LEICESTER, Vương quốc Anh – Những nỗ lực nhằm hợp pháp hóa vấn đề “trợ tử” ở Scotland gửi đi thông điệp rằng cuộc sống với đau khổ “có thể bị coi là không còn đáng sống nữa”, theo một vị Tổng Giám mục hàng đầu.
Liam McArthur, Thành viên Đảng Dân chủ Tự do của Quốc hội Scotland, đang thúc đẩy dự luật Trợ tử cho người lớn bị bệnh hiểm nghèo (Scotland) trong thời gian qua tại Quốc hội Scotland. Những người chỉ trích cho biết rằng dự luật có nguy cơ làm suy yếu việc cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ cho những người đang hấp hối và đồng thời làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn vấn đề tự tử.
Trong một lá thư gửi các tín hữu hôm Chúa nhật vừa qua, Đức Tổng Giám mục Leo Cushley Địa phận St Andrews và Edinburgh cho biết thuật ngữ “trợ tử” đã gây hiểu lầm.
“Đây thực sự là một hình thức an tử cho phép bác sĩ hoặc chuyên gia y tế giúp ai đó tự tử. Nếu luật này được thông qua, nó sẽ càng làm xói mòn cách xã hội chúng ta coi trọng sự sống con người, vốn đã bị việc phá thai hợp pháp làm suy yếu một cách hết sức đau buồn”, vị Giám chức viết.
“Những người ủng hộ vấn đề an tử thường miêu tả nó như một lựa chọn hoàn toàn mang tính cá nhân, vốn là một vấn đề riêng tư giữa các cá nhân và bác sĩ của họ. Tuy nhiên, sự thật là các quyết định và hành động của chúng ta không bao giờ hoàn toàn mang tính riêng tư. Tất cả mọi thứ chúng ta làm đều ảnh hưởng đến mọi người khác dù tốt hay xấu”, Đức Tổng Giám mục Cushley tiếp tục.
“Thái độ của chúng ta đối với sự sống ngay từ khi mới bắt đầu và lúc kết thúc chắc chắn sẽ định hình cách chúng ta tiếp cận sự sống con người ở mọi giai đoạn, và điều này sẽ ảnh hưởng đến hình thức xã hội mà chúng ta cùng nhau xây dựng”, Đức Tổng Giám mục Cushley nói.
Trong cuộc tham vấn cộng đồng được tổ chức về dự luật, hơn 14.000 người đã đưa ra phản hồi, con số cao nhất từ trước đến nay đối với dự luật của các thành viên tư nhân trong quốc hội Scotland, với đại đa số ủng hộ dự luật.
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Cushley cho biết kinh nghiệm của các quốc gia khác vốn đã hợp pháp hóa an tử cho thấy hậu quả của việc hợp pháp hóa trợ tử “có thể hết sức nghiêm trọng và dienbex ra trên diện rộng”.
An tử, trong đó các bác sĩ sử dụng thuốc để giết chết bệnh nhân, là hành động hợp pháp ở bảy quốc gia – Bỉ, Canada, Colombia, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand và Tây Ban Nha – cùng với một số tiểu bang ở Úc.
Các khu vực pháp lý khác, bao gồm một số tiểu bang của Hoa Kỳ, cho phép việc trợ tử – trong đó bệnh nhân tự dùng loại thuốc gây chết người được chỉ định.
“Ở Canada, an tử đã được hợp pháp hóa vào năm 2016 với những giới hạn nghiêm ngặt, chỉ áp dụng cho những người trưởng thành bị bệnh nan y và đau đớn về thể chất đặc biệt. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 5 năm, nó đã được mở rộng để bao gồm những người bị bệnh mãn tính hoặc khuyết tật. Ở Bỉ và Hà Lan, phạm vi của việc an tử hợp pháp đã được mở rộng hơn nữa để bao gồm cả những người bị bệnh tâm thần, và đáng báo động nhất là điều này thậm chí có thể áp dụng cho thanh thiếu niên và trẻ em”, Đức Tổng Giám mục Cushley nói.
Vào tháng 5, hãng tin AP đã đưa tin rằng ở Canada có những trường hợp người ta tìm đến cái chết vì họ không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của chính phủ để trang trải cuộc sống.
Báo cáo bao gồm các bệnh nhân được khuyên nên tự sát bởi các nhân viên y tế, những người đã đề cập đến chi phí chăm sóc y tế cao ngất ngưởng.
Đức Tổng Giám mục Cushley tuyên bố rằng sự sẵn có và tiện lợi của việc “trợ tử” trong các bệnh viện và các trung tâm chăm sóc “sẽ phá vỡ mối quan hệ tin cậy giữa các chuyên gia y tế và bệnh nhân của họ, và nó cũng sẽ làm suy yếu lòng tin trong các gia đình”.
“Những người già yếu dễ nghĩ rằng họ là gánh nặng cho người khác và có thể cảm thấy áp lực khi yêu cầu sự giúp đỡ để kết thúc cuộc sống của họ”, Đức Tổng Giám mục Cushley nói.
“Việc hợp pháp hóaan tử sẽ gửi đi một thông điệp đến toàn xã hội rằng những cuộc sống vốn đưa đến những đau khổ về thể chất và tinh thần, hoặc những khuyết tật nghiêm trọng về thể chất, có thể bịcoi là không còn đáng sống nữa. Điều này không chỉ sai về mặt nguyên tắc – vì không có sự sống nào là vô giá trị – nó còn có thể gây ra hậu quả khủng khiếp và bi thảm đối với những cá nhân dễ bị tổn thương vào những thời điểm yếu đuối nhất của họ”, Đức Tổng Giám mục Cushley viết.
Mặc dù tác giả của dự luật cho biết rằng nó sẽ có “các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ”, những người ủng hộ nói rằng các biện pháp như vậy luôn có xung đột theo thời gian.
Nhóm vận động ‘Care Not Killing’ cho biết rằng dựa trên kinh nghiệm của các khu vực pháp lý khác, tác động lâu dài của việc hợp pháp hóa trợ tử ở Scotland sẽ “chắc chắn” có nghĩa là: Áp lực sẽ gia tăng đối với những người dễ bị tổn thương, tàn tật hoặc cao tuổi phải kết liễu sự sống của họ sớm; số người chết sẽ tăng lên theo thời gian; luật sẽ được mở rộng đối với các điều kiện khác; áp lực kinh tế sẽ kết nối với việc đưa ra quyết định; và cuối cùng, ngay cả những trẻ em bị bệnh nan y và có thể những trẻ em khuyết tật – những người không thể đưa ra sự đồng ý được thông báo – cũng có khả năng đủ điều kiện để được trợ tử.
Trong lá thư của mình, Đức Tổng Giám mục Cushley thừa nhận rằng đúng là viễn cảnh về sự đau khổ cuối cùng “có thể gây ra nỗi sợ hãi sâu sắc, thậm chí dẫn đến sự tuyệt vọng, và chúng ta chẳng có thể nào lại không quan tâm đến nỗi đau khổ của những người phải đối mặt với những căn bệnh suy nhược”.
“Đã có những tiến bộ đáng kể trong việc chăm sóc giảm nhẹ cuối đời trong những năm gần đây, nhưng có một nguy cơ thực sự là việc áp dụng biện pháp trợ tử được hợp pháp hóa sẽ làm giảm dần nguồn tài trợ cho các viện tế bần với đội ngũ nhân viên tuyệt vời và tận tâm của họ. Nó cũng có khả năng giảm đầu tư vào các nghiên cứu quan trọng hơn về việc quản lý cơn đau”, Đức Tổng Giám mục Cushley nói.
“Bằng chứng áp đảo là các yêu cầu liên tục để được trợ tử là cực kỳ hiếm khi các nhu cầu về thể chất, tâm lý, xã hội và tinh thần của con người được đáp ứng đầy đủ”, Đức Tổng Giám mục Cushley tiếp tục.
Vị Giám chức kêu gọi người dân Scotland ký vào một bản kiến nghị phản đối luật được đề xuất, nhấn mạnh rằng nó sẽ làm suy yếu hơn nữa giá trị mà xã hội Scotland đặt vào sự sống con người, “ảnh hưởng sâu sắc đến cách chúng ta đối xử với những người đang đau khổ và cách chúng ta chăm sóc những người đang hấp hối”.
“Trớ trêu thay, hấp hối có lẽ là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta, bởi vì chính giây phút hấp hối chúng ta mới rõ ràng đối mặt với sự thật rằng chúng ta là những tạo vật mong manh, phụ thuộc vào người khác và cuối cùng chúng ta không chịu trách nhiệm về số phận của chính mình”, Đức Tổng Giám mục Cushley nói. “Đây là lý do tại sao chúng ta có Bí tích xức dầu đặc biệt, nhờ đó Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và sự bình an của chính Ngài vào những thời điểm khủng hoảng hiện sinh như vậy, và đó cũng là lý do tại sao chúng ta nên quây quần xung quanh người hấp hối bằng những lời cầu nguyện của chúng ta và sự chăm sóc tốt nhất”.
Minh Tuệ (theo Crux)