Đức TGM Jurkovic: ‘Giáo hội hỗ trợ những người tị nạn’

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 06-10-2017 | 22:52:00

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho những người phải chạy trốn cảnh chiến tranh và bách hại

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục cầu nguyện và hỗ trợ những người di cư và những người tị nạn phải chạy trốn khỏi cảnh chiến tranh, việc bách hại, thiên tai và cảnh đói nghèo, theo Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và các Tổ chức Quốc tế khác, tại Geneva tại kỳ họp thứ 68 của Ban Chấp hành Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc vào ngày 03 tháng 10 năm 2017.

“Chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các quốc gia đã mở cửa cho những người tị nạn”, Đức TGM Jurkovič nói. Tuy nhiên, Đức TGM Jurkovič cảnh báo rằng “Bất chấp động lực tích cực như vậy, chế độ tị nạn toàn cầu hiện vẫn tiếp tục ngày càng thách thức cả luật pháp lẫn trên thực tế”.

Dưới đây là phát biểu của Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič: 

Ivan_Jurkovič-1-740x493Thưa ngài chủ tịch,

Phái đoàn của Tòa Thánh muốn chúc mừng ngài trong cuộc bầu cử vừa qua và nhân cơ hội này để cảm ơn Cao Ủy LHQ vì những lời nhận xét đầy cảm hứng của ông.

Phái đoàn của tôi cũng muốn nhắc lại những ý nguyện của ĐTC Phanxicô cũng như việc hỗ trợ những người di cư và những người tị nạn phải chạy trốn khỏi cảnh chiến tranh, bách hại, thiên tai và tình trạng đói nghèo. Đồng thời, chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các quốc gia đã mở cửa cho những người tị nạn.

Vào tháng 9 năm ngoái, thông qua việc chấp nhận Tuyên bố New York, cộng đồng quốc tế đã tham gia Công ước về người tị nạn và chế độ bảo vệ quốc tế, trong đó đưa ra các quyền cơ bản của những người tị nạn để tìm kiếm sự an toàn ở các nước khác và để được tiếp nhận với sự quan tâm chăm sóc và phẩm giá con người” (1).

Bất chấp động lực tích cực như vậy, chế độ tị nạn toàn cầu hiện vẫn tiếp tục ngày càng thách thức cả luật pháp lẫn trên thực tế. Các mục tiêu cao quý được đặt ra bởi Công ước về người tị nạn năm 1951 đang hiện đang ngày càng bị mai một. Các quyền hiện có trong luật tị nạn không còn được tôn trọng vì những lo ngại về vấn đề an ninh, và do đó, việc thông qua các chính sách tiếp nhận chặt chẽ hơn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sự an toàn của những người tị nạn và chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu gia tăng.

Việc bảo vệ những quyền lợi bất hợp pháp của những người tị nạn, “bảo đảm các quyền tự do cơ bản và tôn trọng phẩm giá của họ chính là những nhiệm vụ mà không ai có thể được miễn trừ. Việc bảo vệ những anh chị em này là một sự đòi buộc về luân lý vốn chuyển thành việc áp dụng các công cụ pháp lý, cả về mặt quốc tế và quốc gia, phải rõ ràng và có liên quan; việc thực hiện những lựa chọn chính trị công bằng và có ảnh hưởng sâu rộng” (2).

Thưa ngài chủ tịch,

Mặc dù nhiều người đã giải thích hiện trạng như là một cuộc khủng hoảng về số lượng, nhưng trên thực tế nó lại là một cuộc khủng hoảng về thái độ và các giá trị, trong đó sự thờ ơ cũng đồng nghĩa với sự đồng lõa. “Cam kết của chúng ta đối với những người nhập cư, những người lưu vong và những người tị nạn đó là việc áp dụng những nguyên tắc và giá trị của việc chào đón và tinh thần huynh đệ, vốn tạo thành một di sản chung của toàn thể nhân loại” (3). Cách thức mà chúng ta đối xử với những người tị nạn và cách thức chúng ta hỗ trợ những quốc gia đang mang gánh nặng đối với việc chăm sóc những người tị nạn mà họ đã hoan nghênh vào lãnh thổ của họ chính là một phép thử bằng giấy quỳ thực sự đối với lòng nhân ái và tinh thần liên đới của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã dành Sứ điệp của mình nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới năm 2018 cho chủ đề “Chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hội nhập những người di cư và những người tị nạn”, do đó kêu gọi việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người đối với những người di cư và những người tị nạn. “Nguyên tắc đặt con người làm trung tâm … bắt buộc chúng ta phải ưu tiên việc bảo vệ an toàn cá nhân hơn vấn đề  an ninh quốc gia” (4).

Tiếp theo những lời đầy cảm hứng của ĐTC Phanxicô, Phái đoàn của tôi muốn đưa ra lời kêu gọi để đổi mới quyết định chung của chúng ta nhằm tìm ra một sự nhất trí mới về các nguyên tắc nhân đạo: những người tị nạn không phải là những con số để được phân phối và phân bổ, nhưng họ là những con người có tên tuổi, với những câu chuyện, hy vọng và khát vọng đối với sự phát triển con người cách toàn diện, những người đã bị buộc phải chạy trốn khỏi đất nước của mình và giờ đây cần được bảo vệ và hỗ trợ. Sự đồng thuận mới này đòi hỏi một sự nỗ lực phối hợp và toàn cầu liên quan đến cộng đồng chính trị, xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế và các tổ chức tôn giáo.

Phái đoàn của Tòa Thánh muốn nhấn mạnh một số biện pháp cụ thể mà ĐTC Phanxicô đã đề xuất nhằm thúc đẩy việc tôn trọng đối với phẩm giá mà Thiên Chúa ban tặng cho tất cả những người đã bị buộc phải di cư: thực hiện việc áp dụng rộng rãi hơn đối với các chương trình bảo trợ tư nhân và cộng đồng; mở các hành lang nhân đạo và thị thực tạm thời đặc biệt cho những người tị nạn đặc biệt dễ bị tổn thương đang phải chạy trốn các cuộc xung đột ở các nước láng giềng; sự cần thiết phải tôn trọng quyền phổ quát đối với quốc tịch đã được chứng nhận hợp pháp đối với tất cả mọi trẻ em khi sinh; sự cần thiết phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tôn trọng sự thống nhất của các gia đình, đơn vị tự nhiên và cơ bản của xã hội và một quyền quan trọng của những người tị nạn; sự cần thiết phải tránh việc giam giữ và đồng thời phải tìm ra các phương án thay thế khác; sự cần thiết phải đảm bảo việc tiếp cận thường xuyên với giáo dục tiểu học và trung học cho những người tị nạn là trẻ em.

Đồng thời, điều quan trọng cần phải ghi nhớ chính là mỗi người tị nạn đều phải có những nghĩa vụ đối với quốc gia tiếp nhận mình, đòi buộc họ phải tôn trọng luật pháp cũng như các quy định của quốc gia đó để có thể đạt được lợi ích chung cho tất cả mọi người.

Thưa ngài chủ tịch,

Điều vô cùng quan trọng đó là phải phá vỡ quan niệm sai lầm xung quanh câu chuyện về những người tị nạn. Thường thì họ bị đổ lỗi phải chịu trách nhiệm đối với tình hình ở quốc gia xuất xứ của họ. Họ không chỉ phải chạy trốn khỏi các cuộc xung đột và việc bị bách hại mà họ không có quyền kiểm soát, mà còn thường bị phân biệt đối xử và bị từ chổi ở các quốc gia tiếp nhận. Phái đoàn của Tòa Thánh muốn lên án sự dối trá và hoài nghi trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo một mặt, trong khi mặt khác vẫn áp dụng các chính sách tạo ra các cuộc xung đột, mà không giải quyết các nguyên nhân chính trị cơ bản.

Thưa ngài chủ tịch,

Để kết luận, hãy cho phép tôi chia sẻ một vài lời về việc phát triển Khung phản ứng Toàn diện đối với những người tị nạn (CRRF). Mặc dù hy vọng chung của chúng ta đó chính là sẽ không có cảnh những người tị nạn, nhungwq thật không may, những người tị nạn luôn là một phần trong lịch sử nhân loại của chúng ta. Lưu ý rằng kể từ năm 2007, những người quan tâm đến Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã tăng hơn gấp đôi, tình cảnh của những người tị nạn vẫn tiếp tục là “một vết thương đáng xấu hổ đối với thời đại chúng ta” (5), điều quan trọng là phải đặt ra các chiến lược và cơ cấu rõ ràng để phục vụ công ích chung không chỉ đối với những người ở nơi khác đến cũng như đối với các công dân nước chủ nhà.

Khi chúng ta có cơ hội để được lắng nghe trong một giai đoạn đặc biệt, nhờ những nỗ lực đáng kể của UNHCR, CRRF hiện đang được áp dụng tại 11 quốc gia. Những bài học rút ra được từ những kinh nghiệm này sẽ là công cụ để phát triển một Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn vốn đặt con người làm trung tâm.

Hy vọng của phái đoàn của tôi đó chính là CRRF sẽ có hiệu quả trong việc giảm bớt những câu chuyện hết sức thương tâm và đồng thời ủng hộ những câu chuyện về hy vọng của phụ nữ, những thanh thiếu niên và trẻ em đang phải chạy trốn khỏi các cuộc xung đột, việc bách hại cũng như các hình thức bạo lực khác trong công cuộc tìm kiếm một đời sống an toàn và phù hợp với phẩm giá con người hơn.

Xin cám ơn ngài chủ tịch,

1. Phát biểu của Cao ủy Tị nạn với Đại hội đồng LHQ, ngày 18 tháng 9 năm 2017
2. Phát biểu của ĐTC Phanxicô tại Diễn đàn Quốc tế về Di dân và Hòa bình, ngày 21 tháng 2 năm 2017
3. Như trên
4. Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới năm 2018
5. Thánh Gioan Phaolô II, Thư gửi Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn, ngày 25 tháng 6 năm 1982

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết