Đức TGM Matulionis - Chân Phước người Lithuania đầu tiên tử đạo dưới thời cộng sản Xô Viết

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 11-06-2017 | 15:43:38

Một vị Tổng Giám mục người Litva đã bị sát hại bằng việc tiêm thuốc độc sau 16 năm tù giam và sống trong các trại cải tạo lao động, đã trở thành vị anh hùng tử đạo Công giáo đầu tiên thời cộng sản của đất nước này được tuyên phong Chân Phước.

ĐTGM Teofilius Matulionis

Lễ tuyên phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Teofilius Matulionis, người đã chịu phúc tử đạo vào năm 1962, đã được lên kế hoạch vào ngày 25 tháng 6 tại thủ đô Vilnius của Lithuania. Khoảng 30.000 người bao gồm các Giám mục và linh mục từ khắp nơi đổ về dự kiến sẽ tham dự sự kiện này.

“Ngoài việc trở thành vị anh hùng tử đạo đầu tiên thời kì Liên Xô được công nhận bởi Giáo hội hoàn vũ, Ngài cũng trở thành người Litva đầu tiên được tuyên phong Chân Phước tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình”, Đức TGM Gintaras Grusas Địa phận Vilnius, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Litva, cho biết.

“Đức tin quyết liệt” của Đức TGM Matulionis “trong việc tìm kiếm chân lý bằng mọi giá” đã đưa ra một thông điệp đầy cuốn hút, đặc biệt là đối với giới trẻ, những người sẽ tham gia đại hội giới trẻ diễn ra trong hai ngày trước sự kiện này, Đức TGM Grusas phát biểu với Catholic News Service hôm 8/6 vừa qua.

“Với những căng thẳng hiện nay trên thế giới mà chúng ta đang sống, lời kêu gọi của Ngài để duy trì sự bình an và tuân theo Thánh ý Thiên Chúa, việc nhận biết Thiên Chúa luôn đem lại cho chúng ta những món quà chúng ta cần, vẫn còn rất có ý nghĩa”, Đức TGM Grusas nói.

“Việc làm chứng cho đức tin của một người nào đó không có nghĩa là sẽ đi đến tận cùng bằng cái chết. Cũng có những hình thức bách hại nhẹ nhàng hơn xảy ra hàng ngày trong xã hội của chúng ta, vốn cũng đòi hòi chúng ta cần can đảm để đối diện”, Đức TGM Grusas nói.

Được sinh ra vào năm 1873 tại Kudoriskis thuộc vùng đông bắc Lithuania, Đức TGM Matulionis thụ phong linh mục tại St Petersburg, Nga vào năm 1900, và phụ trách coi sóc nhà thờ St. Catharine của thành phố vào năm 1910 sau khi làm việc tại vùng lân cận Latvia.

Bị tống giam trong ba năm trong cuộc xét xử vào năm 1923 của Đức Tổng Giám mục Jan Cieplak và các giáo sĩ Công giáo khác, Ngài đã được tấn phong Giám mục một cách bí mật sáu năm sau khi được phóng thích, nhưng sau đó lại bị giam giữ không qua xét xử tại nhà tù Solovki trên quần đảo Solovetsky tại Biển Trắng.

Đức Tổng Giám Mục Matulionis được phép trở lại Litva trong một cuộc trao đổi tù nhân vào năm 1933, và Ngài đã giúp đỡ trong việc cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm trong khi làm việc với tư cách một linh mục tuyên úy quân sự. Đức TGM Matulionis cũng đã thăm viếng các giáo xứ của người Lithuania sinh sống tại Hoa Kỳ.

Được bổ nhiệm làm Giám mục Địa phận Kaisiadorys vào năm 1943, Ngài bị bắt vào năm 1946 do từ chối hợp tác với những kẻ chiếm đóng Liên Xô đối với người dân Lithuania và đã bị đưa đến nhiều nhà tù. Đức TGM Matulionis chỉ bắt đầu lại sứ vụ Giám mục cách bí mật khi được trả tự do vào năm 1956.

ĐTGM Teofilius Matulionis trong tù năm 1955Đức TGM Matulionis đã được Đức Gioan XXIII nâng lên cương vị Tổng Giám mục vào năm 1962, nhưng đã bị chính quyền Xô Viết từ chối không cho tham dự Công đồng Vatican II, và qua đời vào ngày 20 tháng 8 năm 1962 sau khi bị tiêm thuốc độc, vốn đã được cho là đã được thực hiên bởi một nữ quân cảnh thuộc cơ quan mật vụ KGB sau khi đã bị tra tấn cách tàn bạo tại căn hộ của Ngài.

Án phong Thánh cho Ngài đã được đề khởi vào năm 1990 sau khi Litva giành được độc lập khỏi chế độ Liên Xô, và đã hoàn tất bởi một sắc lệnh của Đức Thánh Cha về sự tử đạo của Ngài vào tháng 12 năm 2016.

Trong một thông điệp mục vụ ngày 13 tháng 4 vừa qua, Hội đồng Giám mục Litva cho biết Đức Tổng Giám mục Matulionis đã “sống sứ điệp Phục Sinh” và Ngài đã luôn thể hiện “sự bình an, sự tin tưởng phó thác cũng như sự thánh thiện” của mình thậm chí với những kẻ đã bách hại mình.

Đức Tổng Giám Mục Grusas cho hay vị Giám mục tử đạo này “đã dâng những đau khổ của mình cho sự trở lại của nước Nga”, trong khi đó, Đức TGM Grusas cũng đã “thăng tiến Giáo hội” bằng cách mời gọi hàng giáo sĩ cùng sát cánh với đàn chiên của mình thậm chí ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc sẽ bị bách hại và sẽ phải sống cảnh lưu vong.

Ngài cũng gợi ý rằng lời mời gọi của Đức Thánh Cha kêu gọi Đức Tổng Giám mục Matulionis để tham dự Công đồng Vatican II dường như đã trở thành “một sự kiện cuối cùng thêm vào vượt quá giới hạn chịu đựng” đối với các nhà lãnh đạo Liên Xô của Lithuania.

Người Litva cuối cùng được tuyên phong Chân Phước, Đức Cha Jerzy Matulewicz-Matulaitis (1871 – 1927), Đấng sáng lập Dòng các Nữ Tu Vô Nhiễm, đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân Phước tại Rome vào năm 1987.

Giáo Hội cũng đang xúc tiến án tuyên phong Chân Phước cho Đức Giám mục Vincentas Borisevicius, người đã bị bắn chết vào năm 1946 do bị buộc tội liên quan đến các chiến binh hầm trú và Đức Tổng Giám mục Mecislovas Reinys, người đã qua đời trong một nhà tù của Nga vào năm 1953.

Các trường hợp của những người Công giáo tử đạo đã được chứng minh bằng tư liệu bởi Trung tâm nghiên cứu Kháng chiến và Chống Diệt chủng của Chính phủ, được thành lập vào năm 1997.

Tuy nhiên, Đức TGM Grusas cho biết rằng các tiến trình tuyên phong Chân Phước đã bị trì hoãn do thiếu các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp theo nguyên tắc của Giáo hội tại Giáo hội Lithuania dưới thời Xô viết. Đức TGM Grusas cho biết với khoản kinh phí gần đây và việc hỗ trợ kỹ thuật, Ngài hy vọng các vụ án của các vị tử đạo khác có thể sẽ được tiếp tục tiến hành.

“Chúng ta đang giải quyết những vấn đề lịch sử gần đây, nhưng khi chúng ta tái xây dựng Giáo hội của chúng ta, chúng ta đang có được những nguồn lực và chuyên môn mà cần thiết “, Đức TGM Grusas phát biểu với CNS.

Minh Tuệ (theo Catholic Sentinel)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết