Lối vào chính của Tòa Giám mục ở trung tâm Kupang, nơi Đức Cha Hironimus Pacaeenoni trú ngụ kể từ khi nhậm chức Tổng Giám mục Địa phận Kupang, Indonesia vào tháng 3 năm 2024, luôn mở cửa, ngay cả vào buổi tối. Các Linh mục, các nhà truyền giáo và các tín hữu bình thường muốn chia sẻ niềm vui và những muộn phiền của mình đều có thể bước vào và chia sẻ một cách thân mật. Cha Raymond Maurus Ngatu, người Indonesia 31 tuổi, là một tân Linh mục của Dòng Thừa Sai Các Thánh Tông Đồ. Trước khi đến Pontianak, Borneo của Indonesia để truyền giáo, ngài sẽ chủ sự Thánh lễ mở tay sau khi được truyền chức tại một Giáo xứ ở quê nhà Kupang.
Đức Tổng Giám mục Pacaeenoni đã mỉm cười và cho vị tân Linh mục lời khuyên và ban phép lành, trước hết, khi nói đến công việc truyền giáo trong tương lai, ngài nói một lời hay đúng hơn là một bí mật: “hãy luôn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, chứ không phải vào bản thân. Hãy trở thành khí cụ trong tay Người”.
Kupang nằm ở phần Indonesia của Đảo Timor. Đây là thành phố lớn nhất ở Tây Timor và là thủ phủ của Tỉnh Đông Nusa Tenggara. Nửa còn lại của Đảo Timor là Cộng hòa Đông Timor độc lập. Kupang có dân số hơn 430.000 người. Đây là một thành phố cảng điển hình của Châu Á, khá hỗn loạn, là sự pha trộn của những con người luôn tất bật. Đây là con đường duy nhất để các thương gia và ngư dân tham gia vào các hoạt động giao thương đến và đi từ nhiều hòn đảo khác ở miền đông Indonesia. Tổng dân số của khu vực mà Giáo phận Kupang bao phủ là 1,6 triệu người và đây là một trong số ít Giáo phận ở Indonesia có đa số là Kitô hữu. 60% dân số địa phương theo đạo Tin lành và khoảng 35% là các tín hữu Công giáo; người Hồi giáo chỉ chiếm 3-4% dân số. Với 17.000 hòn đảo, Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Đức Tổng Giám mục “Roni” – như ngài thích được các Linh mục và tín hữu gọi như vậy – rất vui mừng khi 14 thầy vừa được truyền chức Phó tế và “nếu Chúa muốn, họ sẽ sớm được truyền chức Linh mục, 12 người trong số các tiến chức vào tháng 11”, vịa Giám chức nói với Fides. “Bốn người trong số họ – Đức Tổng Giám mục Pacaeenoni nhấn mạnh – đã biết rằng họ sẽ trở thành ‘những nhà truyền giáo trong nước’, cách chúng tôi gọi các Linh mục được cử đến phục vụ tại các Giáo phận khác ở Indonesia, nơi cần Linh mục và tu sĩ, chẳng hạn như Sumatra, Kalimantan (Borneo thuộc Indonesia) hoặc Papua Indonesia”.
Đức Tổng Giám mục Pacaeenoni đã chia sẻ với niềm vui lớn lao về “sự hiệp nhất giữa các Giáo phận của Indonesia”. Có 35 Giáo xứ ở Kupang, và sắp tới, 9 nhà thờ nhỏ khác sẽ được nâng lên hàng Giáo xứ. đông đảo anh chị em giáo dân trở thành thành viên của Giáo xứ và tham gia vào đời sống Giáo hội và các Bí tích. Đức tin vẫn còn sống động, và chúng ta nhận thấy điều này đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Chúng ta nhận thấy điều này trong ơn gọi mà Thiên Chúa tiếp tục ban cho chúng ta: tại Tiểu chủng viện, chúng ta có hơn 100 Chủng sinh và tại Đại chủng viện, chúng ta có 90 Chủng sinh. Tin Mừng tiếp tục thu hút những người trẻ tuổi”.
Đức Tổng Giám mục Pacaeenoni vui mừng và tự hào cho biết Giáo hội địa phương đã mở hơn 90 trường học Công giáo, từ trường tiểu học đến trường trung học, đồng thời nhận được sự giúp đỡ của 53 nhóm tôn giáo nam và nữ hoạt động trong khu vực.
Đức Tổng Giám mục Địa phận Kupang cho biết các tín hữu của Giáo phận đang thiết kế một “con đường tắt” để chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô, người sẽ đến thăm Indonesia từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9. “Họ sẽ không thấy ngài nhiều ở Jakarta, thủ đô, nơi Đức Thánh Cha sẽ lưu lại trong 3 ngày – vị Giám chức lưu ý – nhưng ở Dili, ở Đông Timor, bên kia biên giới. Dự kiến có khoảng 10.000 người Công giáo trong Giáo phận sẽ đến Đông Timor từ các Giáo phận Kupang và Atambua (một thành phố khác gần biên giới) để tham dự Thánh lễ tại quảng trường Tesimolu, ở Dili”, Đức Tổng Giám mục Pakaenoni xác nhận với Fides. Hành trình từ Kupang đến Đông Timor mất khoảng 8-10 tiếng đi xe buýt, dễ dàng hơn nhiều so với việc tổ chức một chuyến đi tốn kém đến Jakarta. Ngoài ra, ban tổ chức đã triệu tập khoảng 100 đại biểu từ mỗi Giáo phận, để các tín hữu của Tây Timor có thể tận hưởng cơ hội đặc biệt này: chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô trên chính hòn đảo của họ.
“Chúng tôi đang hợp tác với chính phủ Indonesia để giúp các tín hữu Công giáo tham gia vào các hoạt động của Đức Thánh Cha trong thời gian ngài ở Dili. Chúng tôi đã yêu cầu các Linh mục, Nữ tu và các tín hữu đăng ký tại Giáo xứ. Giáo phận đã sắp xếp với Cục Di trú để xin giấy tờ đi lại”.
“Nhiều tín hữu không có hộ chiếu, và chúng tôi sẽ cấp giấy thông hành đặc biệt cho họ, hoặc các viên chức đã khởi động một quy trình đặc biệt để cấp hộ chiếu trong vòng 3 ngày thay vì 2 tuần như thường lệ”. Một số tín hữu cũng sẽ đến từ các đảo lân cận là Rote, Alor và Sabu. Sau khi thăm Jakarta, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Dili, thủ đô của Đông Timor, từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9. Các tín hữu Indonesia cũng sẽ đến đây. “Chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận hoàn toàn với Hội đồng Giám mục Đông Timor để đảm bảo việc tiếp đón, thức ăn và chỗ ở cho những người hành hương Indonesia, và cong việc tổ chức đã bắt đầu”.
Vào ngày 10 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại quảng trường Tasitolu, ngoại ô Dili. Năm 1987, khi Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Đông Timor, ngài cũng đã cử hành Phụng vụ Lời Chúa tại đây. Vào thời điểm đó, Đông Timor nằm dưới sự cai trị của Indonesia. Chấn thương trong quá khứ gần như được chữa lành hoàn toàn thông qua hành trình hòa giải, đây cũng là quá trình chữa lành chấn thương tâm lý cũng như chấn thương tinh thần. Tuy nhiên, vẫn còn những vết bầm tím và những vết sẹo còn đang rướm máu. Năm 1999, Đông Timor đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc để tuyên bố độc lập. Kể từ đó, Đông Timor đã rơi vào tình trạng căng thẳng và hỗn loạn, với lực lượng dân quân thân Indonesia gây ra tình trạng bạo lực và các vụ thảm sát. Ngay cả trong những năm sau đó, một số lượng lớn dân thường phải di tản đã chạy trốn khỏi Đông Timor do tình hình bất ổn và đổ về Atambua và Kupang. Trong những năm sau đó, 250.000 người tị nạn đã dần dần trở về Đông Timor. Tại thời điểm lịch sử này, cộng đồng Công giáo ở Kupang đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với những người phải di tản thông qua các hành động liên đới, phân phát thực phẩm và chăm sóc sức khỏe y tế.
Đức Tổng Giám mục Pacaenoni nhấn mạnh rằng hiện nay Thiên Chúa đã tạo ra cho chúng ta một cơ hội khác – cơ hội hòa giải để chấm dứt trải nghiệm đau thương này.
“Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể hỗ trợ và củng cố tiến trình hòa bình và hòa giải. Chuyến viếng thăm của ngài không chỉ là chuyến viếng thăm các tín hữu Công giáo, mà còn là chuyến viếng thăm tất cả mọi người. Phải nói rằng không có vấn đề gì giữa các Giáo hội Tây Timor và Đông Timor, chúng tôi đang hiệp thông trọn vẹn. Vẫn còn một số khó khăn và đau đớn giữa những gia đình đã mất đi người thân yêu vì bạo lực và vẫn còn nhìn thấy những kẻ hành quyết ở bên kia biên giới, và tôi tin rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô chính là sự quan phòng. Đó có thể là khoảnh khắc ân sủng đặc biệt, khoảnh khắc của sự hòa giải cho các gia đình đang đau buồn. Đó có thể là khoảnh khắc cầu nguyện và chấp nhận sự tha thứ, đức tin vào Thiên Chúa, Đấng chữa lành những vết thương. Đây là điều tôi nhận thấy giữa mọi người và chúng ta, với tư cách là những người Công giáo, đóng vai trò là người trung gian và người tạo điều kiện trong quá trình này, chúng ta biết rằng điều đó khó khăn vì nó liên quan đến cảm xúc và trái tim và đó là lý do tại sao chúng ta cầu xin Thiên Chúa trợ giúp và tin tưởng phó thác vào Người”.
Minh Tuệ (theo Fides)