Ngày hôm sau Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã gặp gỡ các phái đoàn thuộc các Giáo hội không hiệp thông hoàn toàn, các cộng đoàn Giáo hội, và các truyền thống tôn giáo khác, đồng thời nhắc lại cam kết của vị tiền nhiệm đối với tinh thần đại kết và đối thoại liên tôn.

Đức Thánh Cha Lêô XIV gặp gỡ đại diện của nhiều Giáo hội và tôn giáo khác nhau hôm thứ Hai, ngày 19 tháng 5 năm 2025 (Ảnh @ Truyền thông Vatican)
Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã dành buổi tiếp kiến đặc biệt cho các phái đoàn đại kết và liên tôn đã tham dự Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô trọng thể của ngài.
Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh trọng tâm về tinh thần huynh đệ phổ quát mà Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định, tiếp nối các sáng kiến của các vị tiền nhiệm, đặc biệt là Thánh Gioan XXIII.
“Đức Phanxicô – vị Giáo hoàng của Fratelli Tutti – đã cổ võ cả con đường đại kết lẫn tinh thần đối thoại liên tôn”, Đức Thánh Cha nói, “nhất là bằng cách vun đắp các mối tương quan cá nhân, theo cách thức, không làm suy giảm mối dây hiệp thông trong Hội Thánh, chiều kích nhân bản của cuộc gặp gỡ vẫn luôn được đề cao. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta biết trân quý chứng tá của ngài!”.
Hiệp nhất đích thực là hiệp nhất trong đức tin
Trước hết, khi ngỏ lời với các Giáo hội Kitô khác và các cộng đoàn Giáo hội, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã nhắc đến kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicea, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu “chỉ có thể là sự hiệp nhất trong đức tin”.
Ngài cho biết việc theo đuổi sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình giữa mọi Kitô hữu là một trong những ưu tiên của ngài trên cương vị Giám mục Rôma.
Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng nhắc lại mối liên hệ chặt chẽ giữa tinh thần đại kết và tiến trình hiệp hành, đồng thời khẳng định cam kết tiếp nối Đức cố Giáo hoàng Phanxicô trong việc “thăng tiến đặc tính hiệp hành của Hội Thánh Công giáo”.
Cùng bước đi trên hành trình huynh đệ nhân loại
Khi chuyển sang phát biểu với đại diện các truyền thống tôn giáo ngoài Kitô giáo, Đức Thánh Cha Lêô XIV khẳng định rằng hành trình chung của chúng ta “có thể và cần phải được hiểu là bao gồm tất cả mọi người, trong tinh thần huynh đệ nhân loại”.
“Giờ đây là thời điểm để đối thoại và xây dựng những cầu nối”, Đức Thánh Cha nói.
Một lần nữa, Đức Thánh Cha hướng về vị tiền nhiệm gần nhất của mình, nhắc lại “những nỗ lực phi thường của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô trong việc cổ võ tinh thần đối thoại liên tôn”.
Trích dẫn Văn kiện về Tinh thần Huynh đệ Nhân loại, Đức Thánh Cha Lêô nói: “Qua lời nói và hành động, Đức Phanxicô đã mở ra những lối đi mới cho cuộc gặp gỡ, nhằm cổ võ ‘văn hóa đối thoại như một con đường; sự cộng tác hỗ tương như quy tắc hành xử; và sự hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn’”.
Quan hệ với Do Thái giáo, Hồi giáo và các truyền thống tôn giáo khác
Theo đường hướng được đề ra trong Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II về quan hệ liên tôn, Đức Thánh Cha Lêô cũng nhấn mạnh “di sản thiêng liêng chung giữa Kitô hữu và người Do Thái”, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của đối thoại thần học giữa hai cộng đồng, ngay cả trong bối cảnh của “những xung đột và hiểu lầm”.
Ngài tiếp tục đề cập đến “sự dấn thân ngày càng gia tăng trong đối thoại và tình huynh đệ” đánh dấu quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và người Hồi giáo, đồng thời nhấn mạnh rằng cách tiếp cận dựa trên “sự tôn trọng lẫn nhau và tự do lương tâm” là “nền tảng vững chắc để xây dựng cầu nối giữa các cộng đồng”.
Sau cùng, ngỏ lời với đại diện các tôn giáo khác, bao gồm Ấn giáo, Phật giáo, Kỳ-na giáo và các truyền thống khác, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn vì những đóng góp của họ cho hòa bình “trong một thế giới đang bị thương tích bởi bạo lực và xung đột”.
Đồng thời, ngài bày tỏ hy vọng rằng qua việc hợp tác, các tín hữu thuộc các tôn giáo có thể góp phần nói “không” với chiến tranh, với cuộc chạy đua vũ trang và nền kinh tế bất công; và “sẵn sàng” với hòa bình, với việc giải trừ quân bị và sự phát triển toàn diện.
Xây dựng một thế giới hòa bình hơn
Kết thúc bài phát biểu, Đức Thánh Cha Lêô XIV bày tỏ xác tín rằng “chứng tá về tình huynh đệ của chúng ta… chắc chắn sẽ góp phần xây dựng một thế giới hòa bình hơn, điều mà mọi người có tinh thần thiện chí đều khao khát trong lòng”.
Đức Thánh Cha mời gọi các phái đoàn “cầu xin phúc lành của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta”, và đồng thời cầu nguyện để “xin lòng nhân hậu và sự khôn ngoan vô biên của Người giúp chúng ta sống như con cái của Người và như anh chị em của nhau, để niềm hy vọng được lan tỏa trong thế giới này”.
Thiên Ân (theo Vatican News)