
Đức Thánh Cha Lêô XIV phát biểu trước hơn 100 Đại sứ trong một buổi tiếp kiến hôm thứ Sáu, ngày 16 tháng 5 năm 2025, tại Điện Clementine ở Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Lêô XIV nhấn mạnh rằng một xã hội hòa bình có thể được thiết lập nếu các chính phủ biết đầu tư vào gia đình “được xây dựng trên sự kết hợp bền vững giữa một người nam và một người nữ”. Đây là bài diễn văn đầu tiên của Đức Thánh Cha Lêô trước các Ngoại giao đoàn được công nhận tại Tòa Thánh.
Tiếp đón hơn 100 vị đại sứ trong buổi tiếp kiến diễn ra tại Điện Clementine trong nội thành Vatican, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng toàn cầu cũng như những chia rẽ sâu sắc giữa “các châu lục, quốc gia và từng xã hội riêng biệt” cần bắt đầu từ gia đình.
“Điều này có thể đạt được trước hết bằng cách đầu tư vào gia đình, được thiết lập trên sự kết hợp bền vững giữa một người nam và một người nữ, ‘một xã hội nhỏ bé nhưng đích thực, và có trước mọi xã hội dân sự’”, Đức Thánh Cha nói, trích dẫn Thông điệp Rerum Novarum.
“Thật vậy, Giáo hội không bao giờ có thể từ chối sứ mạng lên tiếng nói sự thật về con người và thế giới, kể cả khi cần phải dùng đến ngôn từ thẳng thắn có thể ban đầu gây ra sự hiểu lầm”, ngài nhận định.
Trong buổi tiếp kiến vào ngày 16 tháng 5 năm 2025 với các Ngoại giao đoàn được công nhận tại Tòa Thánh, Đức Thánh Cha khẳng định rằng hòa bình, công lý và sự thật là “ba từ ngữ thiết yếu” và là trụ cột trong sứ vụ loan báo Tin Mừng và sứ mạng đối thoại của Giáo hội, cũng như là “mục tiêu của nền ngoại giao Tòa Thánh” đối với các quốc gia và các chủ thể có chủ quyền.
“Từ đầu tiên là hòa bình”, Đức Thánh Cha nói. “Chúng ta thường xuyên chỉ hiểu từ này theo nghĩa tiêu cực, như là sự vắng mặt của chiến tranh và xung đột, trong khi thực tế là sự đối đầu luôn là một phần của bản tính con người, và điều đó thường dẫn đến việc chúng ta sống trong ‘trạng thái xung đột’ thường xuyên — từ gia đình, nơi làm việc đến toàn xã hội.”
Lặp lại sứ điệp hòa bình được ngài nhấn mạnh hôm 8 tháng 5 — ngày ngài được bầu chọn làm Giáo Giáo hoàng — Đức Thánh Cha nói với các vị Đại sứ rằng hòa bình, “món quà đầu tiên của Đức Kitô”, là một “món quà thiết thực và đòi hỏi khắt khe” nhằm xây dựng các mối tương quan.
“Tôi tin rằng các tôn giáo và đối thoại liên tôn có thể tạo ra sự đóng góp nền tảng trong việc nuôi dưỡng một bầu khí hòa bình”, Đức Thánh Cha nói. “Điều này dĩ nhiên đòi hỏi phải tôn trọng đầy đủ tự do tôn giáo ở mọi quốc gia, bởi vì kinh nghiệm tôn giáo là một chiều kích thiết yếu của con người”.
Nói về vấn đề công lý, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng công việc kiến tạo hòa bình trước hết “đòi hỏi cần phải hành động công bằng”.
Ngài nhắc nhở các nhà lãnh đạo chính phủ về trách nhiệm của họ trong việc “xây dựng một xã hội dân sự hài hòa và hòa bình” mà ở đó phẩm giá của từng con người được tôn trọng.
“Không ai được miễn trừ khỏi nỗ lực bảo đảm sự tôn trọng phẩm giá của mọi con người, đặc biệt là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất, từ thai nhi cho đến người cao tuổi, từ bệnh nhân cho đến những người thất nghiệp, bất kể là công dân hay người nhập cư”, Đức Thánh Cha tiếp tục.
Trước thực trạng thế giới đối diện với nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo, Đức Thánh Cha Lêô XIV – người tự nhận mình là “một công dân, hậu duệ của những người di dân, và cũng là người đã chọn con đường di cư” – đồng thời nhấn mạnh rằng mỗi người đều cần và khao khát sự thật, “một chân lý không bao giờ được tách rời khỏi đức ái”.
“Chân lý, vì thế, không gây chia rẽ, nhưng trái lại, giúp chúng ta càng can đảm hơn để đối diện với những thách đố của thời đại, như vấn đề di cư, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách phù hợp với luân lý, và việc bảo vệ trái đất thân yêu của chúng ta”, ngài nói thêm.
Bình luận về những phát biểu của Đức Thánh Cha Lêô XIV liên quan đến vấn đề di cư, Đại sứ Liên minh châu Âu cạnh Tòa Thánh, ông Martin Selmayr, chia sẻ với phóng viên Valentina Di Donato của EWTN News rằng việc Đức Thánh Cha đặt “vấn đề di cư và nhập cư trong cùng một bối cảnh” đã cho thấy rõ thế giới quan Kitô giáo nền tảng của “vị Giáo hoàng đích thực có tầm vóc toàn cầu” của Giáo hội Công giáo về những vấn đề như vậy.
“Ngài đã nói về phẩm giá của tất cả mọi người trong xã hội, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất”, ông Selmayr nhận định. “Tôi cho rằng Tông Hiệu Lêô của ngài và những gì chúng ta chứng kiến hôm nay cho thấy đây là một vị giáo hoàng — theo cảm nhận của tôi — mong muốn đóng một vai trò trên bình diện quốc tế”.

Đức Thánh Cha Lêô XIV chào đón các thành viên của Ngoại giao được công nhận tại Tòa Thánh trong buổi tiếp kiến hôm thứ Sáu, ngày 16 tháng 5 năm 2025, tại Điện Clementine ở Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Về cuối bài diễn văn, Đức Thánh Cha đặc biệt bày tỏ hy vọng đối với hòa bình, công lý và sự thật được bắt đầu từ “những nơi đang chịu đau khổ nặng nề nhất,” cụ thể là tại Ukraine và Thánh Địa.
Sau buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha, Đại sứ Liên bang Nga cạnh Tòa Thánh, ông Ivan Soltanovsky, phát biểu với nhà báo Di Donato rằng Vatican là một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế.
“Vatican chắc chắn là một tác nhân quốc tế rất quan trọng với sức mạnh về đạo đức, chính trị và cả tâm lý — tôi nên nói như vậy”, ông nhận định. “Điều này được toàn thế giới, kể cả Nga, tôn trọng”.
“Chúng tôi trân trọng vai trò của Tòa Thánh trong việc đề xuất khả năng làm trung gian và trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo”, ông nói thêm.
Minh Tuệ (theo CNA)