Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Sứ Thần Tòa Thánh và Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, vào ngày 5 tháng 2 năm 2018, đã nhấn mạnh sự cần thiết đối với các quốc gia để cam kết đối với tiến trình về Hiệp ước Toàn cầu về việc di cư an toàn, trật tự và hợp pháp (GCM).
Những nhận định của Đức TGM Auza đã được đưa ra trong một cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc tại New York, sau khi công bố bản dự thảo đầu tiên của GCM.
Trong cuộc họp báo, các đồng điều phối viên giải thích rằng dự thảo đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi báo cáo cuối cùng từ cuộc họp kiểm kê vốn đã diễn ra tại Puerto Vallarta trong giai đoạn II của quá trình liên chính phủ. Các đồng điều phối viên nhấn mạnh rằng dự thảo phản ánh sự can thiệp của các Quốc gia Thành viên trong giai đoạn đó, nhấn mạnh một sự cân bằng thận trọng. Dự thảo cũng hết sức thận trọng để phản ánh “một nhận thức chung về mục đích” mà tất cả các Quốc gia thành viên có thể chia sẻ. Ngoài ra, nó tìm cách giải quyết vấn đề di cư một cách toàn diện, theo mọi góc độ, thách thức và mối bận tâm đã được bày tỏ.
Bản dự thảo tự nó đã được chia thành bốn phần. Phần mở đầu bao gồm tầm nhìn chung đối với hiệp ước cũng như 10 nguyên tắc hướng dẫn vốn tạo thành nền tảng của nó. Tiếp theo là một phần đề cập đến khuôn khổ hợp tác, liệt kê 22 mục tiêu bao gồm những cam kết có khả năng thực hiện được, chuyển từ các nguyên tắc đã được đưa ra trong Tuyên bố New York tới các đề xuất và chính sách cụ thể cho việc thực hiện của Nhà nước. Tài liệu sau đó kết thúc bằng một phần gợi ý về Các Phương thức Thực hiện (MOI) có khả năng xảy ra cũng như các cơ chế cho việc Theo dõi và Xem xét GCM.
Dưới đây là phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza:
Kính thưa quý vị đồng điều phối viên,
1. Cảm ơn quý vị vì tất cả những nỗ lực mà quý vị và đội nhóm của quý vị đã thực hiện để tiến hành quá trình này cho đến nay. Phái đoàn của tôi hoan nghênh bản dự thảo như là một cơ sở tuyệt vời cho các cuộc đàm phán. Như đã nêu trong bản dự thảo, kết quả cuối cùng sẽ chỉ tốt đẹp như là sự đầu tư tập thể và cam kết của chúng ta đối với tiến trình liên chính phủ mà chúng ta đã tham gia kể từ năm ngoái, vốn kêu gọi chúng ta đối với một nhận thức rõ hơn mục đích vì bản dự thảo sẽ được thương lượng trong những tháng tới.
2. Trên cơ sở Tuyên bố New York, các quốc gia đã được cung cấp cơ hội quan trọng này để đàm phán một khuôn khổ quốc tế về các thông lệ cũng như những tiêu chuẩn tốt nhất đối với việc di cư an toàn, có trật tự và hợp pháp.
3. Hiệp ước toàn cầu nhằm mục đích giải quyết tất cả các khía cạnh của cuộc di cư quốc tế một cách tổng thể và toàn diện. Cùng với những điều này, việc công nhận rằng các quốc gia duy trì quyền chủ quyền riêng của mình để kiểm soát các khu vực biên giới của họ, và đồng thời, họ có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ quyền con người của tất cả mọi người sẽ vẫn là một trong những nguyên tắc cốt lõi của Hiệp ước Toàn cầu. Chúng không phải là những nghĩa vụ và trách nhiệm cạnh tranh mà là bổ sung cho nhau, cung cấp một sự cân bằng cần thiết.
4. Việc hội nhập là một quá trình hai chiều, đòi hỏi những quyền lợi và nghĩa vụ tương hỗ. Những người đón tiếp được mời gọi để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người đối với những người được chào đón, trong khi những người được chào đón nhất thiết phải tuân thủ luật pháp của quốc gia cung cấp cho họ tinh thần hiếu khách.
5. ĐTC Phanxicô hy vọng rằng tiến trình này sẽ dẫn đến những kết quả vốn đáp ứng một cách đầy đủ đối với một cộng đồng thế giới đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau hơn, và do đó cần phải có một tinh thần liên đới và giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn. Về khía cạnh này, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ tạo cho tất cả các bên liên quan cơ hội và trách nhiệm phải ghi nhớ sự bảo vệ cũng như sự thăng tiến của tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang trong những trường hợp dễ bị tổn thương.
6. Tiến trình này sẽ thành công nếu nó được dựa trên hai phẩm chất: sự khôn ngoan và tinh thần quảng đại.
Xin cảm ơn tất cả quý vị!
Minh Tuệ chuyển ngữ