Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi người lao động phải được bảo vệ đúng mức tại nơi làm việc, đồng thời lên án khi họ bị đối xử như ‘những phụ tùng thay thế’ và trao phó họ cho Thánh Giuse, khi ngài phát biểu với các thành viên của Hiệp hội Quốc gia Ý dành cho những người bị thương hoặc tàn tật tại nơi làm việc (ANMIL) tại Vatican.
Nơi làm việc phải an toàn cho người lao động và những người lao động đó phải được chăm sóc và bảo vệ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh vào sáng thứ Hai khi ngài tiếp các thành viên của Hiệp hội Người lao động bị thương Ý (ANMIL) tại Vatican.
Trong khi hoan nghênh Hiệp hội vì những nỗ lực thúc đẩy sự an toàn tại nơi làm việc và hỗ trợ các nạn nhân tai nạn lao động và gia đình họ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh trách nhiệm to lớn của người sử dụng lao động, đồng thời lên án khi vì lợi nhuận mà người ta làm việc một cách vội vã hoặc cẩu thả hoặc phớt lờ các quy tắc, luật lệ, hoặc khi một người cố gắng tự bào chữa lương tâm hoặc hình ảnh của mình với công việc từ thiện.
Sự điên rồ của chiến tranh
Chào mừng các thành viên ANMIL nhân kỷ niệm 80 năm thành lập hiệp hội của họ, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng năm 1943 là một “năm quyết định” đối với Ý trong Thế chiến thứ hai.
“Các bạn đã thực hiện những bước đi đầu tiên trong bối cảnh đó, điều này nhắc nhở chúng ta rằng mọi cuộc xung đột vũ trang đều kéo theo vô số người bị thương tích”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời than phiền rằng “thậm chí ngay cả hiện nay” điều này vẫn xảy ra, vì “sự điên rồ của chiến tranh” khiến dân chúng phải phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
“Ngay cả khi xung đột đã kết thúc”, Đức Thánh Cha nói, “những đống đỏ nát vẫn còn”, ngay cả “trong thân xác và trái tim”, đồng thời lưu ý rằng “hòa bình phải được xây dựng lại từng ngày, từng năm, thông qua việc bảo vệ và thăng tiến sự sống cũng như phẩm giá của nó, bắt đầu từ những người yếu thế nhất và bắt đầu từ những người thiệt thòi nhất”.
Những cái chết liên quan đến lao động giống như một bản tin chiến tranh
Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn hiệp hội người lao động vì đã thu hút sự chú ý đến vấn đề an toàn tại nơi làm việc, “nơi vẫn còn xảy ra quá nhiều cái chết và sự bất hạnh”.
Đặc biệt, Đức Thánh Cha ca ngợi những sáng kiến của họ nhằm cải thiện luật dân sự về tai nạn lao động và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. “Thật vậy, đây không chỉ là vấn đề đảm bảo phúc lợi và chăm sóc an sinh xã hội phù hợp cho những người bị khuyết tật”, Đức Thánh Cha nói, “mà còn tạo cơ hội mới cho những người có thể tái hòa nhập và phẩm giá của họ cần được công nhận đầy đủ”.
Đức Thánh Cha cũng khuyến khích họ tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng về các chính sách phòng ngừa tai nạn và an toàn, đặc biệt có lợi cho phụ nữ và thanh thiếu niên, đồng thời ngài cũng than phiền về những thảm kịch đang diễn ra tại nơi làm việc, mặc dù đã có công nghệ để tăng cường sự an toàn.
“Đôi khi nó giống như một bản tin chiến tranh”, Đức Thánh Cha nói.
Bi kịch, Đức Thánh Cha nhận xét, “bắt đầu khi mục tiêu không còn là con người nữa mà là năng suất, và con người trở thành cỗ máy sản xuất”.
Với suy nghĩ này, Đức Thánh Cha gọi cam kết của họ trong việc giáo dục và huấn luyện người lao động, người sử dụng lao động và xã hội là “rất quan trọng”.
“An toàn tại nơi làm việc giống như không khí chúng ta hít thở: chúng ta chỉ nhận ra tầm quan trọng của nó khi thiếu nó một cách bi thảm và luôn luôn là quá muộn!”, Đức Thánh Cha lưu ý.
Không thể trở nên quen thuộc với tai nạn lao động
Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể trở nên quen thuộc với những tai nạn tại nơi làm việc, cũng như không thể thờ ơ với chúng”.
“Chúng ta không thể chấp nhận việc lãng phí sinh mạng con người”, Đức Thánh Cha kêu gọi, và đồng thời lưu ý rằng những cái chết và thương tích là một sự bần cùng hóa xã hội bi thảm ảnh hưởng đến tất cả mọi người, chứ không chỉ các công ty hay các gia đình có liên quan”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại tầm quan trọng của luật pháp tốt và được thi hành, nhưng cũng cần phải cùng tồn tại một cách đúng đắn như anh chị em với nhau ở nơi làm việc.
“Người ta không thể nhân danh lợi nhuận lớn hơn”, Đức Thánh Cha khuyến khích, “mà đòi hỏi quá nhiều giờ làm việc, giảm khả năng tập trung hoặc coi các yêu cầu về bảo hiểm hoặc an ninh là những phí tổn không cần thiết và mất thu nhập”.
An toàn lao động là nhiệm vụ trước hết của người sử dụng lao động
Đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, Đức Thánh Cha nói, là “nghĩa vụ trước hết” của người sử dụng lao động và đồng thời bày tỏ sự ghê tởm “khi các doanh nhân hoặc các nhà lập pháp, thay vì đầu tư vào an toàn, lại thích tụ bào chữa lương tâm của mình bằng một số công việc từ thiện”.
Nhiệm vụ đầu tiên của người sử dụng lao động, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “phải là chăm sóc anh chị em của họ”.
Người lao động không phải là ‘những phụ tùng thay thế’
“Chúng ta là những con người chứ không phải những cỗ máy, những con người độc nhất chứ không phải những phụ tùng thay thế”, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra, và đồng thòi cũng cho biết rằng bất chấp điều đó, “nhiều khi một số người lao động lại bị đối xử như những phụ tùng thay thế”.
Con người “phải được đặt trước lợi ích kinh tế”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời nhấn mạnh rằng mỗi người là một món quà cho cộng đồng, và khi ai đó trở nên suy yếu hoặc tàn tật, điều đó “làm tổn thương toàn bộ cơ cấu xã hội”.
“Tôi trao phó tất cả anh chị em cho sự bảo vệ của Thánh Giuse, Đấng bảo trợ cho tất cả người lao động”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bằng việc phó thác những người lao động cho sự bảo vệ của Thánh Giuse, Đấng bảo trợ của người lao động, và Đức Trinh Nữ Maria, đồng thời xin họ cầu nguyện cho ngài.
Thiên Ân (theo Vatican News)