Các tín Công giáo tại tiểu bang Queensland của Úc đang được kêu gọi ký tên vào một bản kiến nghị thư yêu cầu quốc hội không thông qua một dự luật cho phép vấn đề an tử và trợ tử.
Quốc hội Queensland sẽ tranh luận về dự luật này vào cuối tháng này.
Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge Địa phận Brisbane đã gửi một lá thư trong tuần này kêu gọi tất cả những người có thiện chí ký tên vào bản kiến nghị thư, cho đến nay đã có khoảng 1.300 chữ ký.
“Những dự luật này, nếu được thông qua, sẽ làm đảo lộn các nguyên tắc nền tảng vốn đã đặt nền móng cho hệ thống y tế và luật pháp của chúng ta trong nhiều thế kỷ – tính luân lý của việc ‘không làm tổn hại’ và việc cấm giết người”, Đức Tổng Giám mục Coleridge viết.
“Chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để bảo vệ người dân Queensland hơn là giúp đỡ họ trong vấn đề trợ tử”.
Những người ủng hộ việc bảo vệ sự sống ở Queensland dự kiến sẽ tổ chức ‘Cuộc tuần hành vì Sự sống’ công khai trước cuộc tranh luận tại quốc hội.
Theo luật được đề xuất, cư dân Queensland từ 18 tuổi trở lên sẽ có quyền tìm đến vấn đề an tử hoặc trợ tử nếu họ nhận được chẩn đoán với kỳ vọng sẽ sống được 12 tháng hoặc ít hơn và đang phải chịu đựng những sự giày vò đau khổ mà họ cho là “không thể chịu đựng được”.
Các bác sĩ sẽ không được phép “chủ động đề xuất” vấn đề an tử hoặc trợ tử cho bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ phải được đánh giá riêng biệt và độc lập bởi hai bác sĩ, đồng thời phải đưa ra ba yêu cầu khác nhau đối với vấn đề an tử hoặc trợ tử trong thời gian ít nhất là chín ngày, ABC đưa tin. Một hội đồng đánh giá về vấn đề an tử và trợ tử cũng sẽ được thành lập theo luật đề xuất.
Giáo hội Công giáo ủng hộ, thay vì trợ tử hoặc an tử, việc chăm sóc giảm nhẹ, có nghĩa là tìm cách đồng hành với bệnh nhân đến giây phút cuối cuộc đời của họ bằng các phương pháp như kiểm soát cơn đau, và không đẩy nhanh quá trình tử vong. Các Giám mục Công giáo ở Úc đã nhiều lần viết thư ủng hộ việc chăm sóc giảm nhẹ như một biện pháp thay thế cho vấn đề trợ tử hoặc an tử.
Văn thư “Samaritanus bonus – Người Samaria nhân hậu” vào tháng 9 năm 2020 của Bộ Giáo lý Đức tin đã tái khẳng định giáo huấn lâu đời của Giáo hội về sự sai trái của vấn đề trợ tử hoặc an tử. Bộ Giáo lý Đức tin nhắc lại nghĩa vụ của người Công giáo là đồng hành với bệnh nhân và những người hấp hối qua lời cầu nguyện, sự hiện diện về thể chất và các Bí tích.
Vào tháng 2 năm 2021, một trường đại học của Úc phát hiện ra rằng đất nước này có ít hơn một nửa số bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ cần thiết để chăm sóc cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y.
An tử và trợ tử đã được hợp pháp hóa ở tỉnh bang Victoria của Úc kể từ tháng 6 năm 2019. Vào tháng 12 năm 2019, tỉnh Tây Úc đã thông qua một dự luật cho phép những thực hành này. New South Wales đã từ chối một dự luật như vậy vào năm 2017. Lãnh thổ phía Bắc đã hợp pháp hóa trợ tử vào năm 1995, nhưng Quốc hội Úc đã đảo ngược dự luật đó 2 năm sau đó. Đầu năm nay, Tasmania đã thông qua luật hợp pháp hóa an tử và trợ tử, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2022.
Một bản kiến nghị thư phản đối việc ủng hộ dự luật an tử và trợ tử có khoảng 112.000 chữ ký và được bắt đầu bởi Tanya Battel, người mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối.
“Đây không phải là về chính trị hay tôn giáo. Đây là về những người bị bệnh nan y muốn có được sự bình an trong tâm hồn mà luật này mang lại”, chị Battel nói, như báo cáo của tờ Associated Press của Úc.
“Bạn không ở vào hoàn cảnh của tôi. Đó không phải là lựa chọn cá nhân của bạn vốn quyết định tôi sẽ chết như thế nào vì căn bệnh đang giết chết tôi, chứ không phải bạn”.
Trong một lá thư vào tuần này, 20 bác sĩ tại Queensland – tất cả đều là cựu Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Queensland của Úc – đã cảnh báo các nhà lập pháp về “những rủi ro không thể chấp nhận được” nếu dự luật an tử và trợ tử được thông qua.
Các bác sĩ cho rằng những dự đoán về thời gian sống còn lại 12 tháng quả là “hoàn toàn không chính xác” để làm tiêu chuẩn cho luật mới.
Teeshan Johnson, Giám đốc của nhóm ủng hộ sự sống Cherish Life Queensland, cho biết bà lo ngại rằng dự luật không cung cấp sự bảo vệ lương tâm đầy đủ cho các bác sĩ phản đối an tử và trợ tử.
“Việc luật được đề xuất buộc các bệnh viện, các viện dưỡng lão và viện tế bần có liên quan đến đức tin phản đối an tử và trợ tử phải cho phép những hành vi này diễn ra tại cơ sở của họ là hành vi độc tài”, bà Teeshan nói.
“Điều này sẽ gây ra sự tổn hại sâu rộng và không thể khắc phục được đối với hệ thống Y tế Queensland vốn đang gặp khó khăn, vì một số nhà cung cấp dịch vụ này, vốn chiếm khoảng 1/4 giường bệnh ở Queensland, có thể buộc phải đóng cửa các cơ sở và sẽ miễn cưỡng mở các cơ sở mới”.
Minh Tuệ (theo CNA)