“Xin đừng để bất kỳ nhà thờ Kitô giáo nào bị hủy bỏ trực tiếp hay gián tiếp: không được đụng đến các nhà thờ”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu về luật của Ukraine cấm Giáo hội Chính thống giáo Nga, được Tổng thống Volodymyr Zelenskyy ký vào ngày 24 tháng 8, ngày độc lập của Ukraine.
“Tôi tiếp tục theo dõi cuộc chiến ở Ukraine và Liên bang Nga với sự buồn phiền”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với du khách và những người hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật, ngày 25 tháng 8.
Nhưng, Đức Thánh Cha nói, “khi nghĩ đến các quy định pháp lý mới được thông qua tại Ukraine, một sự lo sợ nảy sinh đối với sự tự do của những người cầu nguyện, bởi vì những người thực sự cầu nguyện luôn cầu nguyện cho tất cả mọi người. Một người chẳng làm điều gì sai trai vì người đó cầu nguyện”.
Các nhà lập pháp Ukraine đã thông qua một dự luật vào ngày 20 tháng 8 nhằm cấm Giáo hội Chính thống giáo Nga và các chi nhánh của Giáo hội này tại Ukraine. Luật này yêu cầu Giáo hội Chính thống giáo Ukraine liên kết với Tòa Thượng phụ Moscow phải cắt đứt mọi quan hệ với Giáo hội Chính thống giáo Nga hoặc phải đối mặt với một quá trình dẫn đến việc giải tán Giáo hội này.
Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill ở Moscow đã công khai chúc phúc cho cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Ukraine và liên tục trình bày ý thức hệ “Thế giới Nga” hay “Russkii Mir”, coi Ukraine là một phần trong phạm vi ảnh hưởng về tôn giáo, văn hóa và chính trị của Nga.
Phát biểu tại Vatican hôm Chúa nhật, ngày 25 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: “Nếu ai đó phạm tội ác với dân tộc mình, người đó sẽ phải chịu tội, nhưng người đó không thể phạm tội chỉ vì người đó cầu nguyện”.
“Những ai muốn cầu nguyện thì có thể cầu nguyện trong nhà thờ mà họ coi là thuộc về họ”, Đức Thánh Cha nói. “Xin đừng để bất kỳ nhà thờ Kitô giáo nào bị hủy bỏ trực tiếp hay gián tiếp: không được đụng đến các nhà thờ”.
Đại sứ quán Ukraine tại Tòa Thánh, trong một tuyên bố được đăng vài giờ sau đó trên X, cho biết sự bận tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô “là vô căn cứ. Luật này không hề liên quan đến ‘quyền tự do của những người cầu nguyện'”.
Thay vào đó, dòng Tweet tiếp tục, luật này nhằm mục đích “thiết lập những hạn chế hợp lý và logic cần thiết trong một xã hội dân chủ” để bảo vệ quốc gia “đang phải đối mặt với sự xâm lược trên diện rộng của một quốc gia lợi dụng nhà thờ, đặc biệt là Giáo hội Chính thống giáo Nga — cả ở Nga lẫn thông qua các chi nhánh của Giáo hội ở Ukraine — như một vũ khí và một bệ phóng xâm lược không chỉ chống lại Ukraine mà còn chống lại thế giới văn minh”.
Ukraine “tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc về tự do lương tâm và tôn giáo”, bài đăng của đại sứ quán cho biết.
Dịch vụ thông tin tôn giáo của Ukraine (RISU), được thành lập tại Đại học Công giáo Ukraine ở Lviv, đã đưa tin vào ngày 21 tháng 8 rằng Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, cho biết luật này “không phải là lệnh cấm đối với Giáo hội, mà là biện pháp bảo vệ khỏi nguy cơ lợi dụng tôn giáo như một vũ khí”.
Theo Đức Tổng Giám mục Shevchuk, RISU viết, luật này nhằm mục đích “bảo vệ môi trường tôn giáo của Ukraine khỏi việc công cụ hóa và quân sự hóa tôn giáo, vốn đã trở thành đặc điểm trong các hoạt động của Giáo hội Chính thống giáo Nga trong bối cảnh chiến tranh”.
RISU cũng trích dẫn lời Viktor Yelensky, người đứng đầu Cơ quan Nhà nước về Chính sách Dân tộc và Tự do Lương tâm của Ukraine, cho biết một khi ban lãnh đạo của Giáo hội Chính thống giáo Ukraine-Tòa Thượng phụ Moscow cắt đứt quan hệ với Moscow, họ có thể hợp nhất với Giáo hội Chính thống giáo Ukraine, được Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople công nhận, hoặc có thể tự xác định vị thế Giáo luật của mình.
Ông Yelensky cho biết ông đã trò chuyện với Đức Tổng Giám mục Onufriy thuộc Giáo hội liên kết với Moscow, và “Tôi nói với vị Giám chức rằng chúng tôi không yêu cầu ngài gia nhập một Giáo hội khác. Tôi nói rằng chúng tôi không yêu cầu chuyển sang một lịch mới, v.v., chúng tôi chỉ đang nói về việc cắt đứt quan hệ với Moscow”, RISU đưa tin.
Minh Tuệ (theo America)