Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc và Đức GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp với thảm họa ô nhiễm biển Miền Trung

Khi gọi đích danh đây là một THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG, các Đức Giám mục Việt Nam đã tinh tế đưa ra một đề nghị quan trọng cho cách hành xử cần phải có: chính quyền và toàn thể quốc gia phải ứng xử theo cách ứng xử với một thảm họa, chứ không phải với một vụ việc thông thường.

Biển miền Trung bị ô nhiễm nặng. Cá chết hàng loạt từ 2 tháng nay.

Liên quan đến sự kiện đau thương này, có 2 văn thư của các Đức Giám mục Việt Nam đã được công bố, chưa kể một văn thư giải thích của Văn phòng Hội đồng Giám mục.

Văn thư thứ nhất là “Thông báo về tình trạng cá chết bất thường tại Miền Trung Việt Nam”, do Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc ấn ký ngày 30/4/2016, trong tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Văn thư thứ hai là “Thư chung về thảm họa ô nhiễm môi trường biển Miền Trung”, do Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp ấn ký ngày 13/5/2016, trong tư cách Giám mục Giáo phận Vinh, là nơi môi trường biển bị ô nhiễm đầu tiên và nặng nề nhất.

Tất nhiên hai văn thư này rất khác nhau. Và các cơ quan truyền thông do chính quyền kiểm soát đã “khai thác” một cách không lương thiện sự khác nhau giữa hai văn thư này. Nhiều người, trong đó có không ít tín hữu Công giáo, cảm thấy bối rối và thậm chí hoang mang vì điều đó.

Nhưng thực ra, sự tương đồng giữa hai văn thư thì lớn hơn sự khác biệt.

Bởi lẽ điểm tương đồng này là điểm quyết định cho thấy sự thống nhất trong nguyên tắc suy tư và trong tiêu chuẩn phán đoán về sự kiện ô nhiễm môi trường biển này, mà các Đức Giám mục, tức là huấn quyền của Hội thánh địa phương, muốn đề nghị với các tín hữu và mọi người thiện chí thuộc về hay không thuộc về chính quyền.

Về nền tảng và nguyên tắc suy tư, cả hai Đức Cha đều quy chiếu về giáo huấn của Hội thánh được trình bày một cách hết sức rõ ràng, súc tích và phong phú trong thông điệp Laudato Si’ (về chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta) của Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô.

Điều đáng quan tâm là nhận định của các Đức Cha về sự kiện ô nhiễm môi trường biển Miền Trung hiện nay. Cả hai Đức Giám mục đều nhận định đây là một THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG.

Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nói rõ ràng và khúc chiết: “Đây có thể gọi là một thảm họa môi trường”, cho dù trong tiêu đề văn thư chỉ nói “tình trạng cá chết bất thường tại Miền Trung Việt Nam”.

Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, trong văn thư vốn được công bố sau đó gần 2 tuần và là văn thư của vị Giám mục đang lãnh đạo Dân Chúa tại vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa, đã triển khai, một cách rõ ràng và chi tiết hơn, chính nhận định đó của Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục. Đức Giám mục Giáo phận Vinh đã đưa ra hàng loạt luận cứ và luận chứng rất có sức thuyết phục, cho thấy quả thực phải gọi đúng tên những gì đang xảy ra là một thảm họa môi trường. Đức Cha đã không ngần ngại nhiều lần nhấn mạnh hạn từ “thảm họa”. Ngay trong câu đầu tiên của “Thư Chung”, ngài còn nói rõ đây là một “thảm họa môi trường biển chưa từng thấy”. Trong triệt thứ hai, ngài nói rõ: “… thảm họa môi trường này có mức độ lâu dài và nguy hiểm vô cùng to lớn”…

Khi gọi đích danh đây là một thảm họa môi trường, các Đức Giám mục Việt Nam đã tinh tế đưa ra một đề nghị quan trọng cho cách hành xử cần phải có: chính quyền và toàn thể quốc gia phải ứng xử theo cách ứng xử với một thảm họa, chứ không phải với một vụ việc thông thường.

Hội thánh không giẫm chân chính quyền và các tổ chức dân sự hay khoa học… để đưa ra những giải pháp kỹ thuật, nhưng Hội thánh có quyền và trách nhiệm góp tiếng nói của mình để lay động lương tâm con người trước thực tế vốn rất đau thương và nghiêm trọng. Chính trong tư cách đó, Hội Thánh đề nghị phải coi đây là một thảm họa môi trường và phải hành động nghiêm túc, khoa học và toàn diện như cần phải hành động trong việc giải quyết một thảm họa.

Trong cả hai văn thư, các Đức Cha đều kín đáo đưa ra nhận xét mang tính phê bình khi cho thấy chính quyền vẫn chưa đưa ra được kết luận chính thức về nguyên nhân của thảm họa, cho dù thảm họa đã diễn ra ở mức độ kinh khủng cả gần một tháng, thậm chí cả hơn một tháng, tính tới ngày các Đức Cha viết các văn thư này. Thay vào đó, như “Thư Chung” nói rõ, lại là những cách hành động không phù hợp việc đối phó với một thảm họa môi trường “có mức độ lâu dài và nguy hiểm vô cùng to lớn”: “Mặc dù tầm mức nguy hiểm của thảm họa to lớn như vậy, nhưng đã hơn một tháng qua, các nhà chức trách vẫn né tránh việc công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa này. Bên cạnh đó một số người còn khuyến khích dân chúng tiêu thụ thủy hải sản một cách thiếu căn cứ khoa học. Trong khi đó, thật khó hiểu khi nhà cầm quyền lại nặng tay đàn áp những người biểu tình ôn hòa đòi trả lại môi trường trong sạch cho người dân.”

Chúng ta, các tín hữu Chúa Kitô và mọi người thiện chí đều mong mỏi chính quyền và các cơ quan chức năng ứng phó với sự kiện ô nhiễm biển Miền Trung đúng với bản chất và tầm mức của nó: một thảm họa môi trường biển rất trầm trọng.

Ưu sầu và lo lắng của cả dân tộc chúng ta lúc này là ưu sầu và lo lắng trước một thảm họa môi trường biển, chứ không phải trước một tai nạn thông thường và nhỏ bé.

Ưu sầu và lo lắng ấy đã thực sự gây tiếng vọng trong tâm hồn Hội thánh Chúa Kitô đang đi giữa dân tộc này, như được chứng tỏ trong văn thư của Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục và văn thư của Đức Giám mục Giáo phận Vinh.

Chính các tín hữu giáo dân, theo đúng ơn gọi và trách nhiệm của mình, phải cùng với mọi người thành tâm thiện chí dấn thân vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… để giải quyết thảm họa môi trường biển này.

Tân Thanh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết