
Đức Thánh Cha Lêô XIV gặp gỡ phái đoàn của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople vào ngày 28 tháng 6 năm 2025, tại Vatican (Ảnh: Vatican News)
Đức Thánh Cha Lêô XIV đã tiếp kiến các thành viên thuộc phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Đại kết Chính Thống giáo Đông phương trong buổi tiếp kiến được tổ chức tại Dinh Tông Tòa, Vatican vào ngày 28 tháng 6, nhân dịp mừng Lễ trọng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ vào ngày 29 tháng 6.
Tòa Thượng Phụ Đại kết Constantinople, tọa lạc tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, là trung tâm của Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương Constantinople. Tòa Thượng Phụ này được coi là “primus inter pares” – “đứng đầu trong số những người bình đẳng” – giữa các vị Thượng Phụ của các Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương hiệp thông với nhau.
Phái đoàn do Đức Tổng Giám mục Emmanuel của Chalcedon, Chủ tịch Ủy ban Thượng Hội đồng của Tòa Thượng Phụ Đại kết phụ trách Quan hệ với Giáo hội Công giáo, dẫn đầu. Đồng hành với ngài là 2 Linh mục Aetios và Ieronymos.
Đức Thượng Phụ Bartholomew là Tổng Giám mục đương nhiệm của Constantinople và là Thượng Phụ Đại kết từ ngày 2 tháng 11 năm 1991. Theo truyền thống, hằng năm, phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Đại kết sẽ đến thăm Vatican nhân dịp Lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô.
Tương tự, một phái đoàn của Vatican cũng thường đến Istanbul, thủ đô hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 30 tháng 11 nhân dịp Lễ kính Thánh Anrê, Bổn mạng của Tòa Thượng Phụ Đại kết.
Mục tiêu tái thiết lập sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn giữa hai Giáo hội
Theo Catholic Encyclopedia, vào năm 1054 đã xảy ra “một cuộc tranh chấp đáng buồn nhất”, được biết đến như là cuộc ly khai Đông phương, khiến phần lớn các tín hữu Kitô Đông phương tách khỏi sự hiệp thông với Giáo hội Công giáo, và từ đó hình thành nên Giáo hội Chính Thống.
Đức Thánh Cha Lêô XIV khẳng định ngài có ý định “kiên trì nỗ lực tái thiết lập sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn giữa các Giáo hội của chúng ta”, một mục tiêu mà theo ngài, chỉ có thể đạt được “nhờ ơn Chúa, qua sự dấn thân liên lỉ trong việc lắng nghe đầy tôn trọng và đối thoại huynh đệ”.
“Vì lý do đó, tôi sẵn sàng đón nhận mọi đề nghị mà các huynh đệ có thể đưa ra về vấn đề này, luôn luôn trong tinh thần hiệp thông với các Giám mục huynh đệ trong Giáo hội Công giáo, là những người – mỗi vị theo cách riêng của mình – cùng chia sẻ với tôi trách nhiệm đối với sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của Giáo hội”, Đức Thánh Cha cho biết trong buổi tiếp kiến ngày 28 tháng 6.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ rằng: “Sau nhiều thế kỷ bất đồng và hiểu lầm”, một cuộc đối thoại đích thực giữa hai Giáo hội chỉ trở nên khả thi nhờ những bước đi can đảm và đầy tầm nhìn xa của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Đại kết Athenagoras”.
“Các vị kế nhiệm khả kính của các ngài tại các Giáo phận Rôma và Tòa Thượng Phụ Constantinopolis đã tiếp tục dấn bước trên cùng một con đường hòa giải với sự xác tín, qua đó củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ của chúng ta”.
Đức Thánh Cha Lêô XIV đặc biệt nhấn mạnh “chứng tá của sự gần gũi chân thành” mà Đức Thượng Phụ Bartholomew luôn dành cho Giáo hội Công giáo, điều được thể hiện cách cụ thể qua việc ngài tham dự Thánh lễ an táng Đức cố Giáo hoàng Phanxicô và sau đó là Thánh lễ khởi đầu Sứ vụ của vị tân Giám mục Rôma.
Ngài nhận định rằng việc viếng thăm qua lại của phái đoàn giữa hai bên là “dấu chỉ của sự hiệp thông sâu xa vốn đã hiện diện giữa chúng ta, và là hình ảnh phản chiếu mối dây huynh đệ từng gắn kết hai Thánh Phêrô và Anrê Tông đồ”.
Đức Thánh Cha Lêô XIV đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hiện diện của phái đoàn tại Rôma “nhân dịp trọng đại này”. Đức Thánh Cha xin phái đoàn chuyển lời chào thăm thân ái của ngài đến Đức Thượng Phụ Bartholomew và các thành viên của Thượng hội đồng Chính thống giáo (Holy Synod), cùng với lòng biết ơn vì năm nay Tòa Thượng Phụ một lần nữa đã cử phái đoàn đến Rôma.
“Nguyện xin các Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, Thánh Anrê Tông đồ và Thánh Mẫu Thiên Chúa – Đấng đang sống trong sự hiệp thông trọn vẹn của các Thánh, đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong nỗ lực phục vụ Tin Mừng. Xin cảm ơn quý vị!”, Đức Thánh Cha Lêô nói.
Minh Tuệ (theo CNA)