Liên Hiệp Quốc cần phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di dân khiến nhiều người đã phải rời bỏ quê hương xứ sở và gia đình của mình, theo Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Sứ Thần Tòa Thánh và Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc.
Lời kêu gọi của Đức TGM Auza đã được đưa ra vào ngày 30 tháng 10 năm 2017, trong một tuyên bố tại Phiên họp thứ 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chương trình Nghị sự thứ ba Khoản 72 (b, c): Khuyến khích và bảo vệ nhân quyền, tại LHQ, New York.
Đức Tổng Giám Mục Auza lưu ý rằng Báo cáo viên Đặc biệt về Nhân quyền Di dân “trong bản báo cáo gần đây của ông đã kêu gọi chú ý đến những gì ông nhận thấy như một bài diễn thuyết nông cạn xung quanh vấn đề di dân”. Đức TGM Auza tiếp tục: “Khuôn khổ nhân quyền quốc tế bắt nguồn từ việc bảo vệ sự sống đòi hỏi một xã hội không chỉ công nhận nhân quyền của người dân của mình mà còn là một xã hội có khả năng và kiên quyết trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ”.
Dưới đây là bài phát biểu của Đức TGM Bernardito Auza:
Thưa ngài chủ tịch,
Phái đoàn của tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm mà các Báo cáo viên đặc biệt cũng như những người có thẩm quyền khác về nhân quyền phải đảm nhận trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người. Trong khi cám ơn họ vì công việc của họ, Toà Thánh nhắc lại rằng “quyền sống, tự do và an ninh của con người” là một quyền trung tâm và thiết yếu đối với tất cả mọi người, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất và tự vệ. Trong khi cám ơn vì tất cả những công việc của họ, Toà Thánh nhắc lại rằng “quyền sống, quyền tự do và an ninh của con người” [1] chính là một quyền lợi quan trọng và thiết yếu đối với tất cả mọi người, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất và không có khả năng tự vệ giữa chúng ta.
Thưa ngài chủ tịch,
Trong phần Lời mở đầu của Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền, các Quốc gia thành viên của Liên hợp quốc không chỉ tái khẳng định “sự tin tưởng của họ đối với các quyền cơ bản của con người, phẩm giá và giá trị của con người và quyền bình đẳng nam nữ”, đồng thời cũng tái khẳng định đối với “sự quyết tâm của họ nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội và tiêu chuẩn sống tốt hơn với sự tự do hơn” [2]. Điều đó có nghĩa là nhân quyền và phẩm giá con người không bao giờ được thăng tiến một cách độc lập, mà việc thúc đẩy những vấn đề này gắn liền với sự tiến bộ xã hội và mức sống tốt hơn. Các quyền lợi, nói cách khác, luôn luôn đồng nghĩa với trách nhiệm.
Khuôn khổ nhân quyền quốc tế bắt nguồn từ việc bảo vệ sự sống đòi hỏi một xã hội không chỉ công nhận nhân quyền của người dân của mình mà còn là một xã hội có khả năng và kiên quyết trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ. Đối với các cam kết của chúng ta nhằm đảm bảo các quyền về dân sự hoặc chính trị, chúng phải đi kèm với một quyết tâm chung tương ứng để đạt được công ích chung.
Cụ thể, điều này đòi hỏi không chỉ việc bảo vệ pháp lý đối với tất cả mọi sự sống con người kể từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên mà còn là một hệ thống chính trị với các thể chế và một xã hội dân sự mạnh mẽ có khả năng cung cấp cho tất cả các nhu cầu thiết yếu của con người trong suốt cuộc đời của họ, việc thực hiện đầy đủ các quyền của họ đối với vấn đề thực phẩm, nhà ở, công việc, chăm sóc sức khoẻ cơ bản, giáo dục và tự do tín ngưỡng. Đặc biệt, nam giới và những người phụ nữ khuyết tật, thường bị phân biệt đối xử và bị gạt ra bên lề xã hội, cần phải được bảo vệ và thực hiện đầy đủ các quyền con người của họ, đồng thời phải nhận được sự ủng hộ, chú ý và quan tâm một cách xứng đáng.
Các nguyên tắc về công bằng và liên đới cũng đòi hỏi giải quyết những sự bất bình đẳng và đồng thời tạo ra một môi trường lành mạnh vốn cho phép tất cả mọi cá nhân trở thành những tác nhân phát triển của chính họ. Chúng đòi hỏi những cam kết cụ thể, chẳng hạn như Chương trình nghị sự 2030, để đầu tư vào những điều cần thiết cho sự phát triển toàn diện của con người, bắt đầu với những nhu cầu bức thiết nhất của những người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền chính là một trong những chiến lược hiệu quả nhất nhằm loại bỏ sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và các dân tộc cũng như đối với việc tăng cường vấn đề an ninh. Việc tôn trọng nhân quyền cũng như những nỗ lực hướng tới việc hoàn thành đầy đủ các quyền này chính là một phần trong việc theo đuổi công ích. Tuy nhiên, nhân quyền tiếp tục bị thách thức, bị bỏ qua và thậm chí là bị coi thường nhân danh lợi nhuận, những thủ đoạn chính trị và vấn đề an ninh. Có lẽ không nơi nào mà điều này lại rõ ràng hơn trong cuộc khủng hoảng hiện nay về vấn đề di chuyển của con người mà những người nhập cư, những người tị nạn cũng như những người dân bị buộc phải di tản hiện đang phải đối mặt.
Về vấn đề này, Báo cáo viên Đặc biệt về Nhân quyền của những người Di dân trong báo cáo gần đây của ông đã kêu gọi chú ý tới những gì mà ông nhận thấy như một bài diễn thuyết nông cạn về vấn đề di dân. Báo cáo cho biết rằng thay vì nhận ra rằng vấn đề di dân có liên quan tới sự phổ biến của cuộc xung đột kéo dài, cảnh đói nghèo cùng cực, tình trạng kém phát triển, hoặc các cuộc khủng hoảng về môi trường, và đòi hỏi những hành động cụ thể ngay lập tức, cuộc thảo luận có xu hướng hướng tới “một điều gây hốt hoảng” vốn kéo dài nhận thức của những người di dân như là một gánh nặng và phí tổn”. Chúng ta phải giải quyết những quan niệm sai lầm xung quanh những câu chuyện về những người di dân và đồng thời không cho phép chúng trở thành cái cớ nhằm trốn tránh trách nhiệm mà chúng ta phải đảm bảo việc di cư an toàn, trật tự và thường xuyên với sự tôn trọng đầy đủ các quyền con người của những người bị ảnh hưởng.
Mặc dù Tuyên bố New York là một dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy cuộc thảo luận này đang thay đổi, nhưng cần phải tuân theo những cam kết mạnh mẽ trong khuôn khổ của Hiệp ước Toàn cầu nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di dân vốn đã buộc nhiều người phải rời bỏ quê hương xứ sở và gia đình của họ. Trong khi các quốc gia có quyền về chủ quyền để kiểm soát các khu vực biên giới của họ, họ phải làm như vậy để phù hợp với các quyền con người của những người nhập cư và những người tị nạn, bất kể tình trạng di cư của họ là gì. Và những người nhập cư có trách nhiệm phải tôn trọng pháp luật cũng như các quy định của đất nước nơi mà họ đang sinh sống và đồng thời tôn trọng nhân quyền của người khác nhằm đạt được vấn đề công ích chung.
Thưa ngài chủ tịch,
Như ĐTC Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta trong bài phát biểu vào năm 2015 của mình tại Đại hội đồng, bất kể con số của những tuyên bố chính trị cũng như những cam kết mà chúng ta đã thực hiện, tầm quan trọng của những tình huống mà chúng ta hiện đang phải đối mặt cũng như sự mất mát đối với những tính mạng vô tội, đòi hỏi chúng ta cần phải tránh mọi cám dỗ để bị rơi vào “thuyết duy danh” vốn làm thỏa mãn lương tâm của chúng ta nhưng lại không đạt được điều gì [3]. Vì vậy, chúng ta không chỉ nói về sự cần thiết phải tôn trọng, bảo vệ và cổ võ nhân quyền của mỗi cá nhân, nhưng chúng ta cũng phải làm tất cả mọi thứ có thể được để đảm bảo rằng các quyền đó phải được thực hiện một cách hiệu quả thông qua việc hoàn thành các trách nhiệm tương ứng.
Xin cám ơn ngài chủ tịch!
1. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR), Điều 3.
2. UDHR, Lời mở đầu.
3. ĐTC Phanxicô, Bài phát biểu với các Thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Trụ sở LHQ, 25 tháng 9 năm 2015.
Minh Tuệ chuyển ngữ