Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Các Kitô hữu ngoài Công giáo cũng có các vị Tử đạo’

(Ảnh: Antoine Mekary/ ALETEIA)

(Ảnh: Antoine Mekary/ ALETEIA)

Phát biểu trước các thành viên của một hội nghị tại Bộ Tuyên Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi tinh thần môn đệ hoàn hảo của các vị Tử đạo thuộc mọi giáo phái.

“Để tuyên phong Chân Phước cho một vị Tử đạo, không cần phép lạ. Chỉ cần tử đạo là đủ… do đó chúng ta tiết kiệm được một ít thời gian… và giấy tờ, và tiền bạc…”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói bông đùa, ám chỉ việc nghiên cứu các nguyên nhân tử đạo, thường đòi hỏi phải phân tích nghiêm ngặt các phép lạ được báo cáo. Đức Thánh Cha đã phát biểu trong buổi tiếp kiến các tham dự viên tham dự một hội nghị do Bộ Phong Thánh tổ chức về các vị Tử đạo vào ngày 14 tháng 11 năm 2024.

“Nơi Thập giá của Chúa Kitô hiện diện một cách trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, có lòng thương xót vô biên của Người. Việc nên thánh không chỉ đòi hỏi nỗ lực của con người hay cam kết cá nhân để hy sinh và từ bỏ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Trước hết, chúng ta phải để cho mình được biến đổi bởi sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, vốn trổi vượt hơn chúng ta và khiến chúng ta có khả năng yêu thương vượt xa những gì chúng ta nghĩ mình có thể làm được”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh hai con đường khác nhau để có thể nên thánh: tử đạo và hiến dâng mạng sống, đồng thời nhấn mạnh việc những trường hợp này thường giúp nối lại quan hệ gần nhau hơn giữa các Giáo hội Kitô giáo, vì tín đồ của mọi giáo phái đều tìm thấy “sự bình đẳng” trong việc tử đạo, tức là chết vì đức tin Kitô giáo của mình.

Trên thực tế, Bộ Phong Thánh đã tổ chức hội nghị học thuật thường niên về chủ đề “Không có tình yêu nào lớn hơn. Tử đạo và Hiến dâng sự sống” tại Rôma từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 11 năm 2024. Đối với Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập “Ủy ban các vị Tử đạo mới – Những Chứng nhân Đức tin”, mà ngài đã đề cập nhiều lần trong bài phát biểu của mình. Mục đích của cơ quan gồm 15 thành viên này là lập một “danh mục” các Kitô hữu thuộc mọi giáo phái đã chết vì đức tin của họ, từ năm 2000 đến nay, nhưng Án phong Chân Phước của họ vẫn chưa được mở tại Rôma.

Các vị Tử đạo là những môn đệ hoàn hảo

“Nơi các vị tử đạo, chúng ta thấy được những nét đặc trưng của người môn đệ hoàn hảo, người đã noi gương Chúa Kitô từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình, và được biến đổi bởi lòng bác ái, đã cho mọi người thấy sức mạnh cứu độ của Thập giá của Người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Ví dụ, Đức Thánh Cha đã nhắc đến 21 vị tử đạo Kitô giáo, bao gồm 20 Kitô hữu Chính thống giáo Coptic, đã bị ISIS giết hại vào năm 2015 tại Libya. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa họ vào Danh sách các vị Tử đạo Rôma vào tháng 5 năm 2023.

“Họ chết khi nói ‘Giêsu’. ‘Nhưng, lạy Cha, họ là các Kitô hữu Chính thống!’. Họ là những người Kitô hữu. Họ là những vị tử đạo, và Giáo hội tôn kính họ như những vị tử đạo của riêng họ. Với sự tử đạo có sự bình đẳng”, Đức Thánh Cha nói. Ngài cũng đặt bài phát biểu đã chuẩn bị của mình sang một bên để làm nổi bật các vị tử  đạo Anh giáo ở Uganda. Từ năm 1885 đến năm 1887, 22 tín hữu Công giáo và 23 vị tử đạo Anh giáo đã bị hành quyết vì đức tin của họ, theo lệnh của Vua Mwanga xứ Buganda.

“Ngay cả ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới, vẫn có nhiều vị tử đạo đã hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô”, ngài nhấn mạnh. “Trong nhiều trường hợp, Kitô giáo bị bách hại vì, được thúc đẩy bởi đức tin vào Thiên Chúa, các  Kitô hữu bảo vệ công lý, sự thật, hòa bình, phẩm giá con người. […] Và có rất nhiều, rất nhiều người thuộc các giáo phái khác, là những vị tử đạo”.

Đức Thánh Cha cũng giải thích ba yếu tố mà Giáo hội đã định nghĩa là “cơ bản” để một người được coi là tử đạo: thứ nhất là người đó phải chịu cái chết khắc nghiệt và nhanh chóng để tránh chối bỏ đức tin của mình; thứ hai là việc bị giết hại là do lòng căm thù đức tin hoặc các nhân đức liên quan đến đức tin; và thứ ba là nạn nhân phải có “thái độ bác ái, kiên nhẫn, hiền lành, noi gương Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Sự dâng hiến cuộc đời của một người

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh một con đường khác để nên thánh, đó là “những người, được lòng bác ái của Chúa Kitô thúc đẩy, đã tự nguyện hiến dâng mạng sống của mình, chấp nhận một cái chết chắc chắn và sắp xảy ra”. Đức Thánh Cha đã thiết lập phạm trù mới này trong một Tự sắc được công bố vào tháng 7 năm 2017.

“Vì đây là vấn đề xác định một đường hướng mới cho các Án phong Chân Phước và phong Thánh, nên tôi đã xác định rằng phải có mối liên hệ giữa việc hiến dâng mạng sống và cái chết nhanh chóng, rằng người Tôi Tớ Chúa đã thực hành các nhân đức Kitô giáo ít nhất ở mức độ bình thường, và đặc biệt sau khi qua đời, được bao quanh bởi danh tiếng của sự thánh thiện và các dấu chỉ của nó”, Đức Thánh Cha giải thích.

“Điều làm nên sự khác biệt của sự hiến dâng mạng sống, trong đó không có hình ảnh kẻ bách hại, là sự tồn tại của một điều kiện bên ngoài, tình trạng có thể đánh giá một cách khách quan mà người môn đệ Chúa Kitô tự do đặt mình vào và dẫn đến cái chết”, Đức Thánh Cha tiếp tục. “Ngay cả trong chứng tá phi thường của hình thức của sự thánh thiện này, vẻ đẹp của đời sống Kitô hữu, có khả năng tự biến mình thành món quà vô hạn, giống như Chúa Giêsu trên thập giá, tỏa sáng”.

Minh Tuệ (theo Aleteia)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết