Hôm thứ Tư, ngày 28 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết những người có chủ tâm cố ý “khước từ” những người di cư đang gây ra một tội lỗi nghiêm trọng.
Rời khỏi chủ đề hiện tại trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 28 tháng 8, Đức Thánh Cha đã có bài phát biểu dài về điều kiện sống khốn khổ của những người di cư nỗ lực vượt biển hoặc sa mạc để đến nơi an toàn nhưng đôi khi phải mất mạng trong quá trình đó.
“Điều đáng buồn là phần lớn những cái chết này có thể được ngăn ngừa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong bài phát biểu trước hàng nghìn người tại Quảng trường Thánh Phêrô.
“Cần phải nói một cách rõ ràng: Có những người làm việc có hệ thống và bằng mọi cách có thể để khước từ người di cư”, Đức Thánh Cha nói. “Và điều này, khi được thực hiện với sự nhận thức và trách nhiệm, là một hành vi tội lỗi nghiêm trọng”.
Bỏ qua bài phát biểu đã chuẩn bị trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại việc nhìn thấy bức ảnh đau lòng lan truyền trên mạng về người vợ và đứa con của Pato Crepin, người đã thiệt mạng ở sa mạc vào mùa hè năm 2023 khi đang nỗ lực vượt biên vào Tunisia trên đường đến châu Âu.
Năm ngoái, chính quyền Tunisia đã siết chặt lệnh cấm nhập cư bất hợp pháp bằng cách đưa những người nhập cảnh vào nước này đến những vùng xa xôi dọc biên giới với Libya và Algeria.
Lãnh đạo nước này cũng đã ký một thỏa thuận với Liên minh châu Âu để nhận 1 tỷ euro (khoảng 1,1 tỷ đô la) nhằm ngăn chặn hoạt động buôn người có lợi nhuận cao của khu vực này từ Tunisia vào châu Âu qua Biển Địa Trung Hải.
“Tất cả húng ta đều nhớ bức ảnh người vợ và đứa con gái của anh Pato chết vì đói khát trong sa mạc”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Trong thời đại của vệ tinh nhân tạo và các thiết bị bay không người lái, có những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em di cư mà không ai được phép nhìn thấy. Họ che giấu những hình ảnh về những con người này. Chỉ có Chúa mới nhìn thấy họ và nghe thấy tiếng kêu của họ. Đây quả là một sự tàn ác của nền văn minh của chúng ta”.
Dự án Người di cư mất tích do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) điều hành ghi nhận rằng kể từ năm 2014, ước tính có khoảng 47.000 người đã chết hoặc mất tích khi nỗ lực di cư ở Châu Phi, Châu Âu và khu vực Địa Trung Hải.
Hầu hết các trường hợp tử vong là do đuối nước, thường là khi nỗ lực vượt biển Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền không an toàn và quá đông người.
Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đề cập đến các tranh luận chính trị về vấn đề nhập cư và biên giới.
“Chúng ta đều có thể đồng ý về một điều: Người di cư không nên ở những vùng biển và những sa mạc chết chóc đó”, Đức Thánh Cha nói. “Nhưng không phải thông qua luật lệ hạn chế hơn, không phải bằng việc quân sự hóa biên giới, không phải bằng sự khước từ mà chúng ta sẽ đạt được kết quả này”.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, giải pháp là mở rộng các tuyến đường tiếp cận an toàn và hợp pháp cho người di cư để những người chạy trốn chiến tranh, bạo lực, đàn áp và thiên tai có thể tìm được nơi trú ẩn.
Những người di cư sẽ không còn phải mạo hiểm mạng sống để vượt biển hay sa mạc nữa, Đức Thánh Cha tiếp tục, nếu chúng ta thúc đẩy “một sự quản lý di cư toàn cầu dựa trên công lý, tình huynh đệ và sự liên đới”.
Trong nhiều tuyên bố trước đây về người tị nạn và người di cư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các quốc gia chào đón những người nhập cư hết mức có thể, đồng thời thừa nhận quyền kiểm soát biên giới và quyền quyết định số lượng người di cư và người tị nạn mà họ có thể hòa nhập an toàn vào các xã hội của họ.
Đoạn 2241 của Sách Giáo lý Công giáo cũng khẳng định rằng “các quốc gia thịnh vượng hơn có nghĩa vụ, trong phạm vi khả năng của mình, phải chào đón người ngoại kiều tìm kiếm sự an ninh và phương tiện sinh kế mà họ không thể tìm thấy ở đất nước xuất xứ của họ”.
“Các nhà cầm quyền chính trị”, Sách Giáo lý Công giáo tiếp tục, “vì thiện ích chung mà họ chịu trách nhiệm, có thể đặt ra các điều kiện pháp lý khác nhau cho việc thực hiện quyền nhập cư, đặc biệt liên quan đến bổn phận của những người nhập cư đối với quốc gia tiếp nhận họ”.
Trong buổi tiếp kiến hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại một bài học trong Sách Xuất hành: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức”.
“Mẹ góa con côi và người ngoại kiều là những người nghèo thực sự được Thiên Chúa luôn bênh đỡ và yêu cầu phải được bảo vệ”, ngài nhấn mạnh.
“Có một Thánh vịnh nói với Chúa: ‘Đường lối Chúa trải dài qua biển cả/ Đường lối Chúa băng qua những vùng nước mênh mông’ (Tv 77: 19). Và một Thánh vịnh khác nói rằng Người ‘dẫn dân Người qua sa mạc/ Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời’ (136:16)”, Đức Thánh Cha trích dẫn.
“Những lời thánh thiện này cho chúng ta biết rằng, để đồng hành với dân tộc trên hành trình hướng đến tự do, chính Thiên Chúa đã vượt qua biển cả và sa mạc”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Thiên Chúa không đứng ở đằng xa, không; Người chia sẻ thảm kịch của những người di cư, Thiên Chúa hiện ở đó cùng với họ, với những người di cư, Người đau khổ với họ, với những người di cư, Người khóc lóc và hy vọng với họ, với những người di cư”.
Đức Thánh Cha cho biết rằng trong khi hầu hết chúng ta không thể ở tuyến đầu cùng với những người dũng cảm, những người hành động như những người Samari nhân hậu, “nỗ lực hết sức mình để giải cứu và cứu giúp những người di cư bị thương và bị bỏ rơi trên những tuyến đường hy vọng tuyệt vọng”, thì vẫn có cách để giúp đỡ — “trước hết và quan trọng nhất là cầu nguyện”.
“Và tôi hỏi anh chị em: Anh chị em có cầu nguyện cho những người di cư, cho những người đến đất nước chúng ta để bảo toàn mạng sống của họ không?”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi hợp tác để chống lại nạn buôn người và những kẻ buôn người tội phạm “lợi dụng sự đau khổ của người khác một cách không thương tiếc” để kiếm tiền.
“Chúng ta hãy chung tay và đồng lòng để biển cả và sa mạc không phải là những nghĩa trang chết chóc mà là không gian nơi Thiên Chúa có thể mở ra con đường hướng đến sự tự do và tình huynh đệ”, Đức Thánh Cha nói.
Một số hình ảnh trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô:
Minh Tuệ (theo CNA)