Lahore (Agenzia Fides) – “Các giáo viên đóng một vai trò cơ bản trong việc thúc đẩy hòa bình ở Pakistan, chúng ta phải cung cấp cho họ cơ hội để học hỏi thêm và đồng thời khuyến khích họ tiếp tục trở thành những nhà giáo dục về hòa bình: Đó chính là điều vô cùng quan trọng để có được hòa bình bền vững và lâu dài trong xã hội, cũng như việc chấp nhận lẫn nhau và thúc đẩy tinh thần khoan dung”. Đây chính là điều mà Đức Tổng Giám mục Lahore, Đức Cha Sebastian Francis Shaw, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Đối thoại Liên tôn và Đại kết (NCIDE), thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Pakistan, phát biểu tại một hội thảo được tổ chức trong những ngày vừa qua ở Lahore, với chủ đề: “Giáo viên – Những nhà giáo dục về hòa bình”.
Như Fides đã đưa tin, khoảng 40 giáo viên đến từ 9 trường học khác nhau ở Lahore đã tham dự một hội thảo được tổ chức tại trường St. Mary’s, Lahore. Mục đích chính của hội thảo này đó là nhằm thúc đẩy hòa bình và sự hòa hợp trong xã hội, giới thiệu văn hóa hòa bình trong các trường học, các trường đại học và các tổ chức học thuật khác, như linh mục Francis Nadeem, thư ký điều hành của NCIDE giải thích. Hơn nữa, mục tiêu của hội thảo cũng là để phát triển một sự hiểu biết về các giá trị nhân văn chung vốn thúc đẩy tinh thần khoan dung, chấp nhận lẫn nhau và cùng nhau tồn tại hòa bình.
Đã có một sự tương tác tuyệt vời và các tham dự viên đã tích cực tham gia vào các hoạt động khác nhau để tìm hiểu về các khái niệm về giáo dục hòa bình. Vào ngày đầu tiên, những người hiện diện tham dự đã thảo luận về giáo dục hòa bình và tính cấp bách của nó trong bối cảnh hiện tại của Pakistan. Giáo dục hòa bình được mô tả như là một quá trình của việc thúc đẩy kiến thức, những kỹ năng và thái độ cần thiết để thực hiện những thay đổi hành vi vốn cho phép trẻ em, các thanh thiếu niên và những người trưởng thành ngăn chặn xung đột và bạo lực ở chính gia đình của mình, ở trường học và nơi làm việc. Giải pháp Hòa bình cho các cuộc xung đột đã được thảo luận và về việc làm thế nào để tạo ra nhữngđiều kiện thuận lợi liên quan đến hòa bình.
Các khái niệm về sự hài hòa và đa dạng nổi lên, bởi vì tất cả mọi tôn giáo đều nhấn mạnh hòa bình, việc cùng nhau tồn tại, tinh thần tôn trọng lẫn nhau, và khoan dung. Khái niệm về đối thoại liên tôn và bốn cấp độ của nó cũng đã được nhấn mạnh: đối thoại về trao đổi thần học; đối thoại về trao đổi kinh nghiệm tôn giáo; đối thoại về hành động và đối thoại về cuộc sống thường ngày.
Ngay cả lãnh tụ Hồi giáo Maulana Muhammad Asim Makhdoom cũng được mời tham dự với tư cách là khách mời danh dự. Giáo sĩ Muhammad Asim Makhdoom đã đánh giá cao cam kết của NCIDE trong việc thúc đẩy hòa bình thông qua giáo dục và trang bị cho các giáo viên những kỹ năng cần thiết. Giáo sĩ Makhdoom cũng cho biết rằng trong tương lai, các giáo viên của “madrasas” (trường Hồi giáo) và các trường tư sẽ có thể cùng nhau tham gia các cuộc hội thảo tương tự nhằm thúc đẩy hòa bình, vốn nên được tổ chức tại các khu vực khác của đất nước.
Linh mục Nadeem phát biểu với Fides trong phần kết luận: “Để loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực trong xã hội, trách nhiệm chính của các giáo viên đó chính là đề xướng các giá trị hòa bình này cho tất cả mọi học sinh sinh viên thông qua chương trình giảng dạy tại trường học và tích cực thu hút tâm trí của họ”.
Minh Tuệ chuyển ngữ