregation) và “các Hội đồng Giáo hoàng” (pontifical council), chỉ đơn giản gọi tất cả các cơ quan này là “các Thánh Bộ” (dicastery).

Ngoài việc thiết lập Thánh Bộ Phục vụ Bác ái thay cho Văn phòng từ thiện Giáo hoàng, Tông Hiến còn hợp nhất Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc và Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Tân Phúc Âm hóa thành Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng, và sáp nhập Bộ Giáo dục Công giáo và Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa thành Thánh Bộ Văn hóa và Giáo dục.

“Praedicate Evangelium” thay thế Tông Hiến“Pastor Bonus” năm 1988 của Thánh Gioan Phaolô II, nhưng không giống như Tông Hiến này, không dành vai trò lãnh đạo một số văn phòng chỉ cho các Hồng y và Giám mục, mặc dù quy chế riêng của các văn phòng đó có thể quy định như vậy.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong tài liệu rằng các văn phòng có “quy chế và luật lệ riêng của họ sẽ chỉ tuân theo những điều ấy trong chừng mực chúng không chống lại Tông Hiến hiện hành và sẽ đề xuất sự sửa đổi để được sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng sớm nhất có thể”.

Khẳng định rằng mọi Kitô hữu đều là “một môn đệ truyền giáo”, Tông Hiến cho biết, việc cải cách Giáo triều cũng cần “cung cấp cơ hội cho sự tham gia của giáo dân và phụ nữ, bao gồm cả vai trò quản trị và trách nhiệm”.

Sự tham gia của anh chị em giáo dân “là điều không thể thiếu, bởi vì họ cộng tác vì lợi ích của toàn thể Giáo hội, và vì đời sống gia đình, kiến thức về thực tế xã hội và đức tin của họ dẫn họ đến việc khám phá những đường lối của Thiên Chúa trên thế giới, họ có thể tạo ra sự đóng góp có giá trị, đặc biệt khi đề cập đến việc thăng tiến gia đình và tôn trọng các giá trị của sự sống, công trình sáng tạo và Tin Mừng với tư cách là men cho các thực tại trần thế và việc phân định những dấu chỉ của thời đại”.

Mô tả về vấn đề nhân sự của các văn phòng, Tông Hiến cho biết ban lãnh đạo, “trong chừng mực có thể, sẽ đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới để Giáo triều Rôma có thể phản ánh tính phổ quát của Giáo hội”.

 Họ có thể là giáo sĩ, tu sĩ hoặc giáo dân “được phân biệt bằng kinh nghiệm thích hợp, kiến thức được xác nhận bằng trình độ phù hợp, đức hạnh và sự thận trọng. Họ nên được chọn theo các tiêu chí khách quan, minh bạch và có đủ số năm kinh nghiệm trong các hoạt động mục vụ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả việc cải tổ Giáo triều là một phần của “sự hoán cải truyền giáo” của Giáo hội, một phong trào canh tân nhằm làm cho Giáo hội phản ánh nhiều hơn “hình ảnh của sứ mạng yêu thương của chính Chúa Kitô”.

Đức Thánh Cha cũng liên kết nó với tiến trình đang diễn ra nhằm thúc đẩy “tính hiệp hành”, ý thức về trách nhiệm chung của tất cả mọi tín hữu Công giáo đã được rửa tội đối với đời sống và sứ mạng của Giáo hội.

Sự hiệp thông thực sự giữa tất cả mọi tín hữu Công giáo, Đức Thánh Cha nói, “mang lại cho Giáo hội khuôn mặt của tính hiệp hành; một Giáo hội, có nghĩa là, lắng nghe lẫn nhau, trong đó mỗi người có điều gì đó để học hỏi: anh chị em giáo dân, Hội đồng Giám mục và vị Giám mục Rôma lắng nghe lẫn nhau, và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần, Thần Khí sự thật”.

Đề cập đến một trong những mối bận tâm chính được bày tỏ bởi các Giám mục trên khắp thế giới trong quá khứ, Tông Hiến cho biết, “Giáo triều Rôma không đứng giữa Đức Giáo hoàng và các Giám mục, mà đặt mình vào việc phục vụ của cả hai theo những cách thức phù hợp với bản chất của mỗi cá thể”.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng bằng việc tổ chức lại Giáo triều, ngài muốn thúc đẩy một “sự phân quyền lành mạnh”, đồng thời, thúc đẩy “tinh thần đồng trách nhiệm” và sự hiệp thông với các Giám mục và giữa các văn phòng của Vatican.

Giáo triều, Đức Thánh Cha Phanxicô nên hỗ trợ các Giám mục trong sứ mạng Mục tử của họ cũng như công việc của các Hội đồng Giám mục và Thượng hội đồng của các Giám mục Công giáo Đông phương.

Vì “dung mạo của Chúa Kitô” được phản chiếu nơi khuôn mặt của các môn đệ của Ngài, tài liệu cho biết, các thành viên của Giáo triều Rôma nên được “phân biệt bởi đời sống thiêng liêng, kinh nghiệm mục vụ tốt lành, sự điềm đạm trong cuộc sống và tình yêu đối với người nghèo, tinh thần hiệp thông và phục vụ, năng lực trong các vấn đề được giao phó, và khả năng nhận biết những dấu chỉ của thời đại”.

Theo thứ tự của Giáo triều Rôma, Phủ Quốc Vụ Khanh duy trì vị trí lãnh đạo và điều phối của mình, nhưng Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng mới được đặt trên Thánh Bộ Giáo lý Đức tin.

 Mô tả về tổ chức của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin bao gồm những thay đổi được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố vào tháng Hai, thiết lập các phân bộ về Giáo lý và kỷ luật riêng biệt, phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của văn phòng điều tra các cáo buộc giáo sĩ lạm dụng tình dục và lạm dụng chức vụ của các Giám mục hoặc Bề trên các Dòng tu.

Tông Hiến đặt Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên “bên trong Thánh Bộ này” và nói rằng “nhiệm vụ của nó là cung cấp cho vị Giáo hoàng Rôma lời khuyên và tư vấn cũng như đề xuất các sáng kiến thích hợp nhất cho việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương.

Đức Hồng y Seán P. O’Malley Địa phận Boston, Chủ tịch của ủy ban và là thành viên của Hội đồng Hồng y soạn thảo Tông Hiến, cho biết: “Lần đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã coi việc bảo vệ trẻ vị thành niên như một phần cơ bản trong cấu trúc của chính quyền trung ương của Giáo hội”.

“Liên kết ủy ban chặt chẽ hơn với công việc của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin mới thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc đề cao vị thế và nhiệm vụ của ủy ban, vốn chỉ có thể dẫn đến một nền văn hóa bảo vệ mạnh mẽ hơn trong toàn bộ Giáo triều và toàn thể Giáo hội”, Đức Hồng y O’Malley nói trong một tuyên bố vào ngày 19 tháng Ba.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết