Đức Thánh Cha cho biết đâu là lời giải thích chính xác Amoris Laetitia.
Các giám mục vùng Buenos Aires gửi cho các linh mục thuộc quyền một tài liệu về sự hòa nhập những người ly dị tái hôn (với sự cho phép lãnh nhận các bí tích trong từng trường hợp). Đức Phanxicô đã viết một lá thư chúc mừng, rằng: bản văn “rất tốt” và “thể hiện đầy đủ ý nghĩa của Chương VIII” của Tông huấn.
“Bản văn rất tốt và thể hiện đầy đủ ý nghĩa của Chương VIII của Amoris Laetitia. Không có những cách hiểu khác”. Trong một bức thư gửi cho các giám mục khu vực Buenos Aires, lần đầu tiên, Đức Giáo hoàng nêu rõ ý kiến của mình về việc giải thích đúng đắn Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng về gia đình.
Như mọi người đều biết, chương thứ tám của Tông huấn nói về việc hòa nhập các gia đình “đã bị tổn thương”, không hợp luật, bằng cách mời gọi hướng đến một tiến trình phân định tùy theo những câu chuyện cá nhân riêng biệt thay vì đi sâu vào việc giải nố hay những điểm đặc biệt về luật lệ. Tiến trình hòa nhập đó có thể dẫn đến việc những người ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích.
Tông huấn Amoris Laetitia đã được giải thích theo nhiều cách thức rất khác nhau. Một số người cho rằng Tông huấn đã không đưa ra bất cứ sự thay đổi nào so với kỷ luật vẫn được áp dụng trước đây.
Đức Giáo hoàng đã trả lời khi nói về điều này trong chuyến bay trở về Roma từ đảo Lesbos, tháng Tư vừa qua. Được hỏi liệu người tín hữu có thể có cơ may thực sự mới để lãnh nhận các bí tích – những cơ may đã không hề có trước khi công bố Amoris Laetitia – hay không, Đức Giáo hoàng đã trả lời: “Tôi có thể nói rằng ‘có’. Nhưng đó chỉ là một câu trả lời quá đơn giản. Tôi khuyên tất cả các bạn đọc bài trình bày về Tông huấn Amoris Laetitia của Đức Hồng y Schönborn, một nhà thần học lớn”.
Tài liệu của các giám mục vùng Buenos Aires đã được gửi cho các giáo sĩ vào đầu tháng Chín dưới hình thức một lá thư cung cấp cho các linh mục những tiêu chí nhất định liên quan đến chương thứ tám của Tông huấn, đặc biệt là về khả năng những người ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích.
Trước tiên, tài liệu nói rằng không nên nói về “sự cho phép” lãnh nhận các bí tích, mà phải nói về một tiến trình phân định – đồng hành của vị mục tử. Đó là một tiến trình trong đó “vị mục tử phải nhấn mạnh lời rao giảng tiên khởi, kerygma, khởi động hoặc làm mới cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô”. “Việc đồng hành mục vụ” này đòi hỏi vị linh mục diễn tả “dung mạo hiền mẫu của Giáo hội”, bằng cách chấp nhận “ý hướng sám hối” và “ý định tốt lành muốn đặt toàn bộ cuộc sống mình trong ánh sáng của Tin Mừng và việc thực hành bác ái”. Cuộc hành trình này ‘không nhất thiết dẫn đến các bí tích, nhưng có thể hướng đến các hình thức hội nhập lớn hơn trong đời sống Giáo Hội: một sự hiện diện lớn hơn trong cộng đồng, sự tham gia các nhóm cầu nguyện, tham gia các việc phục vụ khác nhau trong Giáo hội”.
Trong điểm thứ năm của tài liệu, các giám mục vùng Buenos Aires giải thích: “Khi các hoàn cảnh cụ thể của một cặp vợ chồng cho phép, đặc biệt là khi cả hai đều là Kitô hữu với hành trình đức tin, chúng ta có thể đề xuất các cam kết sống tiết dục”, trong khi vẫn “mở ra khả năng lãnh nhận bí tích hòa giải khi họ sai lỗi trong vấn đề này.” Lựa chọn này đã có sẵn trong các giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II.
Trong đoạn tiếp theo, các giám mục giải thích rằng, trong trường hợp “của các hoàn cảnh khác phức tạp hơn, và khi không thể có được một tuyên bố tiêu hôn, chọn lựa được đề cập (tức là sự tiết dục) có thể không khả thi. Mặc dù vậy, cũng có thể có một tiến trình phân định. Nếu ngươi ta đi đến chỗ nhận ra rằng, trong một số trường hợp cụ thể, có những giới hạn làm giảm nhẹ trách nhiệm và lỗi phạm, đặc biệt là những trường hợp xét là việc thực hiện các đòi hỏi sẽ làm tổn hại các trẻ em của kết hợp mới, Amoris Laetitia mở ra khả năng có thể lãnh nhận các bí tích hòa giải và Thánh Thể”.
“Đến lượt mình – tài liệu tiếp tục – những người ấy phải sẵn sàng và tiếp tục trưởng thành và tăng triển nhờ sức mạnh của ân sủng. Nhưng chúng ta – các giám mục nói – phải tránh xem xét khả năng này như một sự không hạn chế lãnh nhận các bí tích, hoặc là cố tình biện minh cho sự dễ dãi. Điều được đề xuất là một sự phân định giúp phân biệt một cách thích hợp từng trường hợp một. Ví dụ một sự chú ý đặc biệt xem kết hợp mới là kết hợp sau vụ ly hôn vừa xảy ra hay là tình trạng của những người đã nhiều lần thất bại trong cam kết gia đình của họ. Có khi phải chú ý thái độ của đương sự: thành tâm hối tiếc hay phô trương tình cảnh của mình như thể đó là một phần của lý tưởng Kitô giáo”. Phải hướng người ta đến chỗ đặt mình, với lương tâm, trước mặt Chúa, đặc biệt trong những gì liên quan đến con cái hoặc đến người phối ngẫu đã bị bỏ rơi. Khi có những bất công chưa được giải quyết, việc được phép lãnh nhận các bí tích sẽ là một cớ vấp phạm thái quá.
Cuối cùng, các giám mục chỉ ra rằng “có thể xảy ra trường hợp việc lãnh nhận các bí tích bị đình chỉ, đặc biệt là khi có nguy cơ xảy ra các tình huống xung đột”. Nhưng đồng thời, “vẫn không được bỏ việc đồng hành của cộng đoàn, ngõ hầu đương sự được tăng triển trong một tinh thần hiểu biết và chấp nhận”.
Tâm Thiện tổng hợp