Đức Thánh Cha Lêô XIV: Các nhà phát triển và người dùng trí tuệ nhân tạo cùng chia sẻ trách nhiệm thúc đẩy thiện ích của nhân loại

(Ảnh: LookerStudio/Shutterstock)

(Ảnh: LookerStudio/Shutterstock)

Hôm thứ Năm, trong thông điệp gửi đến các tham dự viên tham gia Hội nghị Thượng đỉnh “AI vì Công ích” năm 2025 đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, Đức Thánh Cha Lêô XIV khẳng định rằng cả những người phát triển lẫn người sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đều cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm các đổi mới công nghệ luôn tôn trọng phẩm giá con người và hướng đến công ích.

“Dù trách nhiệm về việc sử dụng có đạo đức các hệ thống AI khởi đầu từ những người phát triển, quản lý và giám sát chúng, thì những người sử dụng chúng cũng chia sẻ trách nhiệm này”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong thông điệp gửi tới hội nghị toàn cầu đang diễn ra từ ngày 8 đến 11 tháng 7.

Bức thư được Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ký thay mặt Đức Thánh Cha, nhấn mạnh lời kêu gọi của ngài về việc thiết lập “các khuôn khổ pháp lý tập trung vào con người” cũng như việc “quản trị đạo đức đúng đắn” các công nghệ AI ở cả cấp độ địa phương lẫn toàn cầu.

“Nhân loại đang đứng trước ngã ba đường, đối diện với tiềm năng to lớn được tạo ra bởi cuộc cách mạng số do trí tuệ nhân tạo thúc đẩy”, Đức Thánh Cha nói. “Tác động của cuộc cách mạng này vô cùng sâu rộng, đang biến đổi các lĩnh vực như giáo dục, lao động, nghệ thuật, y tế, quản trị, quân sự và truyền thông”.

Dù những tiến bộ toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng hiện có khoảng 2,6 tỷ người sống ở các vùng nông thôn và khu vực có thu nhập thấp vẫn chưa được tiếp cận với những công nghệ truyền thông cơ bản.

“Biến chuyển trọng đại của thời đại này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và khả năng phân định, nhằm bảo đảm rằng trí tuệ nhân tạo được phát triển và sử dụng vì công ích, xây dựng những nhịp cầu đối thoại, cổ võ tình huynh đệ và bảo đảm nó phục vụ lợi ích của toàn thể nhân loại”, Đức Thánh Cha khẳng định.

Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về "AI vì Công ích" tại Geneva (Ảnh: ANSA)

Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về “AI vì Công ích” tại Geneva (Ảnh: ANSA)

Dù AI có thể thực hiện các tác vụ cụ thể, “mô phỏng” lý trí con người hoặc tăng cường sự hỗ trợ hợp tác toàn cầu một cách nhanh chóng và hiệu quả về mặt kỹ thuật, nhưng nó “không thể thay thế khả năng phân định luân lý hay khả năng thiết lập các mối tương quan đích thực”, Đức Thánh Cha cho biết.

“Sau cùng, chúng ta không bao giờ được quên mục tiêu chung là góp phần vào điều mà Thánh Augustinô gọi là tranquillitas ordinis — sự yên bình của trật tự”, Đức Thánh Cha nói, “và cổ võ một trật tự xã hội nhân bản hơn, những cộng đồng công bằng và hoà bình, để phục vụ cho sự phát triển toàn diện của con người và thiện ích của đại gia đình nhân loại”.

Chỉ vài ngày sau khi bắt đầu Sứ vụ Phêrô, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Hồng y Đoàn vào ngày 10 tháng 5, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã gọi AI là “một cuộc cách mạng công nghiệp mới”, có thể “đặt ra những thách đố mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công bằng và lao động”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết