Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng về ‘sự khác biệt đã được hòa giải’ với các Kitô hữu Chính thống giáo và Tin lành

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón những người hành hương tại buổi tiếp kiến chung tại Vatican, thứ Tư, ngày 16 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibáñez/ CNA)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón những người hành hương tại buổi tiếp kiến chung tại Vatican, thứ Tư, ngày 16 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibáñez/ CNA)

Đức Thánh Cha đã bày tỏ hy vọng về “những sự khác biệt đã được hòa giải” giữa các Kitô hữu Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 16 tháng 10, đồng thời suy ngẫm về cuộc tranh luận về “Filioque” kéo dài hàng thế kỷ đã chia rẽ các Kitô hữu Tây phương và Đông phương.

Trong bài chia sẻ Giáo lý về Chúa Thánh Thần vào ngày 16 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy ngẫm về những lời trong Kinh Tin Kính Nicea: “Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống, Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra”. Bản kinh ban đầu được thông qua tại Công đồng Nicea I vào năm 325, Kinh Tin Kính Nicea được các tín hữu Công giáo đọc trong Thánh lễ Chúa nhật.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng việc sau này thêm vào cụm từ “Filioque”, tiếng Latin có nghĩa là “và bởi Chúa Con” trong Kinh Tin Kính, đã gây ra một cuộc tranh cãi vốn “là lý do hoặc cái cớ cho rất nhiều sự tranh cãi và chia rẽ giữa Giáo hội Đông phương và Giáo hội Tây phương”.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói thêm rằng “bầu khí đối thoại giữa hai Giáo hội đã mất đi sự gay gắt trong quá khứ và ngày nay cho phép chúng ta hy vọng vào sự đón nhận lẫn nhau hoàn toàn, như một trong những ‘sự khác biệt chính đã được hòa giải’”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua những tranh chấp trong quá khứ, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết và hòa giải giữa các Kitô hữu bất chấp những khác biệt của họ. “Tôi thích nói điều này: ‘Những khác biệt đã được hòa giải'”, Đức Thánh Cha nói.

“Giữa những người Kitô hữu, có nhiều điểm khác biệt: Người này theo trường phái này, người kia theo trường phái kia; người này là Tin Lành, người kia thì… Điều quan trọng là những điểm khác biệt này được hòa giải trong sự yêu thương của việc đồng hành cùng với nhau”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Những bình luận của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra khi Đặc phái viên hòa bình được chỉ định của ngài là Đức Hồng y Matteo Zuppi kết thúc chuyến đi tới Moscow, nơi ngài đã gặp gỡ một thành viên cấp cao của Giáo hội Chính thống giáo Nga, Đức Tổng Giám mục Anthony thuộc Địa phận Volokolamsk, người đứng đầu Phân bộ Quan hệ Đối ngoại thuộc Tòa Thượng phụ Moscow của Chính thống Nga.

Hơn một chục nhà lãnh đạo Chính thống giáo và Tin lành cũng đã có mặt tại Rôma trong tháng này với tư cách là “Đại biểu huynh đệ” trong hội nghị Thượng Hội đồng đang diễn ra, bao gồm đại diện của Tòa Thượng phụ Alexandria và toàn Châu Phi, Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Syria tại Antioch, Liên đoàn Lutheran thế giới và Hội nghị Mennonite thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống” và đồng thời nhấn mạnh rằng chân lý này có thể liên kết các Kitô hữu ngày nay. “Sau khi vượt qua chướng ngại này, ngày hôm nay chúng ta có thể trân trọng đặc quyền quan trọng nhất đối với chúng ta được công bố trong tín điều của Kinh Tin Kính, cụ thể là Chúa Thánh Thần ‘ban sự sống’, Ngài là ‘Đấng ban sự sống’”, Đức Thánh Cha nói.

Trong bài suy niệm, Đức Thánh Cha đã mô tả về câu chuyện về việc sáng tạo trong Sách Sáng Thế, hơi thở của Thiên Chúa đã mang lại sự sống cho Adam, biến một bức tượng đất sét thành một “sinh vật sống”.

“Giờ đây, trong sự sáng tạo mới, Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho các tín hữu sự sống mới, sự sống của Chúa Kitô, một sự sống siêu nhiên, với tư cách là con cái của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích. Ngài trích dẫn Thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma 8:2: “Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần trao ban sự sống vĩnh cửu, vốn là nguồn hy vọng lớn lao.

“Tin vui mừng lớn lao và an ủi nhất cho chúng ta trong tất cả những điều này là gì? Đó là sự sống mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta là sự sống vĩnh cửu”, Đức Thánh Cha nói.

“Đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi kinh hoàng khi phải thừa nhận rằng mọi thứ đều kết thúc ở đây, rằng không có sự cứu chuộc nào cho sự đau khổ và bất công đang thống trị trên trái đất này”. Trích dẫn Rô-ma 8:11, Đức Thánh Cha nói thêm: “Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới”.

“Chúng ta hãy vun trồng đức tin này cho cả những người, thường không phải do lỗi của họ, thiếu đức tin và phải đấu tranh để tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống. Và chúng ta đừng quên tạ ơn Đấng, qua cái chết của Người, đã ban tặng cho chúng ta món quà vô giá này”, Đức Thánh Cha chia sẻ thêm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào đến những người hành hương từ Anh, Pháp, Brazil, Ba Lan, Đan Mạch, Na Uy, Nam Phi, Ấn Độ, Kuwait, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Canada và Hoa Kỳ đến tham dự buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã một lần nữa kêu gọi hòa bình trên thế giới, thúc giục mọi người đừng quên cầu nguyện cho các quốc gia đang lâm cảnh chiến tranh.

“Chúng ta đừng quên Ukraine, Palestine, Israel, Myanmar đang bị chiến tranh tàn phá”, Đức Thánh Cha nói. “Anh chị em than mến, chúng ta hãy nhớ rằng chiến tranh luôn luôn, luôn luôn là một sự thất bại. Chúng ta đừng quên điều này, và chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình và nỗ lực dấn than cho hòa bình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đưa ra lời khuyên cho một nhóm thanh thiếu niên trong đám đông vừa mới lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.

“Các bạn trẻ thân mến, hãy mở lòng đón nhận sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để trở thành những chứng nhân can đảm của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha nói.

DB1CCA46-F053-4D1C-B166-BFAB59233178 BF9A700E-E10B-4F86-A65F-52964CCAFA41 7DC6A13E-12B9-422A-B5C8-F7C156D1ED79
Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết