
Đức Thánh Cha Lêô XIV chia sẻ trong giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày 11 tháng 5, tại Quảng trường Thánh Phêrô (Ảnh:Daniel Ibáñez/ CNA)
“Gửi đến các bạn trẻ, tôi muốn nói: Đừng sợ! Hãy đón nhận lời mời gọi của Giáo hội và Đức Kitô, Chúa chúng ta!”, Đức Thánh Cha Lêô XIV tuyên bố giữa tràng pháo tay vang dội trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng đầu tiên của ngài, khi một đám đông khổng lồ các tín hữu hành hương đầy hân hoan quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa Nhật ngày 11 tháng 5 vừa qua.
Lời kêu gọi đầy tự phát của vị Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Hoa Kỳ đã vang vọng những lời bất hủ của Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1978.
Hôm Chúa Nhật, lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Lêô XIV — trước đám đông ước tính khoảng 100.000 người — được đưa ra trong một bài huấn từ trùng với Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, một dịp mà Đức tân Giáo hoàng gọi là “một món quà từ Thiên Chúa” cho Chúa Nhật khởi đầu Sứ vụ Giám mục Rôma của ngài.
Âm thanh rộn ràng của các ban nhạc diễu hành cùng với niềm vui rạng ngời của đoàn người hành hương đã vang vọng khắp Vatican, trong bầu không khí đầy hân hoan và lễ hội lan tỏa khắp Quảng trường và những con phố lân cận. Các thành viên tham gia sự kiện Năm Thánh Các Ban Nhạc và Nghệ Thuật Đại Chúng – được Đức Thánh Cha đặc biệt chào đón – đã góp phần mang đến những giai điệu tươi vui trong suốt cuộc quy tụ. Dòng người đổ về Quảng trường trong tiết trời xuân ấm áp tại Rôma, xen lẫn những tiếng reo hò tự phát “Viva il Papa!” vang lên không ngớt.
“Tôi xem đó là một món quà từ Thiên Chúa khi Chúa Nhật đầu tiên trong Sứ vụ Giám mục Rôma của tôi lại trùng vào Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Chúa Nhật IV Phục Sinh”, Đức Thánh Cha Lêô XIV chia sẻ, làm dấy lên một đợt vỗ tay nồng nhiệt khác.
“Trong ngày Chúa Nhật này, Giáo hội luôn công bố trong Thánh lễ đoạn Tin Mừng Gioan chương 10, nơi Chúa Giêsu mạc khải chính mình là Vị Mục tử đích thực, Đấng biết và yêu thương đoàn chiên, và hiến mạng sống mình vì chiên”.
Ngài lưu ý rằng Chúa Nhật này cũng là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 62, ngày đặc biệt để toàn thể Giáo hội hiệp lời cầu nguyện cho những ai được mời gọi sống đời tận hiến và Linh mục.
“Hôm nay, anh chị em thân mến, tôi có niềm vui được hiệp ý cầu nguyện với anh chị em và toàn thể Dân Thiên Chúa cho ơn gọi – cách riêng là ơn gọi Linh mục và đời sống thánh hiến. Giáo hội đang rất cần những ơn gọi ấy!”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Lêô XIV đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bạn trẻ có thể tìm thấy nơi cộng đoàn Công giáo “sự đón nhận, lắng nghe và nâng đỡ trên hành trình phân định ơn gọi của mình”, đồng thời có được “những gương mẫu khả tín của lòng quảng đại tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.
Ngài đặc biệt chào mừng những người tham dự Năm Thánh Các Ban Nhạc và Nghệ Thuật Đại Chúng đang diễn ra tại Rôma trong ngày Chúa Nhật. “Tôi thân ái chào tất cả các anh chị em hành hương, và cảm ơn vì qua âm nhạc và những màn trình diễn, anh chị em đã góp phần làm cho ngày Lễ Chúa Chiên Lành thêm rộn ràng”, ngài nói, trong khi các ban nhạc hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô đáp lại bằng những tiết mục ngắn nhưng đầy khí thế.
Nhắc lại Sứ điệp của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi, Đức Thánh Cha Lêô XIV mời gọi các tín hữu Công giáo hãy đón nhận và đồng hành với các bạn trẻ đang phân định tiếng gọi dấn thân.
“Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha trên trời giúp chúng ta biết sống phục vụ lẫn nhau, mỗi người theo bậc sống riêng của mình, trở nên những Mục tử theo lòng Chúa mong muốn, biết nâng đỡ nhau trong tình yêu và chân lý”, ngài nói.
Trong một khoảnh khắc đặc biệt sôi động, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời trực tiếp với giới trẻ: “Gửi đến các bạn trẻ, tôi muốn nói: Đừng sợ! Hãy đón nhận lời mời gọi của Giáo hội và của Đức Kitô, Chúa chúng ta!”, và sau đó đám đông đáp lại bằng tràng pháo tay kéo dài.
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng được đọc thay cho Kinh Truyền Tin trong Mùa Phục Sinh. Đức Thánh Cha Lêô XIV khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria – “Đấng đã đáp lại trọn vẹn lời mời gọi của Thiên Chúa” – đồng hành với mọi người trong hành trình bước theo Chúa Giêsu. Ngài xướng Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng bằng tiếng Latinh với giọng hát du dương, trước khi ban phép lành. Đám đông vỡ òa trong những tiếng hô vang “Viva il Papa!”.
Tiếp đó, Đức Thánh Cha đã nghiêm nghị nhắc đến bi kịch của Thế chiến thứ hai, kết thúc vào ngày 8 tháng 5 năm 1945. “Ngày nay, như Đức cố Giáo hoàng Phanxicô từng nói, chúng ta đang đối diện với một cuộc Thế chiến thứ ba đang âm ỉ xảy ra từng phần”, ngài nói. “Như Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thốt lên: Xin đừng để xay ra chiến tranh nữa!”.
“Trong trái tim tôi luôn ghi khắc sự đau khổ của dân tộc Ukraina, ước mong sao họ tìm được nền hòa bình đích thực và lâu bền”, ngài tiếp tục. Ngài cũng kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Gaza, và đồng thời cầu nguyện cho tất cả những người bị bắt làm con tin được sớm trả tự do. “Tôi cũng vui mừng trước thỏa thuận hòa bình gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan”, Đức Thánh Cha nói, và bày tỏ hy vọng một nền hòa bình lâu dài sẽ được thiết lập.
Đức Thánh Cha Lêô XIV thân ái chào thăm “tất cả anh chị em, các tín hữu tại Rôma và các đoàn hành hương đến từ nhiều quốc gia”, đồng thời gọi đích danh các nước và các nhóm tham dự giữa những tiếng hoan hô vang dội từ Quảng trường Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến dịp Ngày của Mẹ được cử hành tại nhiều quốc gia. “Tôi xin gửi lời chúc mừng đặc biệt đến tất cả các người mẹ, vì tất cả những gì họ đã trao ban cho chúng ta”, ngài nói, và sau đó nhận được những tràng pháo tay ấm áp.
Ngài kết lời cảm ơn mọi người và chúc “Buona Domenica” – một ngày Chúa Nhật an lành. Trước khi rời Quảng trường, Đức Thánh Cha nán lại một lúc để tươi cười, gật đầu và vẫy tay chào đón sự đón tiếp nồng nhiệt từ các tín hữu.
Thánh lễ ban sáng bên mộ Thánh Phêrô
Trước đó trong buổi sáng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã cử hành Thánh lễ tại Hang động Vatican bên dưới Đền thờ Thánh Phêrô, tại bàn thờ gần mộ Thánh Phêrô Tông Đồ. Ngài đồng tế với Cha Alejandro Moral Anton, Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Augustinô. Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha dừng lại cầu nguyện tại phần mộ của các vị tiền nhiệm và đến viếng nơi lưu giữ các dây Pallium – biểu tượng làm bằng len cho sự hiệp thông giữa Đức Giáo hoàng và các Tổng Giám mục Chính tòa trên toàn thế giới.
Minh Tuệ (theo CNA)