Đức Thánh Cha Lêô kêu gọi “con đường dẫn đến sự hiệp nhất” trong cuộc gặp gỡ nhóm hành hương Chính thống giáo và Công giáo đến từ Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha Lêô XIV chụp ảnh cùng nhóm hành hương trong chuyến hành hương đại kết Chính thống giáo-Công giáo do Đức Hồng y Joseph Tobin (trái) và Đức Tổng giám mục Elpidophoros (phải) dẫn đầu tại Castel Gandolfo ở Ý vào ngày 17 tháng 7 năm 2025 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Lêô XIV chụp ảnh cùng với nhóm hành hương trong chuyến hành hương đại kết Chính thống giáo-Công giáo do Đức Hồng y Joseph Tobin (trái) và Đức Tổng giám mục Elpidophoros (phải) dẫn đầu tại Castel Gandolfo ở Ý vào ngày 17 tháng 7 năm 2025 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Lêô XIV đã cam kết sẽ nỗ lực “theo đuổi con đường hiệp nhất và bác ái huynh đệ” trong một cuộc gặp gỡ tại Castel Gandolfo với các giáo sĩ Chính thống giáo và Công giáo đến từ Hoa Kỳ.

Các giáo sĩ đã tham gia cuộc hành hương “Từ Rôma đến Rôma mới” và bao gồm 50  người hành hương Chính thống giáo Hy Lạp, Công giáo Byzantine và Công giáo La Mã từ Hoa Kỳ, trong đó có Đức Tổng giám mục Chính thống giáo Hy Lạp Elpidophoros của Hoa Kỳ và Đức Hồng y Joseph Tobin, Tổng Giám mục Newark, New Jersey.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Đại kết Nicaea. Công đồng Đại kết đầu tiên diễn ra vào năm 325, và chống lại tà thuyết Arian, vốn phủ nhận Thiên tính đích thực của Chúa Giêsu Kitô. Năm nay cũng là một trong số ít năm mà cả Giáo hội Tây phương lẫn Giáo hội Đông phương đều mừng Lễ Phục Sinh vào cùng một ngày.

Đức Thánh Cha Lêô cho biết việc cuộc hành hương đánh dấu kỷ niệm Công đồng Nicaea là sự kiện “có ý nghĩa”.

“Biểu tượng Đức tin được các Giáo phụ Công đồng thông qua– cùng với những bổ sung được thực hiện tại Công đồng Constantinople năm 381 –  vẫn là di sản chung của tất cả mọi Kitô hữu, đối với nhiều người trong số họ, Kinh Tin Kính là một phần không thể thiếu trong các buổi cử hành phụng vụ của họ”, Đức Thánh Cha Lêô nói, và ngài cũng cho biết thêm rằng quả là “một sự trùng hợp ngẫu nhiên” khi Lễ Phục Sinh năm nay lại trùng vào cùng một ngày trong cả hai lịch được các Giáo hội Đông phương lẫn Tây phương sử dụng.

Đức Thánh Cha nói rằng bài hoan ca Alleluia Phục Sinh “Chúa Kitô đã phục sinh! Ngài thực sự đã phục sinh!” tuyên bố rằng bóng tối của tội lỗi và sự chết “đã bị đánh bại bởi Chiên Con đã bị giết, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

“Điều này khơi dậy trong chúng ta niềm hy vọng lớn lao, bởi vì chúng ta ý thức rằng không một tiếng kêu nào của những nạn nhân vô tội của bạo lực, không một tiếng than khóc nào của những người mẹ thương tiếc con mình sẽ bị phớt lờ. Niềm hy vọng của chúng ta đặt nơi Thiên Chúa, nhưng chính vì chúng ta luôn kín múc từ nguồn ân sủng vô tận của Người, nên chúng ta được kêu gọi trở thành những chứng nhân và những người mang hy vọng”, Đức Thánh Cha Lêô nói.

“Tại Rôma, anh chị em đã dành thời gian cầu nguyện bên mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ. Nhân dịp anh chị em đến thăm Tòa Thượng phụ Constantinople, tôi xin anh chị em chuyển lời chào và vòng tay bình an của tôi đến Đức Thượng Phụ Bartholomew, Hiền huynh khả kính của tôi, người đã rất vui lòng tham dự Thánh lễ khai mạc triều đại Giáo hoàng của tôi. Tôi hy vọng sẽ được gặp lại anh chị em trong vài tháng tới để tham dự lễ kỷ niệm Công đồng Đại kết Nicaea”, ngài nói tiếp.

Đức Thánh Cha Lêô cũng đã nói về sự chia rẽ giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo diễn ra vào năm 1054, khi Đức Giáo hoàng ở Rôma – tình cờ có Tông Hiệu là Lêô IX – và Đức Thượng phụ Constantinople đã rút phép thông công lẫn nhau.

Đức Thánh Cha Lêô nói với những người hành hương rằng chuyến viếng thăm của họ là một trong những “thành quả phong phú của phong trào đại kết nhằm khôi phục sự hiệp nhất trọn vẹn giữa tất cả các môn đệ của Chúa Kitô”, và đồng thời lưu ý rằng vào ngày 7 tháng 12 năm 1965 – đêm trước khi bế mạc Công đồng Vatican II – Thánh Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras đã ký Tuyên bố chung bãi bỏ các án vạ tuyệt thông sau các sự kiện năm 1054.

“Trước đó, một cuộc hành hương như của anh chị em có lẽ thậm chí còn không thể thực hiện được. Công trình của Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong tâm hồn sự sẵn sàng bước đi như một dấu chỉ tiên tri về sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình. Về phần mình, chúng ta cũng phải tiếp tục cầu xin Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi, ban ơn để theo đuổi con đường hiệp nhất và bác ái huynh đệ”, Đức Thánh Cha nói.

“Rôma, Constantinople và tất cả các Giáo hội khác không được kêu gọi tranh giành quyền tối thượng, kẻo chúng ta có nguy cơ rơi vào tình trạng giống như các Tông đồ, trên đường đi, ngay cả khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn sắp tới của Người, đã tranh cãi xem ai trong số họ là người cao trọng nhất”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng trong Tông sắc công bố Năm Thánh 2025, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã lưu ý rằng “Năm Thánh cũng sẽ hướng dẫn chúng ta tiến tới một biến cố quan trọng khác dành cho tất cả mọi Kitô hữu: Năm 2033 sẽ đánh dấu kỷ niệm 2000 năm Ơn Cứu Độ được thực hiện qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu”.

Về mặt thiêng liêng, Đức Thánh Cha Lêô nói, tất cả mọi Kitô hữu cần phải “trở về Giêrusalem, Thành phố Hòa bình, nơi mà Phêrô, Anrê và tất cả các Tông đồ, sau khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn và phục sinh, đã nhận được Chúa Thánh Thần vào Lễ Ngũ Tuần, và từ đó làm chứng về Chúa Kitô cho đến tận cùng trái đất”.

“Chớ gì việc trở về với cội nguồn đức tin của chúng ta giúp tất cả chúng ta cảm nghiệm được món quà an ủi của Thiên Chúa và giúp chúng ta có khả năng, giống như người Samari nhân hậu, đổ dầu an ủi và rượu vui mừng cho nhân loại thời đại ngày hôm nay”, Đức Thánh Cha Lêô nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết