Khi hội nghị về khí hậu tại Bonn đi đến phần kết luận vào ngày thứ Sáu, Ngoại trưởng Vatican đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, cùng với các cá nhân và tổ chức, “duy trì động lực” đối với việc bảo vệ môi trường.
Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, đã phát biểu sau cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc Quần Đảo Thái Bình Dương, những người đã gặp ĐTC Phanxicô trên đường tới tham dự hội nghị Bonn.
Mô tả thỏa thuận Paris năm 2015 gần như là “một điều kỳ diệu”, Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết: “Cộng đồng quốc tế hiếm khi cùng nhau quy tụ về một vấn đề như thế này”, nhưng đồng thời Ngài cũng cho biết thêm rằng hiệp định này chỉ là “một sự khởi đầu”.
Tác động của Thông Điệp ‘Laudato Sì’
Đức TGM Gallagher đã nói về tác động quan trọng của Thông Điệp ‘Laudato Sì’, đồng thời ca ngợi nhiều nỗ lực và các sáng kiến đã xảy ra kể từ khi công bố thỏa thuận Paris và Thông Điệp này của ĐTC Phanxicô. Đức TGM Gallagher cho biết rằng “thực vậy đã có hàng ngàn sáng kiến khiến cho Giáo huấn trong Thông điệp này được mọi người biết đến, nhưng cũng phản ánh thực tế rằng đây chính là một phần Giáo huấn của Giáo hội về một vấn đề rộng lớn hơn […] về sự phát triển con người toàn diện”.
Bức tranh rộng lớn hơn về sự phát triển con người
Nhấn mạnh sự cần thiết để Giáo hội tiếp tục trở thành một phần trong các cuộc thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu, Đức TGM Gallagher cho biết “Đây chính là một điều gì đó mà Giáo Hội cam kết bởi vì đó là điều mà một tôn giáo luôn ủng hộ. Mầu nhiệm Nhập Thể chính là sự cam kết của Thiên Chúa đối với nhân loại và chúng ta phải tiếp tục cam kết đó để đảm bảo tương lai của nhân loại, cả về mặt tinh thần lẫn việc tạo ra những điều kiện mà trong đó mọi người có thể khao khát để nhận biết Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa, cùng chung sống với nhau và yêu thương những người thân cận của mình”.
Các quốc gia và cá nhân cùng nhau nỗ lực làm việc
Đức Tổng Giám mục Gallagher lưu ý rằng có những “tiếng nói bất đồng chính kiến” nhưng Ngài cho biết rằng Giáo hội “mong muốn hướng tới một sự cam kết mạnh mẽ hơn bởi cả các quốc gia”, cũng như các cá nhân và tổ chức.
Trong khi tình hình ở các quốc gia Thái Bình Dương hoặc ở các nước công nghiệp hóa là rất khác nhau, Đức TGM Gallagher nói, một trong những thành tựu to lớn của hiệp định Paris đó là việc quy tụ không chỉ các quốc gia và Toà thánh mà còn cả các tổ chức Công giáo, các Giáo phận và các cá nhân, cùng nhau nỗ lực làm việc để tiếp cận các khu vực địa phương, “thậm chí ở các quốc gia vốn có thể thay đổi lập trường của họ đối với thỏa thuận”.
Sự cần thiết phải thay đổi lối sống
Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết Giáo hội sẽ tiếp tục ủng hộ “các chiến sĩ về môi trường vĩ đại” nhưng đồng thời cũng phải “đưa ra một mẫu gương tốt đẹp, vốn không phải lúc nào cũng dễ dàng”.
Đức TGM Gallagher cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống, vốn “đòi buộc tất cả mỗi người chúng ta, dù chỉ bằng cách từ bỏ việc sử dụng túi nhựa khi đi đến siêu thị hoặc sửa đổi một số hành vi của mình, tái chế hoặc sử dụng xe hơi ít hơn và thực hiện thói quen đi bộ hơn một chút nữa”, tất cả những điều này có thể góp phần vào công việc chống lại vấn đề biến đổi khí hậu.
Minh Tuệ chuyển ngữ