
Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp kiến bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Vatican ngày 30 tháng 6 (Ảnh: Truyền thôngVatican)
Trong một khoảnh khắc quan trọng về mặt ngoại giao và mục vụ, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã tiếp kiến bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và công khai bày tỏ sự mong mỏi sâu xa được đến thăm Việt Nam “trong tương lai gần”.
Tuyên bố này, được đưa ra trong buổi tiếp kiến chính thức tại Điện Tông Tòa, đã khơi dậy niềm hy vọng và phấn khởi nơi cộng đồng Công giáo Việt Nam, những người từ lâu đã ước mong điều tưởng chừng không thể này.
Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy một chuyến Tông du của Đức Giáo hoàng đến Việt Nam có thể trở thành hiện thực — một điều mà trước kia từng được cho là không thể xảy ra.
Trong cuộc gặp gỡ kéo dài 45 phút, Đức Thánh Cha đã nồng nhiệt tiếp đón bà Xuân và phái đoàn. Đức Thánh Cha Lêô nói với Phó chủ tịch nước Việt Nam rằng ngài “thực sự mong muốn” được đến Việt Nam và gặp gỡ trực tiếp các tín hữu nơi đây.
Đáp lại, bà Xuân đã trân trọng gửi lời mời chính thức nhân danh Nhà nước Việt Nam, bà nói: “Đất nước chúng tôi sẽ vinh hạnh được đón tiếp Đức Thánh Cha trong tinh thần hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau”.
Đây là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đương nhiệm công khai bày tỏ mong muốn được đến thăm Việt Nam trong khuôn khổ một cuộc gặp ngoại giao cấp cao, đánh dấu một bước ngoặt có thể có trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, đồng thời làm bùng lên làn sóng hy vọng nơi các tín hữu Công giáo trong nước.
Giấc mơ của hàng triệu người
Qua nhiều thế hệ người Công giáo Việt Nam, niềm hy vọng về một chuyến Tông du của Đức Giáo hoàng đến Việt Nam vẫn luôn âm ỉ — cho đến hôm nay, khi niềm hy vọng ấy dường như đã chạm đến tầm tay.
Tại Việt Nam, nơi người Công giáo chiếm khoảng 7% dân số (tức khoảng 6 triệu người), tin tức về việc Đức Thánh Cha quan tâm đến việc đến thăm họ đã được đón nhận bằng niềm vui và sự mong đợi.
“Cách đây chỉ 10 năm trước thôi, ý tưởng rằng một vị Giáo hoàng sẽ đến Việt Nam còn như một giấc mơ xa vời. Nhưng hôm nay, điều đó chưa bao giờ có vẻ gần hơn thế. Với Thiên Chúa, không gì là không thể — xin ngợi khen Danh Ngài”, ông Gioan Trần Minh, một lãnh đạo giáo dân của một Giáo họ nhỏ ở vùng quê chia sẻ.
Trên các nền tảng mạng xã hội, người Công giáo Việt Nam đã nhanh chóng lan truyền tin vui này, nhiều người xúc động trước cách diễn đạt của Đức Thánh Cha. “Ngài không chỉ đồng ý — mà Ngài còn muốn đến thăm. Điều đó hết sức có ý nghĩa”, một bạn trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook.
Không ít người so sánh chuyến viếng thăm tiềm năng này với các cuộc Tông du lịch sử của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Đông Âu, vốn đã góp phần hàn gắn sự chia rẽ chính trị và troa quyền cho các Giáo hội địa phương trong thời điểm chuyển mình.
Dù Việt Nam và Tòa Thánh chưa thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, nhưng mối quan hệ song phương đã phát triển ổn định trong hai thập kỷ qua.
Năm 2009, Nhóm Công tác Hỗn hợp đã được thành lập nhằm duy trì đối thoại giữa hai bên. Kến đến, vào năm 2011, Tòa Thánh đã bổ nhiệm một Đại diện không thường trú tại Việt Nam — một bước tiến tuy nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa.
Gần đây nhất, vào năm 2023, vị trí này đã được nâng cấp thành Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Hà Nội, một bước ngoặt được nhiều nhà quan sát đánh giá là rất đáng kể.
Những nỗ lực này đã góp phần xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
Trong chuyến thăm Vatican, bà Xuân cũng đã gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh về Quan hệ với Các Quốc gia. Bà tái khẳng định thiện chí của Việt Nam trong việc hỗ trợ hoạt động của Đại diện Tòa Thánh tại Hà Nội và tiếp tục thúc đẩy tiến trình đối thoại.
Một chuyến viếng thăm có thể đi vào lịch sử
Nếu chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Thánh Cha Lêô XIV thực sự diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo hoàng đặt chân đến mảnh đất này. Đối với nhiều người Công giáo Việt Nam, điều đó mang ý nghĩa to lớn.
Đây sẽ là dấu chỉ đầy sức mạnh cho thấy Giáo hội không quên họ, và Đức Thánh Cha thực sự muốn gần gũi với đoàn chiên của mình, dù họ ở bất cứ nơi đâu.
Nhưng vượt trên ý nghĩa biểu tượng, chuyến thăm còn có thể mang lại những tác động cụ thể.
Sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ là nguồn khích lệ lớn lao cho Giáo hội địa phương, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và phục vụ người nghèo. Đây cũng là cơ hội mở ra những hướng hợp tác mới giữa các cộng đồng tôn giáo và các tổ chức công.
Sự hiện diện của Đức Giáo hoàng cũng có thể gửi đi một thông điệp tích cực về hòa hợp tôn giáo trong một quốc gia có nhiều truyền thống tín ngưỡng khác nhau.
Ở một góc nhìn rộng hơn, sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với Việt Nam cũng phản ánh đường hướng ngoại giao âm thầm nhưng kiên định của Tòa Thánh tại châu Á. Thay vì những bài diễn văn hùng hồn hay những tuyên bố chính trị, Tòa Thánh thường xây dựng những nhịp cầu qua các mối quan hệ, sự hiện diện và những cử chỉ trực tiếp.
Chính điều đó làm cho khoảnh khắc này trở nên quan trọng — không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với toàn thể Giáo hội trong khu vực.
Hướng về phía trước
Giờ đây, người Công giáo Việt Nam hiệp lời cầu nguyện và đặt trọn niềm hy vọng rằng ước muốn chân thành của Đức Thánh Cha Lêô sẽ sớm trở thành hiện thực. Mặc dù Tòa Thánh chưa xác nhận thời điểm cụ thể, cả hai bên đều cam kết tiếp tục tiến trình đối thoại thông qua các kênh hiện có.
Khi toàn thể Giáo hội đang bước vào một kỷ nguyên Hiệp hành mới, việc Đức Thánh Cha Lêô XIV mở rộng cánh tay Mục tử đến với Việt Nam là một thông điệp rõ ràng và cảm động: không cộng đoàn nào quá xa, không dân tộc nào bị lãng quên.
“Đức Thánh Cha muốn đến thăm. Chỉ điều đó thôi cũng đã là một hồng ân”, một Nữ tu tại Hà Nội chia sẻ. “Giờ đây, chúng ta cùng nhau chuẩn bị tâm hồn để đón ngài”.
** Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm biên tập chính thức của UCA News.
Minh Tuệ (theo UCA News)