Đại diện của Vatican tại LHQ tại Geneva, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič đã trình bày tại một cuộc họp tham vấn vào hôm thứ Hai 8/5 vừa qua, chuẩn bị cho một thỏa thuận quốc tế về vấn đề di dân và nhân quyền.
Hiệp định, được biết đến như một ‘thỏa thuận toàn cầu’ nhằm mục đích đưa ra một danh sách các nguyên tắc cũng như cam kết trong việc giải quyết tất cả các khía cạnh của vấn đề di cư quốc tế.
Tại cuộc họp, đặc phái viên Tòa thánh kêu gọi tình huynh đệ và tinh thần liên đới cần phải được đặt ưu tiên trên những chia rẽ chính trị cũng như những biên giới về mặt địa lý.
Tập trung đặc biệt vào nhu cầu bảo vệ những trẻ em di dân, Đức TGM Jurkovič kêu gọi một “Thỏa thuận Toàn cầu có tầm nhìn xa và đặt con người làm trọng tâm xoay quanh những người nhập cư như là những nhân vật chính thực sự”.
Dưới đây là bài phát biểu của Đức TGM Ivan Jurkovič – Quan sát viên thường trực của Toà thánh tại LHQ và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva tại cuộc tham vấn về chủ đề đầu tiên về Thỏa thuận toàn cầu đối với vấn đề di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên:
Bài tham luận 1: “Quyền con người của tất cả những người di dân”
Geneva, ngày 8 tháng 5 năm 2017
Thưa ngài Chủ tịch,
Phái đoàn Tòa Thánh xin cảm ơn hai đồng điều phối viên về những phát biểu mở đầu và các tham luận viên về những phần trình bày của họ trong phần tham luận đầu tiên của buổi hội thảo chuyên đề đầu tiên về Hiệp định Toàn cầu về vấn đề di dân.
Thông qua Tuyên bố New York, các nguyên thủ quốc gia, các chính phủ và các đại diện cấp cao đã cam kết “bảo vệ sự an toàn, nhân phẩm, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của tất cả những người di dân, bất kể tình trạng di cư của họ là gì, tại mọi thời điểm”. Giờ đây, các cuộc tham vấn về Thỏa thuận Toàn cầu về vấn đề Di dân đã tạo cho cộng đồng quốc tế một cơ hội chưa từng có để chuyển từ cách tiếp cận “phản ứng” sang một cách tiếp cận có thể dự đoán được, điều phối, quản lý và hiệu quả hơn đối với thực tế và kinh nghiệm di cư của con người trong một cách tiếp cận tổng thể và toàn diện.
Tuy nhiên, cách duy nhất để chúng ta có thể thành công trong việc cải thiện việc quản lý di dân toàn cầu bằng cách hình thành nên một Thỏa thuận Toàn cầu có tầm nhìn xa và đặt con người làm trọng tâm xoay quanh những người nhập cư như là những nhân vật chính thực sự. Kết quả của các cuộc đàm phán về Thỏa thuận toàn cầu này sẽ thực sự là một phép thử bằng giấy quỳ về tình huynh đệ và sự liên đới trong gia đình các quốc gia trên tất cả những chia rẽ chính trị hoặc biên giới về mặt địa lý.
Về phương diện này, Tòa Thánh muốn đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ để bảo vệ nhân phẩm của mỗi người và thực hiện các nguyên tắc và chính sách nhân đạo – mà không có bất kì sự hạn chế nào, – để đáp ứng với những người đang thực hiện việc di cư, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.
Như ĐTC Phanxicô gần đây đã tuyên bố: “Mỗi người nhập cư đều là một con người thực sự, vốn sở hữu những quyền cơ bản, không thể chuyển nhượng mà mọi người đều phải tôn trọng trong mọi tình huống … tình trạng pháp lý bất thường không thể cho phép những người di dân đánh mất phẩm giá của mình, bởi vì họ đã được phú cho những quyền không thể chuyển nhượng, mà cũng không thể bị xâm phạm hoặc bỏ qua”. Thật vậy, khi được đối xử với lòng nhân đạo, những người di dân có thể góp phần vào sự thịnh vượng của cả các quốc gia nguồn gốc cũng như các quốc gia đích đến của họ trong một “tình huống hai bên cùng có lợi”.
Hành trình của hầu hết những người di dân quả là không hề dễ dàng chút nào; hầu hết họ đều có liên quan đến những kinh nghiệm đau buồn vốn chỉ có thể duy trì bằng sự hy vọng và đức tin. Họ trải qua quá trình di cư với những chi phí cá nhân hết sức tốn kém, và thường xuyên rất dễ trở thành nạn nhận của tình trạng bóc lột, lạm dụng và bạo lực. Bảo vệ những quyền lợi không thể chuyển nhượng của những người di dân, bảo đảm các quyền tự do cơ bản của họ và tôn trọng phẩm giá của họ không chỉ là một nghĩa vụ luân lý mà còn là trách nhiệm luân lý chung phải được biến thành những hành động cụ thể và có thể đo đếm được.
Việc đảm bảo việc bảo vệ, tuy nhiên, là không đủ. Chừng nào các tình huống đói nghèo, các cuộc xung đột, bách hại và bạo lực lan tràn vẫn còn tồn tại ở các quốc gia nguồn gốc của họ, thì lợi ích thương mại của những kẻbuôn lậu vẫn sẽ tiếp tục phát triển, và niềm hy vọng những người nhập cư sẽ bị vi phạm, bất kể những cam kết mạnh mẽ của chúng ta nhằm bảo vệ con nhân quyền của những người đang thực hiện việc di cư. “Điều cần thiết là cần phải thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện của những người di dân, đòi hỏi sự tiếp cận đa phương: từ cộng đồng chính trị đến xã hội dân sự, từ các tổ chức quốc tế cho đến các tổ chức tôn giáo … Sự thăng tiến con người của những người di dân và gia đình họ bắt đầu từ các cộng đồng khởi nguyên của họ. Đó là nơi khuyến khích sự thăng tiếng như vậy cần phải được bảo đảm, cùng với quyền có thể được di cư, cũng như quyền không bị hạn chế để di cư, đó là quyền được tìm kiếm nơi quê hương mình những điều kiện cần thiết để có được một cuộc sống sung túc” .
Mối bận tâm lớn của Tòa Thánh đó chính là điều kiện của những trẻ em di dân – vốn đang trở nên trầm trọng hơn khi chúng không có người đi cùng hoặc tách biệt với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình – bởi vì chúng dễ dàng trở nên nạn nhân của các hình thức lạm dụng và bạo lực. Trẻ em di dân không có tiếng nói, ảnh hưởng chính trị và xã hội ở hầu hết các quốc gia đón nhận chúng, do đó nhu cầu của chúng thường bị lãng quên hoặc bị bỏ qua. Chú ý đến các tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận về quyền được học hành, chúng tôi cho rằng cần phải tái khẳng định trách nhiệm hàng đầu và những quyền lợi trước tiên của cha mẹ trong việc giáo dục và nuôi dạy con cái.
Phái đoàn của tôi muốn mời gọi các thành viên tham dự cuộc họp chia sẻ quan điểm của họ về phương thế nhằm đảm bảo rằng những cam kết của chúng ta không chỉ là một sự hội tụ toàn diện các quyền lợi cũng như các cam kết chính trị hiện tại mà còn được thực hiện cả về mặt tinh thần và hành động thông qua những kết quả cụ thể và có thể đo lường được trong Thỏa thuận toàn cầu.
Cám ơn ngài Chủ tịch.
Minh Tuệ chuyển ngữ