Đức Thánh Cha Phanxicô: Chiến tranh có một ‘vực thẳm của cái ác’ ở trung tâm

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến các thành viên của Mạng lưới lập pháp Công giáo quốc tế (ICLN) cùng với gia đình của họ tại Hội trường Clementine của Điện Tông Tòa, Vatican, ngày 24 tháng 8 (Ảnh: truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến các thành viên của Mạng lưới lập pháp Công giáo quốc tế (ICLN) cùng với gia đình của họ tại Hội trường Clementine của Điện Tông Tòa, Vatican, ngày 24 tháng 8 (Ảnh: truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi trung tâm của chiến tranh là “vực thẳm của tội ác” trong cuộc gặp gỡ với các chính trị gia và các nhà lập pháp Công giáo tại Vatican hôm thứ Bảy, ngày 24 tháng 8.

“Lương tâm chúng ta không thể không bị lay động trước cảnh chết chóc và tàn phá diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu ngày 24 tháng 8 về nhiều cuộc xung đột bạo lực đang diễn ra trên khắp thế giới.

“Chúng ta cần lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, của ‘những góa phụ và những đứa trẻ côi cút’ mà Kinh Thánh nhắc đến”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “để thấy được vực thẳm của cái ác ở trung tâm của chiến tranh và quyết tâm bằng mọi cách có thể để lựa chọn hòa bình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến chủ đề chiến tranh trong buổi tiếp kiến ​​các thành viên của Mạng lưới lập pháp Công giáo quốc tế (ICLN) tại Hội trường Clementine của Điện Tông Tòa.

Đức Thánh Cha cho biết điều cấp thiết là phải từ bỏ chiến tranh như một cách thích hợp để giải quyết các cuộc xung đột quốc tế và thiết lập hòa bình, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp Công giáo cũng như tất cả những người nam nữ có thiện chí “xây dựng một thế giới — nhằm vun đắp một vùng đất màu mỡ xanh tốt — được đánh dấu bởi tình huynh đệ, công lý và hòa bình”.

ICLN đã hội kiến Đức Thánh Cha Phanxicô khi họ tổ chức cuộc họp thường niên lần thứ 15 tại các thành phố Rôma và Frascati của Ý (ở vùng ngoại ô phía đông nam của Rôma), từ ngày 22 đến 25 tháng 8. Chủ đề của cuộc họp là “Thế giới trong cảnh chiến tranh: Các cuộc khủng hoảng và xung đột thường trực — Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta?”.

Sứ mạng của Mạng lưới lập pháp Công giáo quốc tế là giúp các Kitô hữu nắm giữ chức vụ công thực hiện việc “lãnh đạo có đạo đức và hiệu quả, cam kết bảo vệ phẩm giá của tất cả mọi người”.

Thánh Thomas More là Quan Thầy của nhóm, các thành viên của nhóm phải cổ võ Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo trong đời sống chính trị. Đức Tổng Giám mục Địa phận Vienna, Đức Hồng y Christoph Schönborn, là người bảo trợ danh dự của mạng lưới này.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn Thông điệp Fratelli Tutti’ năm 2020 của ngài về tình huynh đệ, trong đó nói rằng “Chiến tranh là sự thất bại của chính trị và của nhân loại, là sự đầu hàng đáng xấu hổ, là sự thất bại đau đớn trước các thế lực của sự dữ”.

Đức Thánh Cha cũng than phiền về tình trạng ngày càng thiếu sự phân biệt giữa các mục tiêu quân sự và dân sự cũng như khả năng hủy diệt quy mô lớn của các loại vũ khí hiện đại.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra của “một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, “đang đe dọa nghiêm trọng những nỗ lực kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế, trước hết là thông qua ngoại giao đa phương, nhằm khuyến khích hợp tác giải quyết những bất công nghiêm trọng và những thách thức xã hội, kinh tế và môi trường cấp bách mà gia đình nhân loại đang phải đối mặt”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng cần phải kiên nhẫn và bền bỉ “trong việc theo đuổi con đường hòa bình, bất kể lúc nào, thông qua đàm phán, hòa giải và trọng tài phân xử”.

Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng, với tư cách là những người Kitô hữu, chúng ta nhận thấy rằng gốc rễ của xung đột trong một xã hội có thể được tìm thấy “trong một cuộc xung đột sâu sắc hơn hiện diện trong trái tim con người”.

“Đôi khi xung đột là không thể tránh khỏi, nhưng chúng chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả trong tinh thần đối thoại và nhạy bén với người khác và lý do của họ, và trong cam kết chung đối với công lý trong việc theo đuổi công ích”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha mời gọi các nhà lập pháp Công giáo hãy làm chứng cho niềm hy vọng trong một “thế giới mệt nhoài vì chiến tranh”, đặc biệt là thế hệ tiếp theo.

“Chớ gì sự cam kết của anh chị em đối với công ích, được thúc đẩy bởi sự tin tưởng vào lời hứa của Chúa Kitô, trở thành tấm gương cho những người trẻ của chúng ta”, Đức Thánh Cha khuyến khích. “Điều quan trọng là họ phải nhìn thấy những kiểu mẫu của hy vọng và chủ nghĩa lý tưởng trái ngược với những thông điệp bi quan và hoài nghi mà họ thường xuyên phải tiếp xúc”.

fra2139 fra2223 sfo5978-1 sfo6152

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết