Hôm thứ Ba, nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine cho biết rằng sự kháng cự liên tục của Ukraine chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga quả là một “phép màu”.
Trong một thông điệp video được ghi lại vào ngày 8 tháng 3 tại thủ đô Kyiv của Ukraina bị bao vây, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk đã so sánh cuộc chiến này với “Phép màu trên sông Vistula” năm 1920, khi lực lượng Ba Lan áp đảo về số lượng đánh bại Hồng quân Nga.
“Hôm nay là ngày 8 tháng 3 năm 2022, và Ukraine đang trải qua ngày thứ 13 của cuộc chiến kinh hoàng này. Cuộc chiến diễn ra trên lãnh thổ quê hương của chúng tôi đang được một số nhà sử học gọi là ‘Phép màu trên sông Dnipro’”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói, đề cập đến con sông chảy qua Ukraine, còn được gọi là Dnieper.
“Điều gì đó tương tự đã xảy ra cách đây gần 100 năm trước trên sông Vistula, khi quân đội Ba Lan ngăn chặn cuộc xâm lược của Red Horde, và đứng lên giành độc lập, quyền tồn tại của nhà nước Ba Lan đã hồi sinh”.
Đức Tổng Giám mục Shevchuk tiếp tục: “Hôm nay, Phép màu đó trên sông Dnipro đang được quân đội Ukraine của chúng tôi phỏng theo, ngăn chặn cuộc xâm lược mới nhất này của quốc gia láng giềng phía bắc của chúng tôi, những người đã đặt chân lên mảnh đất của chúng tôi mang theo sự hủy diệt, mang theo sự chết chóc, âm mưu tiêu diệt những người dân Ukraine yêu tự do”.
“Nhưng bằng sức mạnh của tình yêu, tình yêu quê hương đất nước, bằng sức mạnh của sự đoàn kết của mọi người dân Ukraine – chúng tôi đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc”.
“Chúng tôi đang tạo ra một phép màu về một dân tộc thể hiện tình yêu tự do của họ với toàn thế giới và khiến cả thế giới kinh ngạc”.
Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã ghi lại thông điệp video mới nhất của mình khi các lực lượng Nga tiếp tục tiến vào Kyiv, nơi ngài đang trú ẩn cùng với những người khác bên dưới Nhà thờ Phục sinh thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine.
Nhà lãnh đạo 51 tuổi của Giáo hội lưu ý rằng Đặc phái viên của Đức Giáo hoàng, Đức Hồng y Konrad Krajewski đã đến Ukraine hôm thứ Ba.
“Chúng tôi muốn chào đón vị khách của chúng tôi một cách xứng đáng và giúp ngài thực sự nhìn thấy những vết thương của Ukraine, cũng như Đức Thánh Cha đã đề nghị vị Giám chức giúp ngài chạm vào những vết thương của Chúa Kitô trên cơ thể của người dân Ukraine bị tổn thương do chiến tranh”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.
“Chúng tôi muốn sát cánh cùng với ngài ở những nơi đang cam go nhất hiện nay”.
Vào ngày 8 tháng 3, Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã xác nhận một báo cáo của chính quyền Nga rằng Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, đã thảo luận về cuộc chiến với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov.
“Đức Hồng y Parolin đã chuyển tải sự bận tâm sâu sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và đồng thời tái khẳng định những điều Đức Thánh Cha đã nói hôm Chúa nhật tuần trước trong giờ nguyện Kinh Truyền Tin”, Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết.
“Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vũ trang, bảo đảm hành lang nhân đạo cho dân thường và các nhân viên cứu trợ, và thay thế bạo lực bằng vũ khí bằng việc đàm phán”.
“Theo nghĩa này, cuối cùng, Quốc Vụ Khanh Vatican đã tái khẳng định sự sẵn sàng của Tòa Thánh ‘để làm mọi thứ, nhằm phục vụ nền hòa bình này’”.
Vào ngày 8 tháng 3, Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết hơn hai triệu người đã chạy trốn khỏi Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào ngày 24 tháng 2.
“Ngày nay Ukraine lại một lần nữa rơi vào tình cảnh mà hàng triệu người đang phải sống cảnh nay đây mai đó, khi phụ nữ và trẻ em bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nhận xét.
“Và Giáo hội đang và sẽ sát cánh cùng với người dân của mình. Giáo hội sẽ hiện diện ở những nơi khó khăn nhất. Giáo hội sẽ là nơi mà sự hiện diện của chúng ta là cần thiết nhất, để ôm lấy những con người này, phục vụ họ, xoa dịu những đau khổ của họ sau cuộc chiến này”.
Đức Tổng Giám mục Shevchuk cũng đã bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Công giáo Moldova, quốc gia láng giềng nhỏ bé của Ukraine, vì đã giúp đỡ những người tị nạn Ukraine. Theo Liên Hợp Quốc, Moldova đã tiếp nhận gần 83.000 người từ Ukraine tính đến ngày 6 tháng Ba.
“Cảm ơn tất cả những ai ngày nay đã mở rộng vòng tay trước những nạn nhân của sự xâm lược của Nga”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói, đồng thời kêu gọi những lời cầu nguyện cho quê hương của mình.
Minh Tuệ (theo CNA)