Đức Thánh Cha Lêô XIV và Triều đại Giáo hoàng mang dấu ấn Augustinô

a9682590-f447-4f26-b8b7-a5d844c942ed

Trong lần xuất hiện đầu tiên với đoàn chiên hoàn vũ, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã nhấn mạnh mối liên hệ sâu xa của ngài với Dòng Thánh Augustinô, nơi ngài tuyên khấn lần đầu vào năm 1977.

“Tôi là một tu sĩ Dòng Augustinô, là con cái của Thánh Augustinô”, Đức Thánh Cha nói, rồi sau đó trích lời vị Thánh Bổn mạng của Dòng: “Với anh em, tôi là một Kitô hữu; vì anh em, tôi là một Giám mục”.

Linh đạo Augustinô đã âm thầm trở thành nền tảng xuyên suốt những ngày đầu của triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV, người từng là Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Augustinô từ năm 2001 đến 2013. Bằng chứng rõ ràng nhất có thể thấy trong bài giảng đầu tiên ngài trong Thánh lễ với Hồng y Đoàn vào sáng hôm sau ngày được bầu chọn, một bài giảng thấm đượm tư tưởng, linh đạo và thần học của Thánh Augustinô.

Những chủ đề nổi bật trong các bài giảng và diễn từ đầu tiên của Đức Thánh Cha Lêô tiếp tục phản ánh rõ ảnh hưởng của linh đạo Augustinô, đặc biệt là sự quy hướng lấy Đức Kitô làm trung tâm (Christocentrism), sự quan tâm đến tinh thần hiệp nhất và hòa bình, cùng với một tầm nhìn mang tinh thần truyền giáo.

Sau ngày Đức Thánh Cha Lêô được bầu chọn, người ta ghi nhận rằng ngài đeo một Thánh giá ở ngực – biểu tượng Giám mục được đeo trước ngực – có chứa Thánh tích của 5 mẫu gương thánh thiện trong Dòng Augustinô, bao gồm Thánh Augustinô và thân mẫu của ngài là Thánh Monica; Thánh Tôma thành Villanova – một vị Tổng Giám mục người Tây Ban Nha và là nhà cải cách có ảnh hưởng; Chân Phước Anselmo Polanco – vị tử đạo trong thời nội chiến Tây Ban Nha; và Đấng Đáng kính Giuseppe Menochio – một viên chức tại Giáo triều Rôma, người từng gặp khó khăn vì trung thành với Đức Giáo hoàng thay vì với Napoléon.

Trên hết, Đức Thánh Cha Lêô bày tỏ lòng sùng kính sâu xa đối với Chúa Giêsu Kitô và Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh. Ngài đã nhiều lần nói đến sự cần thiết phải được nên đồng hình đồng dạng và hiệp nhất mật thiết hơn với Chúa Kitô. Trong bài giảng đầu tiên trong Thánh lễ với Hồng y Đoàn vào ngày 9 tháng 5, ngài nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải để “Chúa Kitô lớn lên còn tôi nhỏ lại, làm cho mình trở nên nhỏ bé để Người được nhận biết và tôn vinh (x. Ga 3,30), hiến dâng chính mình đến tận cùng để mọi người có thể có cơ hội nhận biết và yêu mến Người”.

“Chúng ta cũng phải mạnh dạn tuyên xưng như Thánh Phêrô: ‘Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống’ (Mt 16,16)”, Đức Thánh Cha nói.

Trong bài giảng đầu tiên vào Chúa Nhật sau đó với tư cách là Giáo hoàng, trong Thánh lễ cử hành tại phần mộ của Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Lêô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bước theo Chúa Kitô cách mật thiết hơn: “Chính Người ban sự sống cho chúng ta: là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.

Tước hiệu “Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” (Mater Boni Consilii) đã được Đức Giáo hoàng Lêô XIII thêm vào Kinh cầu Đức Bà Loreto năm 1903 – lời kinh cầu xin sự chuyển cầu của Đức Maria dưới nhiều tước hiệu cao cả và quan trọng.

Đức Piô XII – vị Giáo hoàng đương nhiệm lúc Đức Thánh Cha Lêô chào đời – đã phó dâng triều đại Giáo hoàng của ngài cho Đức Mẹ dưới tước hiệu này. Từ bao thế kỷ qua, Dòng Augustinô đã cổ võ lòng sùng kính Đức Maria dưới tước hiệu “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” và trông coi bức Linh ảnh tại Đền thánh Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành ở Genazzano, cách Rôma khoảng một giờ lái xe. Chính tại nơi linh thánh này, nơi Dòng Augustinô chịu trách nhiệm coi sóc từ thế kỷ XIV, Đức Thánh Cha Lêô đã chọn làm điểm đến đầu tiên bên ngoài Vatican vào ngày 10 tháng 5.

“Ngay từ những ngày đầu trong sứ vụ mới là thi hành sứ mạng Người Kế Vị Thánh Phêrô mà Hội Thánh trao phó cho tôi, tôi đã rất ước ao được đến đây”, Đức Thánh Cha nói trước khi rời đền thánh.

Trong sổ ghi ý chỉ tại Đền thánh, Đức Thánh Cha đã viết rằng Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành “đã luôn đồng hành với con trong suốt cuộc đời bằng sự hiện diện từ mẫu của Mẹ, bằng sự khôn ngoan của Mẹ, và bằng gương mẫu tình yêu Mẹ dành cho Chúa Con – Đấng luôn là trung tâm đức tin của con: là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Tạ ơn Mẹ vì sự trợ giúp của Mẹ – xin đồng hành với con trong sứ vụ mới này”.

Lòng sùng kính Đức Maria của Đức tân Giáo hoàng cũng đã được thể hiện nổi bật trong Huy hiệu Giáo hoàng của ngài, nơi quy tụ nhiều yếu tố của linh đạo Augustinô và lòng sùng kính cá nhân. Góc trên bên trái của Huy hiệu có hình hoa huệ trắng trên nền xanh lam – màu truyền thống gắn liền với Đức Maria. Hoa huệ – một biểu tượng Pháp cổ kính về đức khiết tịnh của Đức Mẹ – cũng gợi nhắc đến nguồn gốc Pháp-Canada bên nội của Đức Thánh Cha Lêô XIV.

Góc dưới bên phải của Huy hiệu có nền màu be, mang hình ảnh gợi nhớ đến Dòng Thánh Augustinô: một quyển sách khép lại với Trái tim bị mũi tên xuyên thấu. Quyển sách biểu thị Lời Chúa – mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử – vốn là yếu tố nền tảng trong hành trình hoán cải của Thánh Augustinô. Trên quyển sách là Trái tim không ngơi nghỉ của ngài, như ngài đã diễn tả trong cuốn tự truyện ‘Tự Thuật’. Trái tim bị xuyên thủng bởi mũi tên – tượng trưng cho Lời Thiên Chúa – chính là hình ảnh cuộc hoán cải và sự thỏa mãn mọi khát vọng của ngài.

Khẩu hiệu trong Huy hiệu Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV là “In Illo uno unum” – nghĩa là “Trong Đấng Duy Nhất, chúng ta là một” – trích từ một bài giảng của Thánh Augustinô về Thánh Vịnh 127. Khi chú giải Thánh Vịnh này, Thánh nhân viết: “Khi tôi nói đến các Kitô hữu ở số nhiều, tôi hiểu là một trong Đấng Kitô duy nhất. Anh em tuy nhiều, nhưng là một; chúng ta tuy nhiều, nhưng là một”.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2023, Đức Hồng y Robert F. Prevost khi ấy nói: “Tinh thần hiệp nhất và hiệp thông là một phần của đặc sủng Dòng Thánh Augustinô và cũng là cách hành động và suy nghĩ của tôi… Thúc đẩy sự hiệp nhất và hiệp thông là điều thiết yếu”.

Khẩu hiệu này minh chứng cho vai trò trung tâm của đặc sủng Augustinô trong đời sống thiêng liêng và Sứ vụ Mục tử của Đức Thánh Cha Lêô XIV, cốt lõi là thao thức về sự hiệp nhất và sứ mạng xây dựng sự hiệp thông trong Hội Thánh và trên thế giới. Theo sự quan phòng, trong thời điểm Hội Thánh đang đối mặt với sự chia rẽ, Khẩu hiệu của Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta tránh những điểm khởi đầu giả tạo của sự hiệp nhất – và chỉ nhận ra một điểm khởi đầu đích thực: chính là nơi Đức Giêsu Kitô.

Minh Tuệ (theo The Pilot)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết