Bốn năm sau cuộc chiến diễn ra ở miền đông Ukraine đã dẫn đến “cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất trên lục địa châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai”, theo người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine.
Đức Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk Địa phận Kyiv kêu gọi cộng đồng quốc tế và Giáo hội Công giáo không được bỏ qua cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngài đã dduaw ra lời kêu gọi trong bài phát biểu của mình tại hội nghị của Tổ chức Hiệp sĩ Columbus được tổ chức tại Baltimore vào ngày 7 tháng 8.
Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, cuộc xung đột ở Ukraina đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và đồng thời khiến 1,6 triệu người bị buộc phải di tản, theo Liên Hợp Quốc.
“Bên cạnh tất cả những người bị thương vong và những thảm kịch của con người, vẫn còn một mối nguy hiểm tiềm tàng khác của cuộc chiến ở miền đông Ukraine: Khu vực này có nguy cơ phait ghánh chịu thảm họa sinh thái lâu dài và vô cùng thảm khốc do các mỏ quặng bị ngập và cán nguồn nước uống bị ô nhiễm, vốn có thể được so sánh quy mô của thảm họa lò phản ứng hạt nhân Chernobyl vào năm 1986”, Đức TGM Shevchuk cảnh báo.
“Có tới 4 triệu người có thể không có nước uống an toàn trong khu vực”, Đức TGM Shevchuk tiếp tục, “tất cả điều này giờ đây đang xảy ra, ở Ukraine, quốc gia lớn nhất ở châu Âu”.
Cuộc chiến cũng đã phá hủy cơ sở hạ tầng cơ bản. Tổ chức Y tế Thế giới đã ghi nhận nhiều vụ tấn công nhằm vào các bệnh viện tại Ukraine từ năm 2014 đến năm 2016.
“Đây quả thực là một cuộc chiến thầm lặng và đã bị lãng quên. Bởi vì nó là một ‘cuộc xung đột lạnh nhạt’, không ai còn mạnh mẽ lên tiếng về cuộc chiến ở Ukraine nữa”, Đức TGM Shevchuk nói.
Mặc dù lệnh ngừng bắn tồn tại ở Ukraine, thế nhưng nó đã bị vi phạm hơn 1.200 lần trong vòng một tuần lễ vào tháng Bảy, theo báo cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác trong nhiệm vụ Giám sát Đặc biệt của châu Âu ở Ukraine.

Xe bị cháy ở trung tâm thành phố sau tình trạng bất ổn ở Odessa, Ukraine. (Credit: aragami)
“Nhiều chuyên gia hiện nay gọi cuộc chiến ở Ukraine là ‘cuộc chiến tranh tạp chủng’, vốn chính là một cuộc chiến nơi mà không chỉ các loại vũ khí truyền thống được sử dụng trên các chiến trường, mà còn có cả tất cả các phương tiện hủy diệt, bao gồm cả chiến tranh kinh tế và chiến tranh thông tin, đều được sử dụng”, Đức TGM Shevchuk giải thích. “Nhờ vào công nghệ thông tin, các cuộc chiến tranh hiện đại không chỉ giới hạn ở các vùng lãnh thổ cụ thể”.
“Tất cả mọi người trong thế giới phương Tây ngày nay đều trải qua những hậu quả của cuộc chiến tranh thông tin này, vốn nhằm vào sự thật bằng cách phổ biến ‘những tin tức giả mạo’ và đồng thời hướng ý kiến công chúng theo những mục tiêu không trung thực. Thật không may, thậm chí ngay cả quốc gia của bạn hoặc các quốc gia phát triển khác ở Tây Âu cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của những cuộc tấn công này. Hãy nhớ rằng: đó không chỉ là cuộc chiến tranh của chúng tôi – đó là cuộc chiến của cả nhân loại!”, Đức TGM Shevchuk nói.
Phản ứng của Giáo hội Công giáo
“Giáo hội Công giáo ở Ukraine, và đặc biệt là Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine của chúng ta, phản ứng thế nào trước nhu cầu của hàng triệu người phải chịu đựng hậu quả của chiến tranh?”, Đức TGM Shevchuk chất vấn các Hiệp sĩ Columbus.
Phản ứng của Đức TGM Shevchuk đó là “diakonia”, một thuật ngữ Tân Ước trong tiếng Hy lạp để chỉ những công việc phục vụ bác ái từ thiện. Trong trường hợp của Ukraine, “diakonia” đòi hỏi “việc phục vụ đối với những người thân cận, chăm sóc những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, bằng cách cung cấp cho họ sự hướng dẫn tinh thần và thường với những công việc phục vụ xã hội”, Đức TGM Shevchuk nói.
“Bác ái chính là một thuốc giải độc cho sự ích kỷ và thờ ơ. Tôi muốn nói rằng bác ái cũng chính là chìa khóa để hiểu biết về sự thành công của Tổ chức Hiệp sĩ Columbus ở Ukraine”, Đức TGM Shevchuk nói.
Tổ chức Hiệp sĩ Columbus là một sự hiện diện tương đối mới ở Ukraine. Hội đồng Hiệp sĩ Columbus đầu tiên của đất nước được thành lập cách đây 5 năm trước – ngay trước khi Nga xâm lược Crimea.
Ngày nay các Hiệp sĩ ở Ukraine đã dành nhiều nỗ lực từ thiện của họ để hỗ trợ dân thường địa phương bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong khu vực Donbas của Đông Ukraine.
Tổ chức Hiệp sĩ Columbus đã tổ chức trại hè cho những người lính bị thương, cựu chiến binh và gia đình họ. Họ thường xuyên đến thăm những người bị thương trong các bệnh viện, gây quỹ cho các trang thiết bị sơ cứu và đồng thời cung cấp xe lăn miễn phí cho những người khuyết tật. Một hội đồng của Tổ chức Hiệp sĩ Columbus ở đông nam Ukraine đã tổ chức trại hè cho trẻ em đang sinh sống gần khu vực chiến đấu.
“Xã hội của chúng ta có lẽ vẫn chưa nhận ra quy mô đầy đủ của sự chấn thương do chiến tranh gây ra và đó chính là lý do tại sao chúng ta, với tư cách là một Giáo Hội và Tổ chức Hiệp Sĩ Columbus, cần phải đầu tư nhiều năng lượng cũng như các nguồn lực của chúng ta vào lĩnh vực phục hồi, ngõ hầu có thể chữa lành những vết thương dân tộc của chúng ta”, Đức TGM Shevchuk nói.
Người Công giáo chỉ là một nhóm thiểu số ở Ukraine, phần lớn dân số địa phương là các Kitô hữu Chính thống giáo. Đức TGM Shevchuk cho biết rằng ngài được khuyến khích để chứng kiến việc cả những người Công giáo La Mã lẫn những người Công giáo Hy Lạp cùng cộng tác với nhau trong Tổ chức Hiệp sĩ Columbus như thế nào. Đức TGM Shevchuk cho biết điều này cho thấy “một ví dụ tuyệt vời về sự thống nhất của Giáo hội Công giáo ở Ukraine, vốn vô cùng cần thiết trong xã hội Ukraina ngày nay”.
Vào ngày 7 tháng 8, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko qua điện thoại, đồng thời đảm bảo với ông về sự ủng hộ của Mỹ đối với ‘tính toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ’ của Ukraine, theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, ông Heather Nauert.
Một vài tuần trước đó, Bộ Ngoại giao đã công bố Tuyên bố Crimea kêu gọi Nga chấm dứt việc chiếm đóng Crimea: “Hoa Kỳ bác bỏ nỗ lực sáp nhập Crimea của Nga và đồng thời cam kết duy trì chính sách này cho đến khi tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được khôi phục”.
Trong khi đó, Tổ chức Hiệp sĩ Columbus ở Ukraine sẽ tiếp tục trợ giúp những người phải chịu đựng đau khổ bởi tình trạng bạo lực.
Minh Tuệ chuyển ngữ