Sáng nay, 24/6, Đức Thánh Cha đã lên đường viếng thăm Armenia, trong chuyến tông du quốc tế lần thứ 14 của ngài. Cuộc viếng thăm sẽ kéo dài 3 ngày và 2 đêm, tức là sẽ kết thúc vào Chúa Nhật 26/6.
Armenia là quốc gia đầu tiên trở thành Kitô hữu, và vẫn đang bị tan nát bởi bóng tối của một quá khứ khủng khiếp: cuộc thảm sát có hệ thống một triệu rưỡi người, diễn ra một trăm năm trước đây, bởi người Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa kể những căng thẳng vẫn còn tồn tại ở biên giới với Thổ Nhĩ kỳ, và những căng thẳng với Azerbaijan trong việc kiểm soát Nagorno-Karabakh, vùng đất mà dân cư chủ yếu là người Armenia. Trong thực tế, gần một nửa ngân sách quốc gia Armenia đang được dành cho chi phí của Bộ Quốc phòng và các loại vũ khí được sử dụng để bảo vệ biên giới. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế, đất nước Armenia đang lâm vào tình trạng bi đát.
Đức Giáo hoàng thực hiện chuyến tông du này trong tâm thế một người bạn của Armenia.
Trọng tâm của chuyến tông du sẽ trước hết là một mục tiêu đại kết: thể hiện sự gần gũi và hợp tác với Giáo hội Armenia do Đức Catholicos Karekin II lãnh đạo.
Sáng thứ bảy 25/6, Đức Thánh Cha sẽ thăm “Tzitzernakaberd Memorial Complex”, đài tưởng niệm sự kiện “Đại Ác”, tức là nạn diệt chủng người Armenia năm 1915. Tháng 4 năm 2015 Đức Phanxicô đã muốn kỷ niệm một trăm năm cuộc diệt chủng Armenia với một buổi lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô. Vào dịp đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn Tuyên bố chung được ký bởi Đức Gioan Phaolô II và Đức Karekin II vào năm 2001, gọi cuộc diệt chủng Armenia là “cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ XX”, cho dù những lời đó đã gây căng thẳng ngoại giao trầm trọng giữa Thổ Nhĩ kỳ và Vatican. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, như trái ngược với Đức Giáo hoàng Wojtyla, không bao giờ sử dụng từ “diệt chủng” trong trường hợp này.
Cuối chuyến tông du, vào ngày chủ nhật, theo thông báo, sẽ có thể diễn ra việc ký kết một Tuyên bố chung giữa Đức Phanxicô và Đức Karekin II.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Cha Lombardi – người phát ngôn của Vatican, đã nói rằng “trong hiện tại” bản tuyên bố đó không nằm trong dự kiến. Đó là khả năng không đạt được sự thỏa thuận về các từ ngữ sử dụng để nói về sự kiện “Đại Ác”. Các nhà chức trách Armenia, trong thực tế, hy vọng một sự trực tiếp và rõ ràng lên án Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Đức Giáo hoàng, với những gì đang xảy ra ở Trung Đông và hoàn cảnh của những người tị nạn, không muốn đổ thêm dầu vào lửa: cuộc tông du là một hành động tôn giáo chứ không phải chính trị. Và việc nhắc nhớ vụ thảm sát người Armenia sẽ được thực hiện trước hết trong lời cầu nguyện.
Tâm Thành tổng hợp