Đức Phanxicô đã thường xuyên lên tiếng phản đối việc làm không an toàn, sự khai thác và sự thiếu niềm hy vọng cho những người trẻ. Tư tưởng của Đức Bergoglio hoàn toàn phù hợp với học thuyết xã hội của Hội thánh từ trước đến nay, và đặt con người vào trung tâm của nền kinh tế.
Một lần nữa, trong Thánh Lễ cử hành tại Nhà Thánh Martha vào thứ Năm 19/5 vừa qua, Đức Phanxicô nói về lao động nô dịch; đặc biệt ngài nhấn mạnh các điều kiện của những người – nhất là giới trẻ – bị buộc phải chấp nhận mức lương không công bằng, phải làm việc nhiều giờ và phải chịu những hình thức khai thác cực đoan chỉ để có được việc làm. Đức Thánh Cha trích dẫn Thư Thánh Giacôbê Tông đồ: “Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh”.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha trích đoạn Sách Thánh đặc biệt này. Chúng ta cũng tìm thấy nó trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, tại số 187, trong đó ngài nhấn mạnh Giáo hội cần phải nghe “tiếng kêu” của người nghèo, thấu hiểu nhu cầu của họ về công lý, và đồng thời, như ngài lặp đi lặp lại trong các bài giảng tại Nhà Thánh Martha, sự giàu có vô độ và tham lam quá mức sẽ quay lại biến kẻ giàu trở thành kẻ khai thác người khác, thành một thứ ‘đỉa hút máu” như chính Đức Giáo hoàng nói.
Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đặc biệt nhạy cảm đối với vấn đề lao động cũng như đối với mối tương quan quân bình và hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động, và ngài bảo vệ vai trò của các tổ chức công đoàn, tiền lương công bằng và những nhân quyền cơ bản. Đối với các vấn đề đó, ngài là người hoàn toàn trung thành với toàn bộ học thuyết xã hội của Giáo hội như nó đã được bắt đầu hình thành từ đầu những năm 1900 cho đến nay, và đặc biệt là với các giáo huấn của các Đức Giáo hoàng gần đây, kể từ Đức Phaolô VI.
Chắc chắn nền đào tạo, kinh nghiệm cuộc sống và những dấn thân mục vụ đã làm cho Đức Bergoglio cảm thấy rất gần gũi với các thành phần xã hội vốn chỉ nhờ lao động mà được giải thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực và khỏi các hình thức khác nhau của chế độ nô lệ hiện đại như ma túy, buôn bán người di cư, mại dâm, bị bỏ rơi và cô thân tất bạt. Hơn một lần, khi nói về những người trẻ, Đức Thánh Cha đã nêu lên vấn đề công việc lao động không an toàn. Mặt khác, Đức Bergoglio lập luận, tương lai của xã hội cũng như cơ hội cho những người trẻ tuổi bắt đầu xây dựng một gia đình và có thể nuôi dạy con cái, những điều đó phụ thuộc vào sự chắc chắn của một công việc ổn định và được trả lương xứng hợp. Đây là lý do tại sao Đức Phanxicô đứng đối lập với một nền kinh tế đã thay đổi từ hiện thực đến chỗ hoàn toàn là tài chính, đầu cơ, có khả năng tiêu diệt một doanh nghiệp hoặc chôn vùi một quốc gia bằng cách đầu tư thị trường chứng khoán, kìm hãm những ai dễ bị tổn thương nhất, dẫn đến nợ nần và việc thanh toán không bao giờ cùng của những cuộc đầu tư lớn lao.
Chủ đề việc làm an toàn tái xuất hiện nhiều lần trong các bài phát biểu của Đức Thánh Cha. Ví dụ, ngày 17 tháng Tư, trong giờ kinh Truyền Tin, ngài khẳng định: “Tôi gần gũi với đông đảo các gia đình của những người đang lo lắng về các vấn đề lao động. Đặc biệt, tôi nghĩ về tình hình bấp bênh của các công nhân người Ý. Tôi hy vọng rằng chính phẩm giá của con người, chứ không phải các lợi nhuận đặc biệt, sẽ luôn luôn vượt thắng trên mọi thứ khác”. Những lời ngài đã nói với các doanh nhân của Confindustria, Tổng Liên đoàn Công nghiệp Ý tham dự cuộc triều kiến tại Đại thính đường Phaolo VI ngày 27/2/2016, cũng rất đáng chú ý. Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha nói về sự cần thiết phải cùng nhau làm việc trong kinh doanh, phải tạo ra một mạng lưới chứ không dựa vào thiên tài đơn độc của một cá nhân duy nhất, và phải đưa con người vào trung tâm của các hoạt động kinh tế. Hôm ấy, Đức Giáo hoàng cũng hỏi: “Và chúng ta có thể nói gì về tất cả những người lao động tiềm năng, đặc biệt là những người trẻ, phải chịu cảnh sống bấp bênh hoặc thất nghiệp lâu dài, không được thử sức với các công việc mà họ có thể làm, với một mức lương xứng hợp và với nhân phẩm mà đôi khi họ cảm thấy bị khinh thường?”. Thế hệ trẻ, lời Đức Thánh Cha, cần được hy vọng.
Chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đến Turino vào tháng Sáu năm 2015 cũng rất đáng chú ý. Đức Phanxicô, khi đến thủ phủ của vùng Piedmont để kính viếng tấm Khăn Liệm nổi tiếng, cũng đã gặp thế giới lao động. Đức Giáo Hoàng nói với các doanh nghiệp và những người lao động: “Đầu tiên và trước hết, tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người trẻ, những người đang thất nghiệp, những người đã bị mất việc làm hay những người không có việc làm bảo đảm, cũng như với các doanh nhân, các thợ thủ công và tất cả những người lao động trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là những người đang phải đấu tranh một cách vô cùng khó khăn để tiến về phía trước”. Ngài thêm: “Việc làm không chỉ cần thiết đối với nền kinh tế, mà còn đối với nhân vị, đối với nhân phẩm, đối với tư cách công dân, cũng như đối với sự hòa nhập xã hội của một con người.”
Đề cập đến quyền lợi của người lao động không phải là điều mới mẻ trong giáo huấn của Giáo hội, tuy nhiên, việc chú ý nhiều đến sự an toàn trong công việc làm và đến sự thất nghiệp gây trì trệ với một tương lai không chắc chắn và thường là ảm đạm cho các thế hệ mới, chính là những yếu tố quay ngược kim đồng hồ, trở về với thời kỳ trước khi có những thành tựu của các phong trào công nhân mà Giáo hội vốn ủng hộ. Vì lý do đó, có lẽ cũng rất hữu ích nếu chúng ta quay về với những tư tưởng được trình bày trong Rerum Novarum, một thông điệp xã hội của Đức Lêô XIII vào năm 1891, trong đó xác định các thông số cho việc thiết lập một thỏa thuận công bằng giữa chủ doanh nghiệp và người lao động của ông ta. Đức Lêô XIII viết: Trong bối cảnh này, chúng ta phải luôn luôn chấp nhận rằng “đòi buộc của sự công bình tự nhiên có tính bó buộc hơn và cổ xưa hơn bất kỳ sự thương lượng nào giữa người với người; cách cụ thể, tiền lương phải đủ để người lao động có một cuộc sống vừa phải và xứng hợp. Nếu vì bị ép buộc hay do sợ hãi một điều kiện tệ hại hơn, mà người lao động buộc phải chấp nhận điều kiện khó khăn bởi vì người sử dụng lao động hoặc nhà thầu không cho anh ta hưởng điều kiện tốt hơn, thì anh ta chính là nạn nhân của sức mạnh và sự bất công.” Ngoài tiền lương, giờ làm việc cũng là một trong số các yếu tố phải được tính toán phù hợp với công lý.
Francesco Peloso
Ngọc Huỳnh chuyển ngữ