
Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ xuất hiện trong Thánh lễ cầu nguyện cho Bệnh nhân và Nhân viên chăm sóc sức khỏe vào Chúa nhật, ngày 6 tháng 4 năm 2025, đeo ống thông mũi để bổ sung oxy trong khi ngài tiếp tục hồi phục sau căn bệnh viêm phổi kép (Ảnh: Daniel Ibañez/EWTN News)
Trong khi vẫn đang hồi phục sau căn bệnh viêm phổi khiến ngài phải nằm viện gần 40 ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất ngờ xuất hiện tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa nhật, ngày 6 tháng 4, nhân dịp Năm Thánh dành cho Bệnh nhân, chia sẻ những suy tư sâu sắc về sự đau khổ, sự chăm sóc và sức mạnh biến đổi của bệnh tật.
Đeo ống thông mũi để cung cấp oxy bổ sung, Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên xe lăn cùng với một y tá.
Hàng trăm tín hữu đã tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 6 tháng 4 và nồng nhiệt chào đón ngài vào khoảng 11:45 sáng giờ địa phương.
Trong bài giảng của mình nhân dịp Năm Thánh dành cho Bệnh nhân và Nhân viên chăm sóc sức khỏe, được Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella đọc to khi Đức Thánh Cha tiếp tục quá trình hồi phục, Đức Phanxicô đã lấy cảm hứng từ Tiên tri Isaia và bài đọc Tin Mừng trong ngày để khám phá chiều kích tâm linh của bệnh tật và sự chữa lành.
Đức Thánh Cha nói rằng “giường bệnh có thể trở thành ‘nơi thánh thiêng’ của sự cứu rỗi và cứu chuộc, cho cả bệnh nhân lẫn những người chăm sóc họ”.
“Tôi có nhiều điểm chung với anh chị em vào thời điểm này của cuộc đời tôi, những anh chị đang đau yếu bệnh tật em thân mến: trải nghiệm về bệnh tật, về sự yếu đuối, về việc phải phụ thuộc vào người khác trong rất nhiều việc và cần sự hỗ trợ của họ”, Đức Thánh Cha nói.
“Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đây là ngôi trường mà chúng ta học cách yêu thương và để mình được yêu thương mỗi ngày, mà không đòi hỏi hay kháng cự, không hối tiếc và không tuyệt vọng, mà tạ ơn Chúa và cám ơn anh chị em mình về lòng tốt mà chúng ta nhận được, hướng tới tương lai với sự đón nhận và tin tưởng”.
Vị Giáo hoàng 88 tuổi đã mời gọi các tín hữu chiêm nghiệm về tình cảnh lưu vong của người Israel, như Tiên tri Isaia đã mô tả. “Dường như đã mất hết tất cả mọi thứ”, Đức Thánh Cha lưu ý, nhưng đồng thời cũng cho biết thêm rằng chính trong khoảnh khắc thử thách này, “một dân tộc mới đang được sinh ra”. Đức Thánh Cha đã kết nối trải nghiệm trong Kinh Thánh này với người phụ nữ trong bài đọc Tin Mừng Chúa nhật, người đã bị lên án và bị xa lánh vì tội lỗi của mình.
Những người cáo buộc chị, vốn đã chuẩn bị ném viên đá đầu tiên, đã bị ngăn chặn bởi thẩm quyền thầm lặng của Chúa Giêsu, bài giảng của Đức Thánh Cha giải thích.
Khi so sánh những câu chuyện này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không đợi cuộc sống của chúng ta hoàn hảo mới can thiệp.
“Bệnh tật chắc chắn là một trong những thử thách khắc nghiệt và khó khăn nhất của cuộc sống, khi chúng ta trải nghiệm nơi chính thân xác của mình sự yếu đuối chung của thân phận con người. Nó có thể khiến chúng ta cảm thấy giống như những người lưu vong, hoặc giống như người phụ nữ trong Tin Mừng: bị tước mất niềm hy vọng cho tương lai”, theo nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha.
“Nhưng không phải vậy. Ngay cả trong những thời điểm này, Thiên Chúa không để chúng ta đơn độc, và nếu chúng ta phó thác cuộc sống của mình cho Người, chính khi sức lực của chúng ta suy yếu, chúng ta sẽ có thể trải nghiệm sự an ủi từ sự hiện diện của Người. Bằng cách mặc lấy thân phận con người, Người muốn chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta trong mọi sự”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm ơn tất cả những người làm công tác chăm sóc sức khỏe vì sự phục vụ của họ trong một đoạn văn đặc biệt cảm động: “Các bác sĩ, y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe thân mến, khi chăm sóc các bệnh nhân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, Thiên Chúa liên tục ban cho anh chị em cơ hội để đổi mới cuộc sống của mình thông qua lòng biết ơn, lòng thương xót và hy vọng”.
Đức Thánh Cha khuyến khích họ tiếp nhận mọi bệnh nhân như một cơ hội để đổi mới cảm thức về lòng nhân đạo của họ. Những lời của ngài thừa nhận những thách thức mà nhân viên y tế phải đối mặt, bao gồm điều kiện làm việc không đầy đủ và thậm chí là những trường hợp xâm phạm họ.
Kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha nhắc lại Thông điệp Spe Salvi của Đức Giáo hoàng Benedict XVI, người đã nhắc nhở Giáo hội rằng “thước đo thực sự của nhân loại được xác định dựa trên sự đau khổ”. Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo, với những lời của vị tiền nhiệm của mình, rằng “một xã hội không thể chấp nhận những thành viên đau khổ của mình quả là một xã hội tàn ác và vô nhân đạo”.
Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hiện diện hãy chống lại cám dỗ gạt ra ngoài lề và quên lãng những người già cả, những người bệnh tật hoặc những người đang phải chịu đựng những khó khăn của cuộc sống: “Anh chị em thân mến, chúng ta đừng loại trừ khỏi cuộc sống của mình những người yếu đuối, như đôi khi, thật đáng buồn, một số não trạng hiện nay đang làm”.
‘Tôi cảm nhận được bàn tay của Thiên Chúa’
Trong bài phát biểu ngắn gọn sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình: “Anh chị em thân mến, trong thời gian nằm viện, ngay cả lúc này đây trong thời gian dưỡng bệnh, tôi cảm nhận được ‘bàn tay của Thiên Chúa’ và cảm nghiệm về sự chăm sóc của Người”.
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cầu nguyện cho tất cả những người đang đau khổ và cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, thúc giục đầu tư vào các nguồn lực cần thiết cho việc chăm sóc và nghiên cứu, để hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể toàn diện và chăm sóc những người yếu đuối và nghèo khổ nhất.
Đức Thánh Cha kết thúc bài phát biểu bằng lời kêu gọi hòa bình tại các khu vực xung đột, bao gồm Ukraine, Gaza, Trung Đông, Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Myanmar và Haiti.
Tòa Thánh hiện vẫn chưa bình luận về việc liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có tham dự các nghi lễ Tuần Thánh hay không, trong khi văn phòng báo chí Vatican chỉ ra rằng “còn quá sớm để thảo luận về vấn đề này” và đảm bảo rằng các thông tin chi tiết hơn sẽ được cung cấp sau.
Minh Tuệ (theo CNA)