Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng Chân Phước Carlo Acutis cho những người trẻ thấy rằng “cuộc sống viên mãn” trong thế giới ngày nay chính là việc theo Chúa Giêsu.
Phát biểu trước những người hành hương Công giáo đến từ Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan và Iceland vào ngày 3 tháng 2, Đức Thánh Cha đã chia sẻ một thông điệp đặc biệt dành cho những người trẻ tuổi, đề cập đến Chân Phước Carlo Acutis, người sắp được tuyên phong hiển thánh như một mẫu gương về tinh thần môn đệ tràn ngập niềm vui.
“Trong khuôn khổ các sự kiện của năm nay, vào ngày 27 tháng 4, chúng ta sẽ cử hành lễ tuyên phong hiển thánh cho Chân Phước Carlo Acutis”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Vị thánh trẻ tuổi này của thời đại chúng ta cho các bạn và tất cả chúng ta thấy rằng trong thế giới ngày nay, những người trẻ tuổi có thể noi theo Chúa Giêsu, chia sẻ những Giáo huấn của Người với người khác và do đó tìm thấy sự trọn vẹn của cuộc sống trong niềm vui, sự tự do và thánh thiện”.
Sau đó, Đức Thánh Cha thúc giục những người Công giáo trẻ tuổi hãy nắm lấy vai trò của mình trong Giáo hội, trích dẫn Tông Huấn Christus Vivit: “Nguyện xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các bạn… Giáo hội cần động lực, trực giác và đức tin của các bạn. Chúng tôi cần những điều đó!”
Buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha với nhóm hành hương do Hội đồng Giám mục Bắc Âu tổ chức là một trong nhiều buổi tiếp kiến như vậy dành cho vị Giáo hoàng 88 tuổi trong năm nay khi những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về Rôma để tham dự Năm Thánh 2025.
Suy ngẫm về chủ đề của Năm Thánh – “Những người Hành hương của niềm Hy vọng” – Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích các tín hữu Công giáo Scandinavia củng cố đức tin của mình.
“Vậy thì tôi cầu nguyện rằng niềm hy vọng của anh chị em sẽ được củng cố trong những ngày này”, Đức Thánh Cha nói. “Chắc hẳn anh chị em đã nhận thức được những dấu chỉ hy vọng ở quê hương của mình, vì Giáo hội tại đất nước anh chị em, tuy nhỏ bé, nhưng đang phát triển về số lượng”.
Theo National Catholic Register, đối tác tin tức liên kết của CNA, bất chấp mức độ tục hóa cao, Giáo hội Công giáo ở các nước Bắc Âu vẫn tiếp tục mở rộng, đạt mức tăng trưởng hàng năm 2% do nhập cư, trở lại đạo và các cộng đồng phát triển.
Đức Thánh Cha cho rằng sự gia tăng này là nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa.
“Nó luôn phát triển”, ngài nói. “Chúng ta có thể cảm tạ Thiên Chúa Toàn năng vì những hạt giống đức tin được gieo trồng và tưới mát ở đó bởi nhiều thế hệ mục tử và người dân kiên trì đang đơm hoa kết trái. Chúng ta cũng không nên ngạc nhiên về điều này, vì Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa của Người!”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở những người hành hương rằng cuộc hành trình của họ không kết thúc ở Rôma mà là một phần trong cam kết trọn đời đối với việc truyền giáo và loan báo Tin Mừng.
“Khi anh chị em viếng thăm các thánh địa khác nhau ở Thành phố Vĩnh cửu, đặc biệt là phần mộ của hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, tôi cũng cầu nguyện để đức tin của anh chị em vào Chúa Giêsu và nhận thức của anh chị em về việc thuộc về Người và về nhau trong sự hiệp thông của Giáo hội sẽ được nuôi dưỡng và được đào sâu hơn”, Đức Thánh Cha nói.
Ngài kêu gọi những người hành hương mang tinh thần của cuộc hành trình trở về quê hương, đồng thời nhấn mạnh rằng đức tin đồng nghĩa với việc phải chia sẻ với người khác.
“Một cuộc hành hương không kết thúc mà chuyển trọng tâm của nó sang ‘cuộc hành hương của người môn đệ’ hằng ngày và lời kêu gọi kiên trì trong nhiệm vụ truyền giáo”, Đức Thánh Cha nói. “Về vấn đề này, tôi muốn khuyến khích các cộng đồng Công giáo năng động của anh chị em cùng cộng tác với những người Kitô hữu khác, vì trong thời điểm đầy thử thách này, bị chiến tranh tàn phá ở châu Âu và trên khắp thế giới, gia đình nhân loại của chúng ta cần một chứng tá thống nhất cho sự hòa giải, sự chữa lành và hòa bình mà chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa”.
“Không có ‘công việc’ nào lớn lao hơn việc loan truyền sứ điệp cứu độ của Tin Mừng cho người khác, và chúng ta được mời gọi làm điều này đặc biệt cho những người bị gạt ra bên lề”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết.
Minh Tuệ (theo CNA)