Khi ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Colombia vào tháng Chín sắp tới, Ngài sẽ mang sứ điệp của Lòng thương xót và hòa giải của mình tới Cartagena, một thành phố hiện còn mang những vết sẹo của lịch sử đầy đau đớn như một hải cảng của người nô lệ.
Và ĐTC Phanxicô sẽ rảo bước trên những con đường, nơi mà một linh mục dòng Tên khác, Thánh Phêrô Claver, đã đem thông điệp đó vào thực tiễn cách đây bốn thế kỷ.
Được tuyên Thánh vào năm 1888, Thánh Phêrô Claver giờ đây được xem là vị Thánh bảo hộ quyền con người ở Colombia. Mặc dù đất nước đã bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1851 và đồng thời thông qua luật cấm phân biệt đối xử vào năm 1993, thế nhưng vẫn còn tồn tại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại nước này.
Nhiều người Afro-Colombian ở Cartagena, “hậu duệ của những người nô lệ… thường bị gạt ra bên lề xã hội, và bị bỏ rơi bởi chính phủ”, Cha Jorge Hernandez, người làm việc với các cộng đồng Afro-Colombian trong và xung quanh thành phố này, cho biết. “Ở một số khu phố, người dân không có nước sinh hoạt. Sự vô nhân đạo đã trở nên nghiễm nhiên”.
Điều này cũng đúng ở các nước Mỹ Latinh khác. Mặc dù khoảng một nửa dân số Brazil là gốc Phi Châu, những người Afro-Brazil chiếm một tỷ lệ không cân xứng của dân số nghèo, theo cuộc điều tra dân số năm 2010. Mức lương của họ trung bình chỉ bằng một nửa đến một phần ba của các cư dân Brazil da trắng.
Vào ngày cuối cùng tại Colombia, ngày 10 tháng 9, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự giờ Kinh Truyền Tin bên ngoài Thánh đường Thánh Phêrô Claver. Tòa nhà này là nơi đã từng được nhà truyền giáo dùng để tiếp đón các nô lệ, và hiện nay trở thành nơi lưu giữ các Thánh tích của Thánh nhân, cũng như đang được sử dụng làm trường học và bệnh viện.
Sau khi cầu nguyện riêng trong ngôi Thánh đường này, ĐTC Phanxicô sẽ gặp gỡ với các anh em tu sĩ dòng Tên.
Một số người tự hỏi, liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có xin tha thứ vì việc chấp nhận lâu dài của Giáo hội đối với việc buôn bán nô lệ ở châu Mỹ hay không. Cha Hernandez cho biết ngài hy vọng ĐTC Phanxicô sẽ lên tiếng chống lại các hình thức nô lệ hiện đại, bao gồm hành động buôn người và chế độ nô lệ cho tiền bạc, cũng như một xã hội tiêu dùng.
Chuyến viếng thăm Cartagena của ĐTC Phanxicô sẽ âm thầm làm nổi bật sự bất bình đẳng dai dẳng ở Mỹ Latinh, nơi đã tồn tại một sự chênh lệch về thu nhập cao nhất trên toàn thế giới. “Khách du lịch đổ về các khu bãi biển nghỉ mát của thành phố Caribbean, tương phản với sự nghèo đói, mà trong đó phần lớn cư dân Afro-Colombian của thành phố hiện vẫn đang trú ngụ”, Cha Carlos Eduardo Correa, Bề trên Dòng Tên ở Colombia, cho biết.
“Ở Colombia, hiện vẫn có nhiều vụ vi phạm nhân quyền, đặc biệt là ở các cộng đồng người Afro-Colombian, các cộng đồng bản địa và những người nghèo khổ, nhất là những vi phạm về văn hoá, kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như các quyền về giáo dục, y tế và lao động”, cha Correa nói.
Khi chàng thanh niên Peter Claver đến Cartagena từ Tây Ban Nha vào năm 1610 thì ngành thương mại nô lệ đã bùng nổ. Hơn 78.000 nô lệ châu Phi đã được đưa đến đây giữa năm 1570 và 1640, khoảng 10.000 nô lệ mỗi năm. Theo những thông tin thu thập được, những người nô lệ chiếm một nửa dân số Cartagena vào thời điểm đó.
Sau năm năm nghiên cứu tại Bogota, Claver trở lại Cartagena, nơi Ngài đã được thụ phong linh mục vào năm 1616. Tự nhận mình như là “nô lệ của những kẻ nô lệ”, linh mục Claver đã cùng với một linh mục dòng Tên khác là Cha Alonso de Sandoval, người đã thẳng thắn lên tiếng về sự bất công của chế độ nô lệ, và tiếp tục công việc đó sau khi người bạn đồng hành của mình được chuyển đến Peru vào năm 1617.
Vào thời điểm Giáo hội Công giáo đã không lên tiếng chống lại sự nô lệ của người châu Phi ở các thuộc địa của Tây Ban Nha, và khi thậm chí một số bề trên dòng Tên đã chỉ trích sứ vụ của Ngài, Cha Claver đã đi xin bố thí từ các cư dân giàu có của thành phố và dùng số tiền xin được đó để mua lương thực và thuốc men.
Ngài đã gặp gỡ những tay buôn người tại các bến cảng, trước hết là để giúp đỡ trẻ em và những người bệnh tật với sự giúp đỡ của những người nô lệ mà ngài quen biết ở Cartagena. Công việc chăm sóc nhân đạo và giảng dạy giáo lý của ngài vẫn tiếp tục được thực hiện trong những ngôi nhà chật hẹp và dơ dáy bẩn thỉu, nơi các thương nhân lưu giữ nô lệ cho đến khi họ được bán hoặc được đưa đến các bến cảng khác.
Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến nơi mà Thánh Phêrô Claver đã từng sinh sống, làm việc và cuối cùng qua đời vào năm 1654, sau khi mắc phải những căn bệnh tương tự đã xảy ra cho những người dân mà ngài phục vụ, sẽ là một lời nhắc nhở rằng nhân quyền chính là yếu tố quyết định cho quá trình hòa bình của đất nước sau nhiều thập kỷ của cuộc nội chiến.
Hòa bình và hòa giải, Cha Correa nói, sẽ “chỉ có thể xảy ra khi con người thừa nhận phẩm giá cũng như tầm quan trọng của mỗi người như là một con người thực sự, như Thánh Phêrô Claver đã làm”.
Minh Tuệ (theo catholicregister.org)