
Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher tại phiên họp thứ 73 của Liên Hợp Quốc ở New York (Ảnh do Vatican News cung cấp)
Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher cho biết bài học chính rút ra từ đại dịch COVID-19 là sự cần thiết phải tạo ra các hệ thống y tế quốc gia kiên cường và suy ngẫm về mối liên hệ sâu sắc giữa tình trạng nghèo đói và sức khỏe kém.
Các phản ứng về y tế phải bao gồm các cơ chế liên đới nhằm giúp các quốc gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cho người dân của họ, đồng thời tôn trọng sự nhạy cảm về văn hóa và chủ quyền của họ, người tương đương với “Bộ trưởng Ngoại giao” của Tòa Thánh đã phát biểu tại một cuộc họp cấp cao về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, đang được tổ chức như một phần của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
“Trải nghiệm về đại dịch COVID-19 một lần nữa nhắc nhở tất cả chúng ta về sự mong manh của chúng ta, về mối liên kết cơ bản và sự phụ thuộc lẫn nhau, cũng như trách nhiệm của chúng ta đối với người khác”, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Thư ký Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế của Tòa Thánh, đã phát biểu với đại diện của 150 quốc gia, cũng như các tổ chức quốc tế tham gia cuộc họp.
“Việc thực hiện tinh thần liên đới toàn cầu đòi hỏi cần phải ưu tiên sự tiếp cận phổ cập các công nghệ y tế, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất”, Đức Tổng Giám mục Gallagher phát biểu hôm 20 tháng 9.
“Tất cả chúng ta đều cần đến nhau”
Đức Tổng Giám mục Gallagher chỉ ra rằng bài học chính rút ra từ đại dịch là sự cần thiết phải tạo ra các hệ thống y tế quốc gia mạnh mẽ và kiên cường.
“Trong thời kỳ đại dịch, năng lực sản xuất hạn chế, kết hợp với sự khác biệt lớn về sức mua, đã tạo ra sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận mà chỉ sự hào phóng thì không thể vượt qua. Việc giải quyết vấn đề này đối với các đại dịch trong tương lai đòi hỏi một cách tiếp cận mang tính phát triển, phản ánh mối liên hệ sâu sắc giữa tình trạng nghèo đói và sức khỏe kém. Nó cũng đòi hỏi việc xây dựng năng lực ở các nước đang phát triển để thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới, sản xuất và phân phối tại địa phương”, Đức Tổng Giám mục Gallagher nói.
Đức Tổng Giám mục Gallagher cảnh báo không nên chỉ tìm kiếm một “giải pháp nhanh chóng” và đồng thời cho biết rằng “cần phải đảm bảo rằng có thể đưa ra phản ứng hợp lý trong các đại dịch trong tương lai”. Ngoài ra, tất cả các phản ứng đáng tin cậy đối với các trường hợp khẩn cấp về y tế phải tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt, tự do lương tâm và tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng. “Chúng phải bao gồm các cơ chế liên đới nhằm giúp các quốc gia cung cấp thuốc men và chăm sóc sức khỏe đầy đủ cho người dân của họ, đồng thời tôn trọng sự nhạy cảm về văn hóa và chủ quyền của họ”, Đức Tổng Giám mục Gallagher nói.
Đặc phái viên Vatican cũng trích dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Covid-19 là nhận ra rằng tất cả chúng ta đều cần đến nhau và không ai trong chúng ta có thể được cứu một mình”.
Minh Tuệ (theo La Croix)