Đức TGM Jurkovic: Các nguyên tắc Phát triển Bền vững

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 05-10-2017 | 04:34:47

Khoảng cách kinh tế và xã hội giữa “các nước giàu” và “các nước nghèo” hiện đang lớn dần

“Khoảng cách kinh tế và xã hội giữa ‘các nước giàu’ và ‘các nước nghèo’ hiện đang lớn dần”, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc và các Tổ chức Quốc tế khác, vào ngày 2 tháng 10 năm 2017 tại Geneva, cho biết. Những lời nhận xét của Đức TGM Jurkovič đã được trình bày tại Hội nghị lần thứ 57 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).

Đức Tổng giám mục Jurkovic đã trích dẫn “ba nguyên tắc hữu ích” để hỗ trợ cho thành tựu của việc phát triển bền vững:

Liên đới: “Liên đới có nghĩa là chúng ta quan tâm đến những bận tâm của người khác cũng như của chính chúng ta”.

Bổ trợ: “Bổ trợ kêu gọi việc tham khảo ý kiến và hợp tác nhiều hơn giữa các quốc gia và thông qua công việc của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ở WIPO”.

Ivan_Jurkovič-1-740x493

Sự bận tâm đối với công ích chung: “Mục tiêu chính của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một chế độ công bằng về quyền sở hữu trí tuệ cần phải nhằm vào việc hướng đến lợi ích của tất cả mọi người và theo đuổi các mối quan hệ quốc tế công bằng hơn, đặc biệt là đối với những người nghèo hơn cũng như những người dễ bị tổn thương hơn”.

Đức Tổng Giám mục Jurkovič kết luận bằng cách nhắc nhở đại hội đồng LHQ rằng “chúng ta cần phải tiếp tục giữ liên lạc với thế giới hiện thực, vốn được hình thành bởi những nhà cải cách, những người sáng tạo và người sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ”.

Phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovič, Đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc và các Tổ chức Quốc tế khác tại phiên họp lần thứ 57 tại Geneva, ngày 2 tháng 10 năm 2017 – Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) Geneva, ngày 2 tháng 10 năm 2017 do Tòa Thánh cung cấp:

Thưa ngài chủ tịch,

Thưa các vị đại biểu,

Phái đoàn của Tòa Thánh muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với sự cam kết quảng đại của ngài với tư cách là Chủ tịch Đại hội đồng WIPO. Chúng tôi cũng muốn nhân cơ hội này cảm ơn ngài Tổng Giám đốc điều hành vì phần báo cáo của ngài và Ban Thư ký về những công việc hết sức khó khăn của họ trong suốt năm nay, đặc biệt trong công tác chuẩn bị cho Đại hội đồng này.

Thưa ngài Chủ tịch, không ai có thể chất vấn đối với tiến bộ đáng kể cũng như những kết quả đạt được của tổ chức này trong những năm gần đây, đặc biệt liên quan đến các dịch vụ Sở hữu trí tuệ toàn cầu. Sự tăng trưởng đều đặn của các ứng dụng và việc mở rộng thành viên đã đạt được nhờ những phản ứng thích hợp với nhu cầu phát triển từ thế giới hiện thực.

Khoảng cách về kinh tế và xã hội giữa “các nước giàu” và “các nước nghèo” hiện đang lớn dần và đồng thời có những sự bất cân xứng lớn trên thế giới. Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến việc các nền kinh tế tiên tiến đang đầu tư hàng nghìn tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển (R & D), trong khi các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp và các nền kinh tế chuyển phải đương đầu với vô số các nhu cầu với các nguồn lực vô cùng hạn chế. Như đã được thể hiện trong Báo cáo Chỉ số Toàn cầu, các công nghệ mới đang được phát triển và được khuếch tán trên toàn cầu với tốc độ chưa từng có. Thách thức lớn nhất đó chính là phải đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều phải được hưởng lợi từ sự khuếch tán nhanh chóng của các công nghệ này và sự khác biệt lớn về công suất công nghệ hiện tại không bị làm trầm trọng thêm nữa. Đây chính là một vấn đề quan trọng đòi hỏi sự quan tâm chú ý một cách cẩn thận.

Việc đổi mới và phổ biến công nghệ sẽ đại diện cho các yếu tố quan trọng đối với việc hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Một hệ thống sở hữu trí tuệ được thiết kế tốt, phù hợp với Điều 7 của Hiệp định TRIPS 2, “cần phải góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ, thúc đẩy lợi ích lẫn nhau của người sản xuất và người sử dụng kiến thức công nghệ theo cách thức có lợi cho vấn đề phúc lợi xã hội và kinh tế, cũng như đối với việc cân bằng quyền và nghĩa vụ”. Các nhà đổi mới từ lĩnh vực tư nhân cam kết hỗ trợ việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, với kiến thức và chuyên môn của họ, và họ sẽ thực hiện nghiêm túc cam kết này. Điều cần thiết là đối thoại chân thành và cởi mở, với sự hợp tác có trách nhiệm của tất cả: các nhà chức trách chính trị, cộng đồng khoa học, thế giới kinh doanh và xã hội dân sự. “Không thiếu những ví dụ điển hình; chúng chứng minh rằng sự hợp tác thực sự giữa lĩnh vực chính trị, khoa học và kinh doanh có thể đạt được những kết quả đáng kể” (1). Rà soát lại lịch sử 10 năm của Chương trình nghị sự Phát triển của WIPO, Tổ chức cần phải tiếp tục tiếp cận việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh các lợi ích xã hội rộng lớn hơn, và đặc biệt là các mối quan ngại về vấn đề phát triển.

Việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững phải được định hướng bằng ba nguyên tắc hữu ích: liên đới, bổ trợ và quan tâm đến công ích chung. Liên đới có nghĩa là chúng ta quan tâm đến những bận tâm của người khác cũng như của chính chúng ta. Ảnh hưởng tự nhiên của việc tôn trọng tính trung tâm của con người và việc theo đuổi công ích của gia đình nhân loại là một hành động có hiệu quả của tinh thần liên đới (2). Mặt khác, với ý nghĩa riêng biệt và việc thực hiện của nó, liên đới là một nghĩa vụ của tất cả mọi người và của tất cả các quốc gia để cùng cộng tác với nhau trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta và cùng nhau làm việc hướng tới việc “loại bỏ những trở ngại cho việc phát triển” (3).

Liên quan đến Chương trình nghị sự có tính cách quy chuẩn của Tổ chức, nguyên tắc này cần phải hướng dẫn mọi hành động của chúng ta tại Ủy ban liên chính phủ về tiếp cận tài nguyên di truyền, kiến thức truyền thống và văn hóa dân gian (Intergovernmental Committee (IGC) on Access to Genetic Resources, Traditional Knowledge and Folklore, viết tắt là IGC). Như ngài Tổng Giám đốc điều hành đã nhắc lại, các công cụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, cả hiện tại cũng như đang được phát triển, “có thể đóng góp quan trọng vào việc trao quyền cho người dân bản địa bằng cách giúp họ quảng bá và bảo vệ kiến thức truyền thống và văn hoá truyền thống của họ khỏi sự chiếm đoạt bởi bên thứ ba và hưởng lợi từ việc khai thác thương mại của họ, nếu họ muốn”. Việc tôn trọng các quyền của các cộng đồng truyền thống liên quan đến việc bảo vệ tài sản trí tuệ đối với các nguồn tài nguyên di truyền đòi hỏi phải có kiến thức truyền thống như là “một tài sản chung của cộng đồng đó, vốn đã được phát triển với những sự đóng góp khiêm tốn hay vô danh qua nhiều thế hệ” (4). Ủy ban IGC càn phải tiếp tục công việc của mình trong khoảng thời gian hai năm 2018-2019 nhằm đảm bảo việc đạt được “sự tham gia kinh tế công bằng của người dân bản địa vào các lợi ích thu được từ việc khai thác thương mại đối với các nguồn tài nguyên sinh học, và đồng thời thúc đẩy các biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo việc tôn trọng quyền sở hữu tập thể đối với các kiến thức truyền thống” (5).

Bổ trợ kêu gọi việc tham khảo ý kiến và hợp tác nhiều hơn giữa các quốc gia và thông qua công việc của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ở WIPO. Chúng ta đã chứng kiến có những cạm bẫy khi các chiến lược đã được phát triển mà không có sự tư vấn hoặc phụ thuộc quá nhiều vào cách tiếp cận phát triển theo kiểu “one-size-fits-all” (chỉ một kích cỡ nhưng phù hợp cho tất cả). Hơn nữa, công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết đố thức toàn cầu của vấn đề biến đổi khí hậu. Công nghệ thông tin và việc cung cấp nghiên cứu dựa trên bằng sáng chế có thể hỗ trợ bằng nhiều cách trong việc phát triển và triển khai các công nghệ giảm nhẹ và thay đổi khí hậu. Chúng ta phải tái khám phá việc các hoạt động đa phương và sự tham gia của nhiều bên lợi ích có thể sáng tạo và hiệu quả như thế nào, đặc biệt khi chúng được hướng dẫn bởi một tầm nhìn chung và được thúc đẩy bởi một sự đòi buộc về luân lý và cấp bách. Theo nghĩa này, Dự án Xanh của WIPO thể hiện một sáng kiến quan trọng trong bối cảnh của việc hỗ trợ sự đổi mới, phát triển và chuyển giao công nghệ thông qua những cách tiếp cận hợp tác, như đã được nhấn mạnh trong Hiệp định Paris. Việc phát triển một chương trình hợp tác dài hạn về nghiên cứu và phát triển (R & D) về các công nghệ khí hậu, kết hợp với việc phát triển những kinh nghiệm tốt đẹp đối với các hệ thống công nghệ và đổi mới và quản lý các hệ thống đổi mới công nghệ quốc gia, tượng trưng cho một cách bền vững.

Thưa ngài chủ tịch,

Mục tiêu chính của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một chế độ công bằng về quyền sở hữu trí tuệ cần phải nhằm vào việc hướng đến lợi ích của tất cả mọi người và theo đuổi các mối quan hệ quốc tế công bằng hơn, đặc biệt là đối với những người nghèo hơn cũng như những người dễ bị tổn thương hơn. “Trong tình trạng hiện tại của xã hội toàn cầu, nơi mà sự bất công đang ngày càng gia tăng và số lượng những người bị tước đi các nhân quyền cơ bản và được coi là có thể tiêu hao, nguyên tắc công ích ngay lập tức trở nên hợp lý và không thể tránh được” (6).

Thưa ngài chủ tịch,

Tóm lại, khi chúng ta tiến hành Chương trình nghị sự của các Hội đồng này, chúng ta cần phải tiếp tục giữ liên lạc với thế giới hiện thực, vốn được hình thành bởi những nhà cải cách, những người sáng tạo và người sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ và “một phần quan trọng của nhân loại vốn không chia sẻ lợi ích của sự tiến bộ và trên thực tế là rơi vào tình trạng của các công dân hạng hai” (7).

Xin cám ơn ngài chủ tịch!

 —————–

1. ĐGH Phanxicô, Bìa phát biểu tại Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Nairobi, ngày 26 tháng 11 năm 2015.
2. Xa hơn sự biểu hiện của “những hành động thiện chí ngẫu nhiên”, liên đới “đòi hỏi chúng ta phải tạo ra một não trạng mới, là não trạng biết suy nghĩ theo cộng đồng, về ưu tiên cho cuộc sống của tất cả mọi người so với việc làm chủ của cải của một số ít người”, Evangelium Gaudium, số 188.
3. Tuyên bố của LHQ về Quyền Phát triển, Điều 3.3. 3
4. Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Laborem Excercens (LE), NN10 & 3
5. Đức Gioan Phaolô II, Bài phát biểu về ‘Năm Thánh của Thế Giới Nông Nghiệp’, ngày 11 tháng 11 năm 2000.
6. ĐGH Phanxicô, Thông Điệp Laudato si § 158,3 4
7. ĐGH Phanxicô, Phát biểu với Tổng Thư ký LHQ và các Giám đốc của các Tổ chức Quốc tế khác nhau, ngày 5 tháng 5 năm 2014.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết