Vị Tổng Giám mục Công giáo La Mã tại Lahore, Pakistan, cho biết các Kitô hữu và người Hồi giáo đang cùng cộng tác với nhau nhằm “từng bước một” làm cho nước Cộng hòa Hồi giáo gặp vốn đang đầy những bất an trở thành “một xã hội hài hòa hơn”.
“Chúng tôi luôn nói rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta hành tinh này để tồn tại”, Đức Tổng Giám Mục Sebastian Francis Shaw phát biểu trên chương trình truyền hình “America Talks Live” của Newsmax TV do MC Bill Tucker dẫn chương trình hôm thứ Tư 19/4 vừa qua.
“Và nếu như chúng ta sống hài hòa, và dấn thân cho các quyền lợi của người khác cũng như cho sự tiến bộ của đất nước, tôi thiết nghĩ, cuối cùng, tất cả mọi công dân sinh sống trên đất nước Pakistan sẽ sống trong hòa bình và hòa hợp – và sử dụng các tài năng của mình để phục vụ người khác cũng như để cải thiện xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
“Chúng tôi đang hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn”.
Đức TGM Shaw – được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm Tổng Giám mục vào năm 2013, sau khi được tấn phong Giám mục vào năm 2009 – giải thích rằng Pakistan đã bắt đầu trở thành một quốc gia cộng hòa toàn diện.
“Người sáng lập quốc gia Cộng Hòa Hồi giáo Pakistan – ông Muhammad Ali Jinnah – tin rằng Pakistan sẽ là một quốc gia cho tất cả mọi người”, Đức TGM Shaw nói.
“Ông nói trong bài phát biểu trước hội đồng rằng các Kitô hữu sẽ có quyền tự do đến các nhà thờ và người Hồi giáo sẽ đến các thánh đường Hồi giáo của họ …
“Chính phủ sẽ không có quyền trên đức tin cá nhân của mọi người dân, vì vậy tất cả sẽ cùng cộng tác vì sự tiến bộ và một quốc gia Pakistan giàu mạnh”.
Nhưng nhiều thập kỷ kể từ khi Pakistan được sáng lập vào năm 1947, quốc gia này bắt đầu trôi dạt theo hướng bất khoan dung tôn giáo.
“Trong suốt thời kì của Tướng Zia-ul-Haq vào những năm 1980, đất nước bắt đầu thi hành nhiều đạo luật Hồi giáo như mọi người đã biết”, Đức TGM Shaw phát biểu với MC Tucker.
“Luật báng bổ, và một số luật như vậy, đã khiến xã hội trở nên chia rẽ nhiều hơn”.
Theo luật báng bổ, bất cứ ai đưa ra các tuyên bố chống lại nhà tiên tri Muhammad đều có thể bị buộc tội.
“Trên thực tế, người dân sống ở Pakistan, đã chung sống với nhau trong nhiều thế kỷ, bao gồm các Kitô hữu, những người Hồi giáo, và Hindu. Vì vậy, trong cuộc sống bình thường hàng ngày, chúng tôi đều có mối quan hệ tốt với mọi người”, Đức TGM Shaw nói.
“Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi nên tôn trọng vị lãnh đạo và đặc biệt là các vị tiên tri của tất cả các tôn giáo như Kitô giáo và Hồi giáo. Chúng tôi tôn trọng lẫn nhau. Thế nhưng, một số người vẫn còn phải là nạn nhân của luật báng bổ.
“Thông qua đối thoại liên tôn, chúng tôi cố gắng hợp tác để có thể giúp đỡ lẫn nhau nhằm có được sự thông cảm và tôn trọng hơn nữa đối với niềm tin cũng như giáo lý của những người có niềm tin tôn giáo khác”.
Thông qua cuộc đối thoại này, Đức TGM Shaw nói, “dần đân, từng bước một, xã hội chúng tôi lại một lần nữa hướng tới việc tạo ra nhiều nỗ lực hơn cho một xã hội hài hòa hơn.
“Đây là một quá trình tiệm tiến, nhưng tôi hy vọng rằng thông qua việc đối thoại liên tôn, chúng tôi sẽ có thể thông cảm và tôn trọng nhau hơn”.
Một phần những nỗ lực của Đức TGM Shaw chính là kết quả của hai văn kiện của Tòa Thánh được ban hành vào những năm 1990 kêu gọi các giáo xứ phải xây dựng “những mối quan hệ tốt đẹp hơn với tất cả mọi người thuộc mọi niềm tin tôn giáo”.
“Chúng tôi thực sự không chắc chắn rằng chúng tôi sẽ đi được đến đâu, thế nhưng chúng tôi đã khỏi sự từ sau biến cố ngày 11/9, chúng tôi đã phải đối diện với những rắc rối tại Pakistan … Nhiều nhà thờ đã bị tấn công ngay sau sự kiện ngày 11/9”, Đức TGM Shaw nói.
“Chúng tôi thực sự đã nỗ lực hết sức. Nhiều học giả và Imam Hồi giáo đã cùng chung tay với chúng tôi. Sau đó, chúng tôi cũng đã mời gọi các nhà lãnh đạo Hindu cũng như các nhà lãnh đạo Sikh tham gia đối thoại”.
“Chẳng hạn như tôi giải thích cho các anh em Hồi giáo cũng như những người Hindu và Sikh – rằng chúng ta đã được Đức Kitô truyền dạy: ‘Hãy yêu thương nhau’ “.
Tình yêu đó – Đức TGM Shaw nói – không chỉ dành cho các Kitô hữu mà còn dành cho tất cả mọi người.
“Chúng tôi đã giải thích về dụ ngôn người Samaritan nhân hậu”, Đức TGM Shaw nói. “Tất cả mọi người đều là những người thân cận với chúng ta, chính vì vậy, chúng ta phải cũng chung tay với nhau để có thể hướng tới sự phát triển và tiến bộ.
Tương tự như vậy, những người Hồi giáo cũng đã giải thích khái niệm hòa bình trong Hồi giáo và cũng giống như những người Hindu và Sikh. Bằng cách này, chúng tôi có thể nhận thấy một số điểm chung giữa tất cả mọi người thuộc mọi niềm tin tôn giáo khác nhau.
“Vậy chúng tôi suy nghĩ và làm thế nào để thực hiện được điều này? Một trong những tiến bộ lớn nhất đó là chúng tôi cùng nhau tổ chức các lễ hội tôn giáo”.
Ngoài cương vị là Tổng Giám Mục tại Pakistan, Đức TGM Shaw còn là thành viên thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn từ năm 2013. Vị Tổng Giám mục 59 tuổi này được sinh ra tại Padri-Jo-Goth, Sindh, Pakistan.
Minh Tuệ chuyển ngữ theo Newsmax.com