
Đức Tổng Giám mục Grzegorz Rys Địa phận Lodz, Ba Lan, trái, và Đức Tổng Giám mục Luis José Rueda Aparicio Địa phận Bogotá, Colombia, phải, đến tham dự Công nghị nơi họ sẽ được tấn phong Hồng y tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican vào ngày 30 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: CNS) /Lola Gomez)
Tân Hồng y người Ba Lan, Đức Tổng Giám mục Gregorz Ryś, 59 tuổi, đã nói về sự chống đối Đức Thánh Cha Phanxicô tại quê hương của ngài trong cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên Vatican của tờ America vào ngày 29 tháng 9, một ngày trước khi ngài nhận chiếc mũ đỏ.
“Chúng ta hành xử hoàn toàn bất công, bất công đối với Đức Giáo Hoàng bởi vì sự phản đối chống lại ngài luôn dựa trên một hoặc hai cụm từ bị đưa ra khỏi ngữ cảnh”, Đức Hồng y Ryś nói. Vị Hồng y người Ba Lan cũng đã nói về sự phân cực chính trị ở quê hương của ngài hiện nay, một đất nước có hơn 41 triệu dân, 71% trong số đó tuyên bố mình là người Công giáo theo số liệu thống kê của chính phủ công bố năm nay.
Sinh năm 1964 tại Krakow, Đức Hồng Y Ryś học thần học và lịch sử Giáo hội tại Học viện Thần học Giáo hoàng ở Krakow từ năm 1982 đến năm 1988 khi đang học tại Đại chủng viện của Tổng Giáo phận Krakow. Ngài được truyền chức Linh mục vào ngày 22 tháng 5 năm 1988. Ngài lấy bằng Tiến sĩ thần học năm 1994 dựa trên luận án về lòng đạo đức bình dân thời Trung Cổ ở Ba Lan, và vào năm 2000, ngài lấy bằng sau tiến sĩ về lịch sử với luận văn về Jan Hus, một nhà cải cách tôn giáo quan trọng của Séc thế kỷ 15.
Đức Hồng Y Ryś từng là Giám đốc văn khố của Tổng Giáo phận Krakow, trưởng khoa lịch sử Giáo hội tại Đại học Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Giám đốc Đại chủng viện của Tổng Giáo phận Krakow. Đức Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục phụ tá Địa phận Krakow vào năm 2011.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Ryś làm Tổng Giám mục Địa phận Lodz ở miền trung Ba Lan vào năm 2017, một Giáo phận có 1.300.000 người Công giáo và 219 Giáo xứ, và ngài đã được tấn phong Hồng y trong Công nghị gần đây vào ngày 30 tháng 9.
Đức Tổng Giám mục Gregorz Ryś là vị Hồng y người Ba Lan thứ hai được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong trong Triều đại Giáo hoàng 10 năm của ngài, người còn lại là Đức Tổng Giám mục Konrad Krajewski, 59 tuổi, người đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Chánh sở Từ Thiện Giáo hoàng vào năm 2013 và Hồng y vào năm 2018. Ba Lan hiện có 5 vị Hồng y, 4 trong số đó chưa đủ tuổi 80 với quyền bỏ phiếu trong Mật nghị tiếp theo.
Kính thưa Đức Hồng y, thách thức lớn nhất mà Giáo hội Công giáo ở Ba Lan hiện nay phải đối mặt là gì?
Tôi nhìn Ba Lan cũng giống như Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn thế giới – rằng chúng ta đang trải qua trong những thay đổi của thời đại, không phải thời đại của những thay đổi mà là sự thay đổi của thời đại – và đây là những gì chúng tôi đang trải qua ở Ba Lan. Thế kỷ 20 là thời đại của những thay đổi, rất nhanh, rất lớn. Chúng tôi không thể theo sau Giáo hội; Giáo hội bao giờ cũng đi chậm hơn xã hội một chút. Nhưng giờ đây không còn là thời đại của những thay đổi nữa; giờ đây có sự thay đổi của thời đại.
Chúng tôi cần học cách sống trong một hoàn cảnh hoàn toàn mới, cách đọc các dấu chỉ của thời đại và cách đọc chúng theo cách của Thiên Chúa và rồi tuân theo sự phân định. Hiện tại không có gì là rõ ràng, ngoại trừ những giáo điều. Những giáo điều và giáo huấn là hiển nhiên, nhưng làm thế nào để áp dụng tất cả những quy tắc và giáo huấn đó vào hoàn cảnh mới, xã hội mới – đây là một nhiệm vụ lớn lao.
Ngài là vị hồng y người Ba Lan thứ hai đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong tại một đất nước Ba Lan nơi dường như có sự phản đối khá mạnh mẽ đối với Đức Thánh Cha và cũng có nhiều chỉ trích về những nhận xét của ngài về Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Việc bảo vệ Đức Giáo hoàng trong tình huống này có khó không?
Tôi không muốn bào chữa cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi muốn vần lời Ngài và tuân theo giáo huấn của Ngài. Đức Thánh Cha là Đấng kế vị Thánh Phêrô; không phải tôi.
Khi được hỏi về tất cả những điều này, tôi thường trả lời rằng chúng ta hành xử hoàn toàn bất công đối với Đức Thánh Cha Phanxicô bởi vì sự phản đối chống lại ngài luôn dựa trên một hoặc hai cụm từ được đưa ra ngoài ngữ cảnh. Tôi luôn hỏi [những người chỉ trích Đức Thánh Cha]: Quý vị đã đọc “Evangelii Gaudium” (Niềm vui Tin Mừng) chưa? Quý vị nghĩ gì về Tông Huấn này? “Evangelii Gaudium” không phải một hoặc hai câu mà ngài nói với các nhà báo trên máy bay, mà là chương trình dành cho Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô và dành cho Giáo hội.
Tôi nhận thấy chỉ cách đây một tuần lễ tại Marseille, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một bài phát biểu mà theo quan điểm của tôi là một trong những bài phát biểu quan trọng nhất mà ngài đã đưa ra với tư cách là Giáo hoàng, và tôi đã tìm trên các tờ báo và trang blog của Ba Lan ít nhất một bản tóm tắt về bài phát biểu đó, nhưng chẳng có bài viết nào cả. Chẳng có gì cả!
Mặt khác, đã có nhiều lời chỉ trích đối với Đức Thánh Cha Phanxicô sau bài phát biểu của ngài với giới trẻ Công giáo Nga ở St. Petersburg. Nhưng không ai nói về bài phát biểu thực sự của Đức Thánh Cha với họ. Đức Thánh Cha đã có một bài phát biểu dài; ngài trò chuyện trong suốt nửa tiếng đồng hồ và giảng dạy cho họ tất cả những bài giảng của ngài từ Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, vì biết rằng họ không thể đến Lisbon. Đó lại là một bài phát biểu tuyệt vời, nhưng họ chỉ nhìn vào một câu mà Đức Thánh Cha đã thêm vào ở cuối. Điều này thật bất công. Cách chúng ta hành xử với Đức Thánh Cha Phanxicô trong các cuộc thảo luận [ở Ba Lan] là hoàn toàn bất công.
Ngài nghĩ tại sao họ lại hành xử với Đức Thánh Cha Phanxicô như vậy?
Cá nhân tôi không hiểu điều này. Nó thường diễn ra dưới hình thức đối lập giữa Đức Phanxicô và Đức Gioan Phaolô II, hoặc giữa Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô XVI. Nhưng tôi không thể hiểu được điều đó bởi vì khi tôi nhìn các Đức Giáo hoàng, chúng ta có chuỗi [sự kế vị] các triều đại Giáo hoàng bắt nguồn từ Công đồng Vatican II. Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và sau đó là Gioan Phaolô II, Bênêđíctô XVI và giờ đây là Phanxicô. Đây là một chuỗi các triều đại Giáo hoàng và không có mâu thuẫn. Điều chúng ta có là mỗi triều đại tiến xa hơn, nhưng đây vẫn là cùng một đường hướng. Đây là nhiệm vụ, đây là sự tiến triển. Sự tiến triển đang ngày càng sâu sắc hơn.
Đức Hồng Y Blase Cupich, người mới đến Giáo phận của tôi, có một câu nói: Đức Gioan Phaolô II thường nói những gì chúng ta phải làm, Đức Bênêđíctô thường nói tại sao chúng ta nên làm điều này hay điều kia, nhưng Đức Phanxicô nói cứ làm điều đó.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị chỉ trích rất nhiều ở Ba Lan về lập trường của ngài đối với Ukraine. Đức Thánh Cha thường bị gán cho là thân thiết với Nga hơn Ukraine. Đức Hồng y đã cung cấp nơi trú ẩn cho rất nhiều người Ukraine trong Giáo phận của mình. Ngài nhận thấy điều đó thế nào?
Tôi thấy toàn bộ giáo huấn của Đức Phanxicô về vấn đề này. Ngài nói về hòa bình. Không ai khác nói về hòa bình. Mọi người đều nói về cách giành chiến thắng trong cuộc chiến. Sự thắng lợi trong chiến tranh không phải là hòa bình.
Đức Hồng y hy vọng điều gì cho đất nước của mình khi nhìn về tương lai phía trước trong 5 năm tới?
Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm ra cách thống nhất một lần nữa vì ngày nay chúng ta đã bị chia rẽ quá nhiều. Tôi phải nói rằng tình huống hiện tại này nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Cách đây 6 năm trước, khi tôi đến Lodz, tôi đã bắt đầu các cuộc họp liên quan đến Ba Lan, và chúng diễn ra trong tinh thần cởi mở, và thông thường các tham dự viên tham gia hội thảo được mời đều đến từ các phe phái chính trị khác nhau. Chỉ có hai điều kiện để họ được mời: thứ nhất là họ sẵn sàng đối thoại và thứ hai là họ yêu quê hương đất nước. Chỉ vậy thôi. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời. Mỗi lần chúng tôi đều có đầy đủ phòng ốc, và 20% là những người trẻ tuổi. Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể tổ chức những việc như vậy. Nhưng cách đây 6 năm trước, sự chia rẽ mà chúng tôi có bây giờ là điều không thể tưởng tượng được.
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 năm ngoái với tạp chí America đã nói, “Sự phân cực không phải là Công giáo”.
Vâng, đúng thế. Đó là điều hiển nhiên.
Vì Đức Hồng y là tham dự viên tham gia Thượng Hội đồng về Hiệp hành, tôi muốn hỏi ngài hy vọng điều gì từ Thượng Hội đồng này?
Tôi thiết nghĩ Thượng Hội đồng sẽ là ví dụ điển hình nhất về sự hiệp nhất, và cách thực hiện điều đó, cách để Chúa Thánh Thần thực hiện điều đó. Đây là nhiệm vụ thực sự: Làm thế nào chúng ta có thể cởi mở với công việc của sự hiệp nhất được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần?
Minh Tuệ (theo America)